Chiều 31/3, tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các thành viên Chính phủ tham mưu nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến biến đổi khí hậu – giai đoạn 1”.
Dự án có tổng kinh phí thực hiện gần 10.000 tỷ đồng nên còn được gọi là dự án chống ngập 10.000 tỷ. Theo báo cáo của UBND TPHCM, dự án đã hoàn thành 96% khối lượng xây lắp và tạm ngưng thi công từ nhiều tháng qua do gặp nhiều vướng mắc về thủ tục tái cấp và gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan tham dự phiên họp ở đầu cầu TPHCM
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, vướng mắc chính của dự án này hiện nay là phương án thanh toán cho nhà đầu tư. Việc UBND TPHCM ký hợp đồng BT, trong đó quy định thanh toán cho nhà đầu tư 16% giá trị hợp đồng bằng quyền sử dụng đất là chưa hoàn toàn phù hợp quy định.
Cụ thể: Nghị định 15/CP của Chính phủ quy định phải báo cáo cơ quan có thẩm quyết để quyết định chủ trương sử dụng vốn Nhà nước. Tại thời điểm ký hợp đồng, UBND TPHCM có báo cáo và được HĐND TPHCM chấp thuận nhưng chưa được Thủ tướng đồng ý.
Để tháo gỡ vướng mắc cho dự án, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết để tiếp tục triển khai dự án.
“Việc dự án trên tiếp tục tạm ngưng ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội, môi trường và gây lãng phí nguồn lực. Từ các lý do trên, Văn phòng Chính phủ kiến nghị Chính phủ thống nhất với đề nghị của Bộ Kế hoạch Đầu tư. Các thành viên Chính phủ sẽ cho ý kiến trực tiếp để Thủ tướng ban hành Nghị quyết trong ngày 1/4" – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin.
Theo Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, một số cơ quan tại TPHCM chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện dự án chống ngập 10.000 tỷ.
“Chính phủ cần có một nghị quyết để tháo gỡ tình thế hiện tại. Nghị quyết cần có nội dung xem xét trách nhiệm những người có liên quan dự án từ khâu làm thủ tục, thông qua đến công đoạn thực hiện" - Bộ trưởng Tư pháp đề xuất.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Tư Pháp có văn bản tham mưu trước khi Chính phủ ban hành Nghị quyết nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án chống ngập 10.000 tỷ. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu xem xét xử lý trách nhiệm các cá nhân tổ chức liên quan dự án.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại phiên họp thường kỳ tháng 3 vào chiều 31/3
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu TPHCM quyết toán, kiểm toán đúng quy định, loại bỏ những bất hợp lý nhằm chống thất thoát.
“Đừng đổ công trình này không hiệu quả là do Chính phủ, kể cả Chính phủ khóa trước vì các đồng chí là người duyệt dự án này” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý lãnh đạo UBND TPHCM và khẳng định Chính phủ tháo gỡ nhưng TPHCM thanh quyết toán, kiểm toán phải đúng quy định pháp luật.
Thủ tướng nêu rõ: “Tinh thần lớn nhất của dự án này là chúng tôi yêu cầu các đồng chí làm đúng quy định pháp luật, chống thất thoát lãng phí, đặc biệt là phải phát huy hiệu quả công trình. Vì vậy, chủ đầu tư, đơn vi thi công, thiết kế giám sát theo chức danh nhiệm vụ quy định của pháp luật chịu trách nhiệm về hiệu quả và an toàn của dự án”.
Dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn 1” là dự án trọng điểm của thành phố, góp phần hoàn thành chương trình đột phá “Giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng”.
Dự án được triển khai với các mục tiêu ngăn triều cường và ứng phó tác động của biến đổi khí hậu cho khu vực có diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc bờ hữu sông Sài Gòn cùng trung tâm TP.HCM.
Dự án được khởi công từ giữa năm 2016, dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2018. Tuy nhiên, những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và nguồn vốn, khiến tiến độ hoàn thành dự án lùi lại nhiều lần.
Dự án kiểm soát triều đã hoàn thành 96% khối lượng xây lắp và 'đắp chiếu' từ nhiều tháng nay
Dự án chính thức ngừng thi công từ cuối năm 2020 do hết hạn thực hiện hợp đồng nhưng đại diện theo ủy quyền của UBND TPHCM (giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư) chưa ký Phụ lục hợp đồng BT gia hạn thời gian thực hiện để Ngân hàng Nhà nước gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn cho dự án.
Lý do không ký phụ lục hợp đồng sau đó đã được UBND TPHCM báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, tại thời điểm quyết định chủ trương đầu tư, dự án cần được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định chủ trương sử dụng vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án song đến nay Thủ tướng vẫn chưa chấp thuận theo kiến nghị của UBND TPHCM.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng chưa có ý kiến chấp thuận cơ chế thanh toán dự án BT (đối tác công tư) bằng tiền với tỷ lệ 84% giá trị quyết toán và thanh toán bằng quỹ đất với tỷ lệ 16% giá trị quyết toán như đang được thực hiện.
-
Góp ý giải pháp làm hồ điều tiết chống ngập ở TP.HCM
Chuyên gia cho rằng làm hồ điều tiết khó vì cần nguồn lực để giải tỏa mặt bằng, vị trí làm hồ, huy động vốn đầu tư, công tác vận hành…