Ảnh minh hoạ.
Theo đó, trong bối cảnh, Việt Nam đối mặt với không ít rủi ro, thách thức, Chính phủ dự kiến huy động vốn vay năm 2023 ở mức 644.515 tỷ đồng, bao gồm: vay bù đắp bội chi ngân sách Trung ương 430.500 tỷ đồng; vay để trả nợ gốc của ngân sách Trung ương 190.515 tỷ đồng; vay về cho vay lại 23.500 tỷ đồng.
Nguồn huy động kết hợp linh hoạt các công cụ như phát hành trái phiếu Chính phủ; vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài; và trong trường hợp cần thiết, vay từ các nguồn tài chính hợp pháp khác hoặc phát hành trái phiếu Chính phủ trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Với nguồn huy động như trên, dự kiến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 293.405 tỷ đồng, trong đó trả nợ gốc khoảng 190.515 tỷ đồng và trả nợ lãi khoảng 102.890 tỷ đồng. Nghĩa vụ trả nợ vay về cho vay lại khoảng 33.648 tỷ đồng (trả gốc khoảng 25.565 tỷ đồng, trả lãi khoảng 8.083 tỷ đồng).
Dự kiến đến cuối năm 2023, chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước đảm bảo trong mức trần 25% Quốc hội phê duyệt.
Chính phủ không bảo lãnh mới cho các chương trình, dự án để vay vốn trong nước, nước ngoài. Dự kiến dư nợ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay trong nước khoảng 10.073 tỷ đồng, bảo lãnh vay nước ngoài khoảng 116.564 tỷ đồng…
Về giải pháp tăng cường quản lý nợ công, Chính phủ nhấn mạnh sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về nợ công, ngân sách. Sử dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách, công cụ phù hợp, huy động thêm nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; sử dụng linh hoạt nguồn vốn huy động cho Chương trình và nguồn vốn huy động theo kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm, hằng năm.
Tháo gỡ vướng mắc nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, áp dụng chính sách tài khoá linh hoạt trong bối cảnh kinh tế còn nhiều yếu tố không chắc chắn.
Cạnh đó, nghiên cứu điều chỉnh cơ chế, chính sách để bố trí một phần tăng thu ngân sách để trả nợ gốc, qua đó giảm gánh nặng nợ, giảm áp lực trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong trung và dài hạn.