Nhân dân tệ phá giá làm tăng nhập siêu từ Trung Quốc
Ông Thành dự báo, đồng nhân dân tệ (CNY) có thể giảm giá xuống mức 7.350 CNY/USD vào cuối năm nay, so với hiện tại đang vào khoảng 7.156 CNY/USD.
“Thông thường, mỗi khi thị trường đánh cược đồng CNY mất giá, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) lại phải có động thái điều chỉnh giảm tỷ giá tham chiếu một chút giữa CNY/USD như một giải pháp làm dịu bớt sức nóng trên thị trường ngoại tệ”, ông Thành chia sẻ.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại, cảnh báo đồng CNY giảm giá làm hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn và Việt Nam sẽ trở thành thị trường nhập khẩu các mặt hàng và công nghệ không cao đang dư thừa ở Trung Quốc.
"Điều này sẽ gây khó khăn cho sản xuất trong nước, làm tăng nhập siêu từ Trung Quốc, gây sức ép lên tỷ giá tiền đồng và USD. Nếu Việt Nam xử lý không tốt sẽ làm lạm phát tăng, làm giảm giá trị đồng nội tệ, đe dọa ổn định nền kinh tế", ông Tuyển nhận định.
Ông Tuyển khuyến cáo, Việt Nam nên giảm nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc, nhất là các sản phẩm công nghệ cao để tăng nhập khẩu các sản phẩm này từ Mỹ.
“Khi EU - FTA có hiệu lực, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU thay vì chỉ tập trung vào thị trường Mỹ”, ông Tuyển phát biểu.
Ngoài ra, doanh nghiệp Trung Quốc có thể thông đồng với một số doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam rồi tìm cách xuất khẩu sang Mỹ. “Đây là điều rất nguy hiểm, mà các doanh nghiệp cần thận trọng để tránh tạo cơ cho Mỹ đánh thuế bổ sung đổi với hàng hóa của Việt Nam”, ông Tuyển bày tỏ lo ngại.
Hiện nay, Việt Nam chưa phải là đối tượng mà Mỹ hướng đến nhưng Mỹ đã cảnh báo: Việt Nam đang là nước xuất siêu lớn sang Mỹ, từ vị trí thứ sáu đầu năm 2018 nay đã lên vị trí thứ tư. Ngoài ra, Mỹ cho rằng, Việt Nam cũng đang tác động đến thị trường ngoại tệ theo cách phi thị trường, đã mua vào lượng ngoại tệ lớn (hơn 2% GDP)…
Doanh nghiệp FDI hưởng lợi
Ông Thành cho rằng, việc Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc sẽ là cơ hội lớn với các nước thứ ba để tăng thị phần xuất khẩu sang Mỹ thay thế cho hàng Trung Quốc. Đặc biệt, với quần áo và giày dép thì 84% sản phẩm quần áo sẽ chịu thuế ngay từ ngày 1-9 trong khi 50% giày dép chịu điều tương tự.
“Đây vừa là cơ hội đối với các nước xuất khẩu thứ ba, vừa là rủi ro khi hàng Trung Quốc sẽ tìm cách “đội lốt” bằng cả con đường hợp pháp và bất hợp pháp”, ông Thành nói.
Tuy nhiên, có một thực tế là xuất nhập khẩu Việt Nam sáu tháng đầu năm 2019, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là nhóm hưởng lợi lớn nhất từ thương chiến Mỹ - Trung. Trong nhiều nhóm hàng mà hàng Việt Nam có ưu thế (như quần áo, đồ gỗ), doanh nghiệp FDI đang lấn sân và giành nhiều đơn hàng xuất khẩu trong vòng một năm qua.
Theo ông Thành, các doanh nghiệp trong nước hiện nay bị hạn chế bởi thị phần quá nhỏ và không có thế mạnh ở các sản phẩm mà Trung Quốc bị áp thuế. “Vì thế, doanh nghiệp trong nước hầu như chỉ tận dụng lợi thế rất hạn chế của các mức thuế quan áp bổ sung lên hàng xuất khẩu từ Trung Quốc”.
Vì vậy, theo ông Thành, cái được của Việt Nam từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là cơ hội để hoàn thiện thể chế và lấp các khoảng trống về mặt pháp lý. Điều này trước hết có lợi thế để Việt Nam tranh thủ nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA cho doanh nghiệp bản địa. Cùng với đó là nâng cao việc theo dõi và quản lý các dự án có vốn đầu tư nước ngoài.
-
Chống rửa tiền qua kênh bất động sản: Cần nhưng khó!
CafeLand - Yêu cầu phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản sẽ được các địa phương mạnh tay thực hiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia tài chính, đây là việc cần phải làm nhưng sẽ rất khó.