Hiện tại, khó khăn mà các doanh nghiệp sản xuất thép gặp phải chi phí đầu vào tăng cao. Ảnh: Nguồn internet
Giá tăng do đầu vào
Hiện tại, khó khăn mà các doanh nghiệp sản xuất thép gặp phải là sự chênh lệch tỷ giá ngoại tệ, các nguyên liệu cơ bản cấu thành sản phẩm như: Quặng sắt, than, dầu, phôi thép, thép phế, điện năng và một số loại nguyên liệu khác đều sẽ tăng giá. Trong khi đó, năm 2011, cả nước sẽ có thêm một số dự án nhà máy thép mới làm cho sự mất cân đối giữa cung và cầu càng cách xa thêm, dẫn đến cạnh tranh quyết liệt ở thị trường trong nước.
Nhìn lại ngành thép vào thời điểm quý III/2010, tình hình tiêu thụ thép của quý tăng lên 40% so với quý 2/2010, giá thép cũng bắt đầu tăng trở lại. Tuy nhiên, lợi nhuận của doanh nghiệp trong thời gian này cũng không tăng đột biến. Nguyên nhân giá thép tăng chủ yếu xuất phát từ việc điều chỉnh tỷ giá, hơn là nhu cầu thực sự. Chính yếu tố đầu vào đã gây áp lực làm đẩy giá bán trên thị trường tăng cao.
Trong những tháng cuối năm, mặt hàng thép xây dựng đã có tới 5 lần điều chỉnh giá bán. Vào khoảng tháng 7/2010, giá thép trên thị trường là 1,3 triệu đồng/tấn thì sau hơn 1 tháng giá bán được điều chỉnh tăng thêm từ 700.000 - 1 triệu đồng/tấn.
Đến thời điểm cuối tháng 10, các doanh nghiệp sản xuất thép đã đồng loạt áp dụng giá bán mới với mức tăng trung bình 200.000 đồng/tấn. Theo đó thì giá thép xây dựng đang bán ra hiện phổ biến từ 13,3-14,15 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm VAT).
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, chính việc điều chỉnh tăng tỷ giá cộng với mức lãi suất cho vay từ 19 – 20%/năm khiến doanh nghiệp “buộc lòng” tăng giá bán.
Trước yếu tố đầu vào tăng cao, doanh nghiệp sản xuất thép tiếp tục “đứng ngồi không yên” khi tình trạng thép ngoại tràn vào Việt Nam. Trong năm 2010, lượng thép từ các nước ASEAN, Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng nhiều do được giảm thuế. Giá bán của thép ngoại thường rẻ hơn thép nội từ 500 - 700 nghìn đồng/tấn, thậm chí có thời điểm gần 1 triệu đồng/tấn.
Mặt khác, do khủng hoảng nợ của một số nước châu Âu và nguy cơ lạm phát do hiệu ứng của các gói kích cầu của Chính phủ các nước dẫn đến một loạt chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn thay đổi. Điều này tác động đến nhu cầu và giá nguyên liệu thép. Giá phôi thép giảm mạnh xuống đến 540 USD/tấn (CFR tại Philippin), rồi tăng dần đến cuối năm 2010 và đầu năm 2011 đứng ở mức 600 – 620 USD/T CFR.
Do mặt bằng giá nguyên liệu ngành thép biến động khó lường nên sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép gặp khá nhiều khó khăn. Đặc biệt, những doanh nghiệp nhập khẩu phôi thép để sản xuất có thể thua lỗ lớn do khi ký hợp đồng nhập khẩu giá cao, sau 1 - 2 tháng, hàng về đến Việt Nam, giá phôi hạ tới gần 100 USD/tấn, không sản xuất đã lỗ, sản xuất càng lỗ hơn.
Trong khi đó, nhu cầu thép trên thị trường trong nước cũng không tuân theo quy luật như mọi năm do ảnh hưởng các chính sách thay đổi tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, biện pháp bình ổn giá của Chính phủ. Trong những tháng cuối năm 2010, chi phí lãi vay ngân hàng bằng VNĐ tăng cao lại thêm một khó khăn mới đối với doanh nghiệp.
Chi phí nhiên liệu và năng lượng chiếm tỷ trọng không cao trong cơ cấu chi phí sản xuất thép nhưng đang là vấn đề khó khăn của ngành. Việc thiếu điện không chỉ khiến chi phí tăng cao mà còn gây khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, nhất là những tháng cao điểm của ngành thép thường rơi vào mùa khô. Nhiều dự báo cho rằng tình hình cung cấp điện sẽ tiếp tục căng thẳng trong năm 2011. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất thép.
