Diễn biến giá vàng giao ngay tại New York phiên ngày 1/10 (đường màu xanh lá) - Nguồn: Kitco.
Đầu phiên giao dịch ngày 1/10 tại Mỹ, thị trường bất ngờ trước những lệnh bán vàng quy mô “khủng” trên sàn COMEX thuộc Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX). Ngay lập tức, giá vàng sụt 25 USD/oz, về sát ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.300 USD/oz. Từ đó, các lệnh bán kỹ thuật để cắt lỗ được đẩy mạnh, đẩy giá vàng tiếp tục lao dốc, xuyên thủng đáy này.
Một loạt hàng hóa cơ bản khác, như bạc đồng và dầu thô, cũng giảm giá cùng với vàng, nhưng mức giảm không lớn như vậy.
Đợt bán tháo ồ ạt vào đầu phiên giao dịch khiến thị trường rộ tin đồn về việc một quỹ đầu tư hàng hóa gặp khó khăn buộc phải bán tài sản. Ngoài ra, cũng có những nhận định cho rằng, hoạt động bán này có liên quan tới việc cân bằng danh mục của một quỹ trong ngày giao dịch đầu tiên của quý 4/2013. Tuy nhiên, không ai đảm bảo chắc chắn thông tin nào là chính xác.
Một số nhà giao dịch khác cho hay, phiên giảm giá này còn là “sản phẩm” của sự thất vọng trong tâm lý các nhà đầu tư. Những người kỳ vọng vàng tăng giá đã rơi vào tâm lý thất vọng khi vàng không thể phát huy được vai trò “vịnh tránh bão” sau khi Chính phủ Mỹ ngưng hoạt động một phần. Vào năm 2011, cuộc khủng hoảng về trần nợ ở Mỹ đã đẩy giá vàng lên mức cao kỷ lục hơn 1.920 USD/oz, nhưng lần này thì mọi chuyện đang diễn ra theo chiều hướng ngược lại.
“Giá vàng đã tăng mạnh trong quý 3, các quỹ đầu tư muốn hiện thực hóa lợi nhuận, nhất là trong bối cảnh giá vàng biến động thất thường trong thời gian qua”, Giám đốc đầu tư Jeffrey Sica của quỹ Sica Wealth Management quản lý 1 tỷ USD tài sản, đánh giá.
Mặc dù vậy, theo hãng tin Reuters, hoạt động chốt lời có vẻ như chưa thể lý giải xác đáng cho đợt lao dốc tiếp theo của giá vàng vào giữa buổi sáng theo giờ New York, về mức đáy của phiên là 1.284 USD/oz. Chỉ trong vòng 10 phút đồng hồ từ 8h30 đến 8h40, đã có khoảng 24.000 lô vàng được “sang tay”.
Sau đó, đà giảm tiếp tục được duy trì dù tốc độ giảm không còn mạnh như trước. Lúc đóng cửa, giá vàng giao tháng 12 mất 40,9 USD/oz, còn 1.286,1 USD/oz. Giá vàng giao ngay chốt phiên với mức giảm 40,4 USD/oz, tương đương giảm hơn 3%, còn 1.288,5 USD/oz. Trong phiên, có lúc giá vàng giao ngay còn dưới 1.283 USD/oz, thấp nhất kể từ ngày 7/8.
Theo số liệu sơ bộ, tính cả phiên giao dịch, tổng giá trị giao dịch cao hơn 20% so với mức trung bình của 30 ngày.
Phiên giảm giá này của vàng là khá riêng biệt so với các tài sản khác. Tỷ giá đồng USD ít biến động trong khi thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm khoảng 1%, tỏ ra “miễn nhiễm” trước việc Chính phủ Mỹ đóng cửa.
Ông Jonathan Jossen, một nhà giao dịch vàng ở COMEX cho rằng, hoạt động bán tháo đêm qua có thể một phần do các nhà đầu tư đặt cược vào sự giảm giá của các hợp đồng vàng giao tháng 12.
Trong quý 3, giá vàng tăng 7,6%, đánh dấu quý tăng đầu tiên trong vòng 1 năm, sau khi giảm 23% trong quý 2. Nếu tính từ đầu năm, giá vàng hiện vẫn tháp hơn khoảng 23%.
Trước khi diễn ra phiên giảm giá này của vàng, nhiều nhà đầu tư đã kỳ vọng giá vàng sẽ tăng do những bất ổn liên quan tới việc Chính phủ Mỹ đóng cửa, bởi việc ngừng một số hoạt động của Chính phủ Mỹ có thể cản trở tiến trình hồi phục của nền kinh tế này.
Khoảng 1 triệu công chức Mỹ đang rơi vào cảnh mất việc tạm thời sau khi Chính phủ nước này đóng cửa lần đầu tiên trong 17 năm. Hiện hai đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn chưa giải quyết được những bất đồng về ngân sách, mà trung tâm của sự bất đồng là những cải cách về chăm sóc y tế công cộng của Tổng thống Barack Obama.
Hiện các nhà giao dịch cũng đang dành sự chú ý cho hạn chót để Mỹ nâng trần nợ vào giữa tháng 10. Vào năm 2011, các nhà làm luật của nước này chỉ đạt thỏa thuận nâng trần nợ vào phút chót để ngăn Mỹ không rơi vào vực thẳm vỡ nợ cấp quốc gia.