Thương hiệu Địa ốc Đất Lành gắn liền với căn hộ Thái An có diện tích từ 45m2
Tuy nhiên, vấn đề “nên hay không chia nhỏ căn hộ?” quả là vấn đề nan giải khi đứng trên quan điểm quản lý của nhà nước và nhu cầu thực của người dân cũng như quan điểm của doanh nghiệp tham gia vào loại hình này. Và để có thông tin khách quan, nhiều chiều đến bạn đọc, Tạp chí CafeLand đã liên hệ với một người rất tâm huyết với việc chia nhỏ căn hộ - ông Nguyễn Văn Đực – Phó giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành để đưa góc nhìn của doanh nghiệp về vấn đề này đến bạn đọc.
CafeLand xin được trích đăng toàn văn phản hồi của ông Đực khi được hỏi “Vì sao doanh nghiệp lại chẻ nhỏ căn hộ?”
“Căn hộ nhỏ là một nhu cầu có thật và rất lớn, vừa với khả năng mua của người dân. Rất tiếc mặc dù Bộ xây dựng ủng hộ nhưng vẫn chưa ban hành tiêu chuẩn cho loại căn hộ này, đặc biệt Tp.HCM thì phản đối việc tồn tại căn hộ nhỏ, Hà Nội không ý kiến. Phần đông người dân và truyền thông đều ủng hộ.
Trước đây doanh nghiệp được phép xây dựng căn hộ 100m2 dành cho 4 người, khi muốn xây dựng 2 căn hộ 50m2 dành cho 2 người thì không được chấp thuận. Điều này đã đưa đẩy các doanh nghiệp đều xây dựng căn hộ trên dưới 100m2, vượt xa nhu cầu và khả năng của người dân, những căn hộ hàng trăm m2 hiện nay là núi hàng tồn kho mà chúng ta chưa có cách gì giải quyết. Có thể nói, việc không cho phép làm căn hộ nhỏ quyết định hơn 50% tình trạng đóng băng và phá sản của các doanh nghiệp tại Tp.HCM. Nhận thấy điều này, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02 nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, cho phép doanh nghiệp được cơ cấu lại diện tích căn hộ phù hợp với nhu cầu thị trường. Đến nay vẫn chưa có chuyển biến tích cực, và cũng chưa có phương án nào tốt hơn việc chia nhỏ căn hộ và giảm giá bán để giải toả hàng tồn kho. Thông tư 02 của Bộ Xây dựng hướng dẫn cơ cấu diện tích căn hộ, “Trường hợp dự án chỉ điều chỉnh cơ cẩu căn hộ mà không thay đổi tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì không phải xem xét, phê duyệt lại chỉ tiêu về dân sổ và quy hoạch chi tiết”. Đáng lý ra doanh nghiệp phải được chủ động trong việc chuyển đổi, không cần phải xin phép, chỉ cần thông báo cho Sở Xây dựng để kiểm tra khi chuyển đổi có đảm bảo đúng các nguyên tắc theo quy định hay không. Nhiều doanh nghiệp đã xin phép chuyển đổi cơ cấu căn hộ nhưng cách giải quyết của Sở Xây dựng và UBND Tp.HCM là quá chậm, kéo dài thời gian trong khi cần cấp cứu cho các doanh nghiệp đang “hấp hối”.
Như vậy buộc doanh nghiệp phải “đi tắt đón đầu”, thi công trước khi có sự cho phép của chính quyền, doanh nghiệp “đi tắt đón đầu” để chờ sự hợp thức hoá bằng Quy chuẩn về nhà ở sắp được ban hành, bằng các Nghị định về phát triển Nhà ở xã hội với tiêu chuẩn mới là 25m2 dành cho 1 người. Như vậy cho phép doanh nghiệp thay vì xây dựng 1 căn hộ 100n2 dành cho 4 người thì có thể xây dựng 2 căn 50m2 dành cho 2 người và 4 căn 25m2 dành cho 1 người.
Ngoài ra việc chẻ nhỏ căn hộ chỉ tăng tĩnh tải tường xây không đáng kể đến kết cấu và chất lượng toà nhà, không ảnh hưởng đến dân số (nếu bảo đảm 25m2/người), tiện ích cũng như chất lượng sống của cư dân."