Ảnh minh họa
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa có văn bản chỉ đạo liên quan đến đề nghị của Bộ GTVT về chủ trương đầu tư xây dựng dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú (giai đoạn 1) theo hình thức đối tác công tư.
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Hội đồng thẩm định liên ngành xem xét Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án được Bộ Giao thông vận tải trình, có báo cáo Thủ tướng Chính phủ khẳng định các nội dung dự án về phù hợp với quy định của pháp luật và đủ điều kiện để quyết định chủ trương đầu tư.
Báo cáo kiến nghị rõ phê duyệt hay không phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Được biết, Dầu Giây – Tân Phú là dự án thành phần của tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương có chiều dài hơn 200km được chia làm 3 đoạn gồm: Dầu Giây – Tân Phú, Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương.
Trong đó, đoạn Dầu Giây – Tân Phú có tổng chiều dài 60,1 km đi qua địa bàn các huyện Thống Nhất, Định Quán, Xuân Lộc và Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
Theo kiến nghị của Bộ GTVT, giai đoạn 1 của dự án sẽ có quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng đường 17m, có giải phân cách giữa.
Tổng vốn đầu tư sơ bộ của dự án Dầu Giây – Tân Phú khoảng hơn 8.365 tỉ đồng. Trong đó, nhà nước sẽ hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng 1.300 tỉ đồng, hơn 7.065 tỉ đồng còn lại là nguồn vốn nhà đầu tư huy động.
Theo Bộ GTVT, dự án được đầu tư xây dựng sẽ đóng vai trò quan trọng, giúp giảm tải cho tuyến quốc lộ 20 đang trong tình trạng quá tải.
Khi hoàn thành, dự án cao tốc này sẽ giúp tăng khả năng kết nối, rút ngắn thời gian vận chuyển giữa Đồng Nai và mạng lưới giao thông khu vực. Qua đó, thúc đẩy kinh tế - xã hội, phát triển du lịch của tỉnh Đồng Nai và cả khu vực Đông Nam Bộ.
Bất động sản vừa mừng vừa lo
Với thị trường bất động sản, đoạn cao tốc Dầu Giây – Tân Phú nói riêng hay tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương nói chung là đòn bẩy quan trọng giúp thu hút đầu tư ở nhiều khu vực của Lâm Đồng và Đồng Nai.
Đặc biệt ở Lâm Đồng, những khu vực có dự án cao tốc đi qua như TP. Bảo Lộc đã và đang xuất hiện làn sóng đổ về đầu tư đón đầu hạ tầng.
Trong đó, có nhiều dự án quy mô lớn của những doanh nghiệp bất động sản hàng đầu đang được đề xuất đầu tư ở đây.
Tuy nhiên, trong khi các dự án trên phần lớn vẫn đang ở dạng đề xuất thì thực tế trên thị trường đã có hàng loạt cá nhân, tổ chức ăn theo những thông tin này để trục lợi cá nhân.
Trong đó, tình trạng phân lô bán nền trái phép trên đất nông nghiệp ở TP. Bảo Lộc đang gây ra nhiều hệ luỵ khôn lường.
Thanh tra tỉnh Lâm Đồng từng chỉ rõ, nhiều doanh nghiệp bất động sản dùng thủ thuật mang danh nghĩa cá nhân xin hiến đất làm đườn để rồi phân lô, tách thửa trái phép. Dù không được chính quyền phê duyệt nhưng các doanh nghiệp này đã “hô biến” thành các dự án và cho chào bán rầm rộ.
Theo nhiều chuyên gia bất động sản, những dự án cơ sở hạ tầng lớn như cao tốc được đầu tư sẽ giúp thị trường bất động sản tăng giá trị.
Tuy nhiên, đây là bài toán dành cho những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn và nguồn tài chính đảm bảo. Khi đầu tư ở những khu vực này cần tỉnh táo để tránh “mắc bẫy” của các đội nhóm ăn theo hạ tầng thổi giá đất, bán đất khi pháp lý còn nhiều rủi ro.
-
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có chỉ đạo quan trọng về nguồn vật liệu thi công cho các dự án trên địa bàn
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra từ khâu xây dựng mỏ, phương án khai thác; khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng....
-
Novaland nói không liên quan sai phạm tại dự án Bộ Công an vừa có kết luận điều tra
Novaland cho hay ngay từ khi cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ các sai phạm của ông Nguyễn Cao Trí, doanh nghiệp đã tích cực hợp tác và cung cấp các tài liệu liên quan đến giao dịch dự án tại Lâm Đồng....
-
Sáp nhập nhiều đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 1245/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2023 – 2025. Theo đó, kể từ ngày 1/12/2024, tỉnh Lâm Đồng có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 08 ...