“Trước đây chúng tôi có đề xuất 103 vị trí cần làm hồ điều tiết chống ngập nhưng chưa được duyệt. Nay TP mới phê duyệt Đề án chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM, trong đó có giải pháp về hồ điều tiết”. Ngày 3-2, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (ban quản lý dự án), cho biết như trên.
Ngập nước là nỗi lo của người dân TP.HCM mỗi khi có mưa lớn và triều cường. Ảnh: Thu Trinh
Loay hoay làm hồ điều tiết
Trong Đề án chống ngập và xử lý nước thải TP giai đoạn 2020-2025 và kế hoạch chống ngập, xử lý nước thải giai đoạn 2020-2030, UBND TP giao ban quản lý dự án đẩy nhanh xây dựng bảy hồ điều tiết.
Việc xây dựng bảy hồ điều tiết này dựa trên cơ sở nghiên cứu rà soát những khu vực trũng thấp có thể tận dụng để làm hồ điều tiết giảm ngập, tăng dung tích trữ nước, tạo cảnh quan đô thị.
Đồng thời, UBND TP cũng giao Sở Xây dựng tổ chức lực lượng chuyên ngành kiểm tra thường xuyên việc tuân thủ quy định pháp luật về xây dựng. Trong đó, chú trọng việc quy hoạch cao độ nền, giải pháp xây dựng hồ điều tiết thay thế diện tích mặt nước, trữ nước bị san lấp (nếu có) tại các dự án phát triển khu dân cư, đô thị mới.
Đây được xem là giải pháp “mạnh mẽ” của TP liên quan đến các hồ điều tiết chống ngập - một vấn đề mà từ 10 năm nay từng được bàn thảo nhiều lần.
Cụ thể, tháng 8-2018, ban quản lý dự án đã kiến nghị UBND TP chấp thuận xây bảy hồ điều tiết với tổng vốn đầu tư khoảng 475 tỉ đồng. Các hồ này sẽ giải quyết ngập cục bộ một số cụm đường cho năm quận nội thành gồm Tân Bình, Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Thạnh và quận 10.
Đến tháng 5-2019, ban quản lý dự án tiếp tục đề xuất hoàn thiện quy hoạch mạng lưới hồ điều tiết phân tán để giảm ngập úng tại TP và sơ bộ xác định 103 vị trí cần đầu tư xây dựng hồ điều tiết…
Bài toán làm hồ điều tiết không dễ giải
“Xây hồ điều tiết là giải pháp cần thiết nhưng không dễ làm vì nó liên quan nhiều yếu tố, phải thật sự nghiêm túc, quyết tâm làm…” - PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu, Viện Môi trường Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM), đánh giá.
Theo ông Quân, làm hồ điều tiết khó vì cần nguồn lực để giải tỏa mặt bằng, vị trí làm hồ, câu chuyện huy động vốn đầu tư, công tác vận hành, yếu tố môi trường...
Ông Quân cho rằng hồ điều tiết có nhiều quy mô khác nhau và trước mắt chúng ta nên tranh thủ triển khai ở những khu đô thị mới nhưng cần lưu ý môi trường, không thì các hồ này sẽ thành nơi chứa chất ô nhiễm, rác…
“Một số khu dân cư hiện cũng làm nhưng là hồ cảnh quan là chính và chưa phải hồ chống ngập, nên lồng ghép để khu vực đó còn có công viên, cây xanh… Đồng thời còn lưu ý cả việc kết nối đồng bộ hệ thống thoát nước với hồ điều tiết này” - ông Quân góp ý.
Đồng tình, KTS Ngô Viết Nam Sơn nêu quan điểm không phải nơi nào cũng cần hồ điều tiết mà các khu vực bê tông hóa nhiều, mật độ cao tầng cao, khu vực ít có không gian xanh hoặc nơi ít sông rạch thì cần hồ điều tiết hơn.
“Hồ điều tiết còn nằm trong câu chuyện đánh giá tác động môi trường, không phải muốn làm ở đâu cũng được. Nên có cách làm khoa học, dựa vào đánh giá tác động môi trường của dự án và khi người ta thấy hệ thống thoát nước không đủ phục vụ nhu cầu thì mới cần có hồ điều tiết” - ông Sơn nói.
Với TP.HCM, ông Sơn cho biết giải pháp làm hồ điều tiết chống ngập là cần thiết vì khi lượng mưa tới ngưỡng thì hồ sẽ là nơi chứa nước mưa và sau đó khi tạnh mưa, nước trong hồ từ từ thoát ra sông, kênh, rạch.
Năm 2017, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP (sau này là ban quản lý dự án) phối hợp cùng nhà tài trợ thực hiện thí điểm xây dựng hồ điều tiết bằng công nghệ Crosswave tại khu vực trước Nhà thiếu nhi quận Thủ Đức. Hồ điều tiết ngầm này có dung tích 109 m3, nằm sâu dưới lòng đường. |
KTS cũng cho rằng TP.HCM cần ưu tiên các hồ điều tiết nổi vì hồ điều tiết ngầm được xem là giải pháp chữa cháy, chỉ làm ở những nơi không còn diện tích làm hồ điều tiết tự nhiên. Còn khu đô thị mới thì cần làm hồ điều tiết nổi, vừa là hồ cảnh quan, vừa cải thiện khí hậu tốt hơn nhiều.
Kinh nghiệm các nướcSingapore xây nhiều hồ trữ nước để vừa có thể chống lụt, chống nước dâng, vừa có nguồn nước ngọt cho người dân. Công trình tiêu biểu là hồ chứa và đập Marina Barrage dài 350 m, chi phí 135 triệu USD. London (Vương quốc Anh) hút nước lụt qua hệ thống cổng và bể bền vững, họ xây dựng các bể chứa lớn dưới ngầm hoặc hồ chứa để hỗ trợ việc thu nước mưa rồi dần dần bơm ra sau trận lụt. Năm 1993, chính phủ Nhật cho xây kênh thoát nước ngầm khu vực đô thị (MAOUDC). Công trình này còn được gọi bằng cái tên “điện Pantheon dưới lòng đất”, gồm năm trụ chứa cao 75 m, rộng 32 m được nối với nhau bằng đường ống dài 6,3 km, đường kính 10 m và nằm sâu dưới mặt đất 50 m. Đường ống này sẽ dẫn tới một bể chứa nước khổng lồ cao 25 m, dài 177m, rộng 78 m. TP.HCM hiện có hai hồ điều tiết tự nhiên gồm: hồ điều tiết Thanh Đa có diện tích 3.000 m2, hồ Mễ Cốc 1 có diện tích 16.655 m2. |
-
TP HCM có kịch bản chống ngập mới
Nâng chất công tác quy hoạch, năng lực dự báo, bổ sung chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư... là những giải pháp mà TP HCM đẩy mạnh để chống ngập