Chính phủ vừa thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, sau đó đã được Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM, trình Quốc hội cho ý kiến. Đây được xem là bước đột phá trong đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương.
Thời điểm chín muồi
TP HCM là đô thị đặc biệt, đầu tàu kinh tế, có sức thu hút, lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Quy mô và mật độ dân cư cao nhất cả nước (thống kê năm 2020, TP có 9 triệu dân, thực tế có trên 10 triệu người đang sinh sống, học tập và làm việc), đóng góp gần 1/4 GDP cả nước.
Với quy mô kinh tế và cường độ hoạt động kinh tế và nhiều mặt lớn nhất cả nước, yêu cầu đặt ra là các quyết định quản lý hành chính của chính quyền TP phải được triển khai đến chính quyền cơ sở, người dân và doanh nghiệp nhanh và chính xác; được thi hành kịp thời, đồng bộ, hạn chế việc các cấp trung gian diễn đạt và hướng dẫn lại. Đồng thời, do hoạt động kinh tế của TP có tính chất liên thông, liên kết; việc cung cấp các dịch vụ hạ tầng như điện, nước, thoát nước, xử lý rác, giao thông công cộng, y tế, giáo dục đòi hỏi phải được quy hoạch và thực hiện thống nhất, đồng bộ toàn TP, không phụ thuộc vào địa giới hành chính quận, huyện, phường, xã, thị trấn… Hơn nữa, với biến động kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh, dân cư tăng nhanh sẽ cần một bộ máy chính quyền đô thị hiện đại. Thực tế ở các nước phát triển, bộ máy chính quyền đô thị cũng khác vùng nông thôn.
Mặt khác, TP HCM đã có kinh nghiệm thí điểm thành công việc không tổ chức HĐND ở tất cả quận, huyện, phường trên địa bàn TP (từ năm 2009-2016). Đánh giá gần 7 năm thực hiện thí điểm đã cho thấy nhiều kết quả tích cực như: tinh gọn bộ máy, khắc phục sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các ngành, các cấp, tiết kiệm ngân sách, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền nhà nước, phát huy được quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân ở cơ sở. Do giảm tầng nấc, không phải thông qua nhiều cấp chính quyền nên thời gian triển khai các kế hoạch được nhanh hơn, chính xác hơn, phù hợp với tính chất, yêu cầu quản lý của một đô thị đông dân. Hoạt động giám sát tiếp tục được phát huy thông qua đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND TP, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội… Việc thực hiện quyền dân chủ của nhân dân trên địa bàn vẫn được bảo đảm, một số mặt thực hiện dân chủ cơ sở được tăng cường, kinh tế - xã hội phát triển, an ninh quốc phòng giữ vững, đời sống các mặt của người dân không ngừng tăng lên. Đây là một trong những cơ sở thực tiễn cho thấy hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền không phụ thuộc vào việc tổ chức HĐND trải đều trên tất cả các cấp hành chính. Trong khi đó, khi tổ chức lại HĐND huyện, quận, phường nhiệm kỳ 2016-2021, nhân sự HĐND tăng lên trên 8.300 người, ngân sách chi khoảng 47 tỉ đồng/năm.
TP HCM là đô thị đặc biệt, đầu tàu kinh tế, có sức thu hút, lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Ảnh: Hoàng Triều
Về cơ sở chính trị, pháp lý, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và sau đó là Nghị quyết 18-NQ/TW, Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (khóa XII) đã xác định: "Tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế xây dựng chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ hơn tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt". Theo Hiến pháp năm 2013: "Cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định". Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 đã có quy định cụ thể hơn về cấp chính quyền địa phương.
Xuất phát từ cơ sở thực tiễn, cơ sở chính trị và căn cứ pháp lý hiện hành, việc trình, ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM là cần thiết và phù hợp quy định. Đây được xem là thời điểm chín muồi.
Mục tiêu và kỳ vọng
Tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM theo đề án được trình nhằm tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả dưới sự lãnh đạo của Đảng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính minh bạch trong quản lý của chính quyền TP; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Do TP đã kết thúc giai đoạn thí điểm, đã tổng kết và rút ra các bài học kinh nghiệm nên đây cũng là một trong các cơ sở để Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM mà không thực hiện thí điểm.
Dự thảo Nghị quyết gồm 12 điều với một số điểm chính như: Quy định việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM: Chính quyền địa phương ở TP HCM gồm có HĐND TP và UBND TP; chính quyền địa phương tại quận, phường là UBND quận, UBND phường; việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác (huyện, TP thuộc TP HCM, xã, thị trấn) thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của HĐND, UBND, chủ tịch UBND TP, quận, TP thuộc TP HCM, phường… Để bảo đảm tính liên tục và không tạo khoảng trống trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của chính quyền địa phương ở quận và phường, dự thảo Nghị quyết quy định một số nội dung về điều khoản chuyển tiếp…
Việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM đã được TP báo cáo với trung ương từ những năm trước khi thực hiện thí điểm. Quá trình xây dựng đề án và dự thảo Nghị quyết lần này, lãnh đạo TP và Bộ Nội vụ đã tổ chức lấy ý kiến các cơ quan trung ương có liên quan, được Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị quyết, được các cơ quan có thẩm quyền thông qua theo quy định, trình Quốc hội xem xét tại một kỳ họp theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV.
Mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM được kỳ vọng có sự thay đổi không chỉ là việc thay "chiếc áo đã quá chật" mà sự chuyển động của mô hình mới sẽ gắn với đổi mới cơ chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính chủ động sáng tạo của chính quyền TP HCM, bảo đảm sự ổn định và phát triển TP.
Nhiều đòi hỏi của cuộc sống thúc giục chúng ta tiếp tục đổi mới để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM, TP Anh hùng, TP vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ là một dấu mốc có ý nghĩa trong hành trình đổi mới.
Ban hành chính sách hỗ trợ đối với cán bộ dôi dưTP HCM sẽ sắp xếp, bố trí và giải quyết các chế độ, chính sách đối với số lượng cán bộ dôi dư khi thực hiện Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Theo đó, TP sẽ rà soát, sắp xếp, bố trí cán bộ đủ điều kiện để tiếp tục làm việc tại các cơ quan, tổ chức của Đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ TP đến phường. Cán bộ dôi dư, kể cả những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn giữ lại làm việc nhưng tự nguyện xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác khác... thì giải quyết chế độ, chính sách theo quy định hiện hành. Chế độ, chính sách đối với cán bộ dôi dư sẽ căn cứ theo từng đối tượng mà thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định. Ngoài ra, trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương, UBND TP trình HĐND TP ban hành chính sách hỗ trợ đối với cán bộ dôi dư khi thực hiện đề án. P.Anh |
Chính quyền đô thị TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng* Cơ sở pháp lý: Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hà Nội được xây dựng khi chưa có Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019. Vì vậy, Quốc hội phải có Nghị quyết 97 cho phép thí điểm không tổ chức HĐND ở phường. Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng được xây dựng khi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 chưa có hiệu lực thi hành, đồng thời Nghị quyết 119 còn có một số nội dung về chính sách khác quy định ở các luật pháp liên quan. Do đó, Nghị quyết 119 phải cho phép thí điểm việc không tổ chức HĐND quận, phường và các chính sách đặc thù. Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM được xây dựng sau khi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 đã có hiệu lực. Việc không tổ chức HĐND ở phường, quận đã được quy định ở luật, khi Quốc hội cho phép. * Cơ sở thực tiễn: TP Hà Nội chưa thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội. TP HCM và TP Đà Nẵng thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội. TP HCM đã có kinh nghiệm thực tiễn hơn 6 năm từ kết quả thành công của quá trình thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường trên diện rộng. * Về tổ chức chính quyền đô thị: TP Hà Nội: Chính quyền địa phương ở TP, quận, huyện, thị xã, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND; chính quyền địa phương ở phường thuộc quận tại TP là UBND phường (Nghị quyết số 97/2019/QH14). TP Đà Nẵng: Chính quyền địa phương ở TP, huyện, xã là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND; chính quyền địa phương ở các quận và phường thuộc quận tại TP là UBND quận, UBND phường (Nghị quyết số 119/2020/QH14). TP HCM: Chính quyền địa phương ở TP HCM, TP thuộc TP HCM, huyện, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND; chính quyền địa phương ở quận và phường tại TP là UBND quận, UBND phường. Việc tổ chức chính quyền đô thị không chỉ bao gồm quy định bộ máy chính quyền địa phương có tính đặc thù ở đô thị lớn mà có các quy định đặc thù về phân cấp quản lý, chính sách tài chính để làm cho bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả cao hơn, tự chịu trách nhiệm cao hơn. Các nội dung này đối với TP HCM đã được Quốc hội quy định qua một nghị quyết riêng, là Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Như vậy, thực hiện chính quyền đô thị ở TP HCM theo đề án Chính phủ trình Quốc hội mang tính đồng bộ, toàn diện, khác với khi Hà Nội và Đà Nẵng thực hiện thí điểm chính quyền đô thị. P.Anh - P.Dũng |
PHẠM PHƯƠNG THẢO (nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM)
-
Chính quyền đô thị cần tinh gọn và hiệu quả
Trao đổi với ĐTTC, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, cho biết chính quyền đô thị (CQĐT) mà 3 địa phương Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM đang hướng đến tinh gọn và hiệu quả. Do đó cần nghiên cứu, luận giải làm sao để khi đưa vào thực hiện bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất giữa các cấp đơn vị hành chính.