Hiện tại, trước áp lực biến động tỷ giá doanh nghiệp sản xuất thép đã điều chỉnh tăng giá bán thêm 300 - 800đồng/kg. Trên thị trường, giá bán thép hiện ở mức 16-16,5 triệu đồng/tấn tại các tỉnh miền Bắc và 15,8-16,2 triệu đồng/tấn tại các tỉnh miền Trung và miền Nam, tăng khoảng 500.000 đồng/tấn so với cùng kỳ tháng 12-2010. Giá thép cuộn giao tại nhà máy của VNSteel ở mức 16,467 triệu đồng/tấn, thép cây 16,797 triệu đồng/tấn.
Các doanh nghiệp sản xuất thép cần chuyển hướng nhập khẩu phôi thép sang mua phôi của các doanh nghiệp trong nước sản xuất nhằm cắt giảm chi phí. Ảnh: Nguồn internet
Chiến lược mới
Theo nhiều chuyên gia dự báo, năm 2011, tình hình tiêu thụ thép có thể phục hồi và ổn định. Bởi kinh tế trong nước sẽ phục hồi sau khủng hoảng, các công trình trong điểm cơ sở hạ tầng sẽ được đẩy mạnh tiến độ trở lại nhằm đón đầu nguồn vốn đầu tư mới. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ngành thép đặt mục tiêu đạt tổng sản lượng tiêu thụ khoảng 11.7 triệu tấn trong năm 2011, tăng 8% so với năm 2010.
Đồng thời vụ việc vào tháng 9/2010, Trung Quốc bắt đầu chấn chỉnh ngành thép đã tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong nước, khi lượng thép xuất khẩu từ Trung Quốc có thể sẽ hạn chế. Tuy nhiên, xét về góc độ chủ quan không loại trừ tình trạng giá thép biến động bất thường do hoạt động đầu cơ của các nhà phân phối.
Trong khi các doanh nghiệp thép trong nước chỉ mới tự sản xuất được 60% nhu cầu phôi thép và khoảng 25% lượng thép phế cho sản xuất, phần còn lại hoàn toàn phải nhập khẩu. Hiện tại, nền kinh tế thế giới bao gồm: Mỹ, Nhật, Châu Âu và Trung Quốc vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn. Do đó, giá phôi thép thế giới có thể chưa thể phục hồi vững chắc, ít nhất trong nửa đầu năm 2011. Vì vậy, áp lực chi phí đầu vào lên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép là rất cao.
Mặt khác, giá quặng thô và nguồn nguyên vật liệu đầu vào dự báo có xu hướng tăng trong thời gian tới, khi hầu hết các hãng khai thác quặng lớn trên thế giới đang cắt giảm sản lượng.
Trong thời gian tới giá thép sẽ có những đợt sóng ngắn theo chu kỳ của ngành và những yếu tố đột biến của cung - cầu. Hiện tại, ngành thép đang trong giai đoạn cung vượt xa cầu nên nhiều doanh nghiệp đang tập trung đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước lân cận như Campuchia và Lào.
Trước những khó khăn, thách thức của năm 2011 và để đón đầu cơ hội tăng trưởng của ngành thép sau khủng hoảng kinh tế thế giới, các doanh nghiệp thép đang tìm cho mình những bước đi năng động hơn, tăng cường các giải pháp quản lý tài chính chặt chẽ để đạt được hiệu quả cao hơn. Nhiều công ty tăng đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh.
Theo CafeLand, các doanh nghiệp sản xuất thép nên điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp để tìm cơ hội phát triển. Thay vào đó là việc chuyển hướng nhập khẩu phôi thép là chủ yếu sang mua phôi của các doanh nghiệp trong nước sản xuất, tránh áp lực tỷ giá lên cao và khó mua ngoại tệ.
Để cạnh tranh với thép giá rẻ vẫn còn nhập ồ ạt vào Việt Nam, doanh nghiệp thép trong nước cần ưu tiên đầu tư, cải tiến dây chuyền sản xuất để nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, đồng thời tích cực triển khai dự án nhà máy sản xuất phôi thép. Tìm ra các giải pháp chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất, tăng cường tìm kiếm, huy động nguồn cung cấp tín dụng đa dạng để giảm chi phí vay vốn đến mức thấp nhất, theo dõi sát diễn biến thị trường thép thế giới và trong nước, đánh giá, phân tích dự báo thị trường làm cơ sở cho công tác chỉ đạo, điều hành kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Song, trước tình trạng chênh lệch cung cầu ngày càng xa, các nhà hoạch định chính sách và chính các doanh nghiệp cần chú trọng tới cân đối cung cầu của ngành thép để có định hướng phát triển bền vững, tránh lãng phí.
tag: Tỷ giá và thép, Sắt thép