23/04/2013 8:31 PM
Từ khi chính sách cho người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam ra đời cho đến nay, số lượng người được sở hữu còn rất khiêm tốn. Đâu là những rào cản dẫn đến những hạn chế trên? Ông Vũ Xuân Thiện – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đã trao đổi với báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này.
Ông Vũ Xuân Thiện
Thưa ông, chính sách cho người nước ngoài mua nhà đã có gần chục năm qua. Tuy nhiên, người nước ngoài vẫn rất khó mua được nhà. Vì sao, thưa ông?
- Tính cho đến thời điểm hiện nay, đã có khoảng hơn 500 người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam (120 người nước ngoài và gần 400 Việt kiều). Theo tôi, chính sách cho Việt kiều mua nhà tương đối cởi mở. Tuy nhiên, chính sách cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam chưa thực sự thông thoáng, cởi mở.
Theo thông tư, điều kiện mua nhà quy định người nước ngoài đang đầu tư, công tác tại Việt Nam có chức danh, có cống hiến cho Việt Nam, được Chủ tịch nước tặng thưởng huân, huy chương, cá nhân người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam không có chức năng kinh doanh bất động sản… Mỗi người nước ngoài chỉ được mua một căn chung cư. Thủ tục hành chính còn rườm rà. Trong khi đó, nhu cầu mua nhà của người nước ngoài không chỉ chung cư, mà còn nhà đất biệt thự, liền kề. Đây chính là điểm mấu chốt dẫn đến tình trạng người nước ngoài khó được sở hữu nhà trên đất Việt Nam.
Quan điểm của tôi cho rằng, nhà ở trên đất Việt Nam, do chúng ta quản lý, nên có chính sách thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho người nước ngoài không chỉ mua được chung cư mà còn mua được cả nhà đất.
Thường vụ Quốc hội đã bàn đến giải pháp nới lỏng chính sách cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, coi đây là một trong những kênh tháo gỡ khó khăn cho đầu ra của thị trường bất động sản. Ý kiến của ông?
- Theo tôi, trước tiên việc nới lỏng, thậm chí dỡ bỏ rào cản chính sách cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam tạo sự cởi mở trong quan hệ Việt Nam với các nước đang có công dân sinh sống tại đây. Đồng thời, tạo điều kiện cho người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam có điều kiện đóng góp hơn cho nền kinh tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc nới lỏng chính sách là một trong những giải pháp góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS thương mại phân khúc nhà ở biệt thự, liền kề và chung cư trung - cao cấp.
Quan điểm của tôi, cứ làm việc tại Việt Nam, có nhu cầu mua nhà ở Việt Nam là tạo điều kiện. Bởi việc người nước ngoài mua nhà sẽ không ảnh hưởng gì đến nhà ở xã hội mà Chính phủ hỗ trợ cho người có thu nhập thấp. Ngược lại, họ còn tiêu thụ cho phân khúc nhà ở thương mại đang còn tồn đọng. Tuy nhiên, không bán và cho thuê nhà ở những địa điểm, khu vực nhạy cảm về an ninh quốc phòng.
Có ý kiến lo ngại rằng, để người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam thì sẽ xảy ra những bất cập, khó khăn trong công tác quản lý về nhân khẩu?
- Điều này không đáng lo ngại. Bởi chúng ta có chính sách quản lý người nước ngoài sống tại Việt Nam chặt chẽ, nền nếp từ trước. Người nước ngoài nay ở khách sạn này, mai ở khách sạn khác, không có nhà ở cố định mới khó quản lý. Tâm lý người Việt Nam hay người nước ngoài cũng thế"an cư lạc nghiệp”, ở một nơi ổn định họ sẽ có trách nhiệm hơn đối với cộng đồng, với xã hội.
Trân trọng cảm ơn ông!
Minh Trang (Đại Đoàn Kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.