24/02/2021 7:30 PM
Những trường hợp được ghi nợ tiền sử dụng đất trước ngày 01-3-2016 cần nhanh chóng thực hiện nghĩa vụ tài chính trước ngày 01-3-2021 để tránh bị thiệt hại.

Nghị định 79/2019 được ban hành ngày 26-10-2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 45/2014 quy định về thu tiền sử dụng đất.

Theo đó, một nội dung rất đáng chú ý là việc thực hiện nộp tiền sử dụng đất đối với các đối tượng là hộ gia đình, cá nhân đã được ghi nợ tiền sử dụng đất trên Giấy chứng nhận mà đến trước ngày Nghị định 79 có hiệu lực vẫn chưa thanh toán hết.

Trong đó chia ra hai nhóm đối tượng, mỗi nhóm có một cách áp dụng nộp tiền sử dụng đất riêng. Nhóm thứ nhất là các trường hợp được ghi nợ trước ngày 01-3-2016 và nhóm thứ hai là các trường hợp được ghi nợ sau ngày 01-3-2016.

Cụ thể, Điều 2 Nghị định 79 quy định hộ gia đình, cá nhân đã được ghi nợ tiền sử dụng đất trước ngày 01-3-2016 thì tiếp tục thanh toán tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận (hoặc theo số tiền ghi trên Giấy chứng nhận đã được xác định theo đúng quy định của pháp luật đến hết ngày 28-02-2021.

Kể từ ngày 01-3-2021 trở về sau, các hộ gia đình, cá nhân này sẽ phải thanh toán số tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ. Nghĩa là, số tiền phải nộp lúc này có thể sẽ tăng lên khá nhiều so với trước đó.

Đối với hộ gia đình, cá nhân đã được ghi nợ tiền sử dụng đất từ ngày 01-3- 2016 đến trước ngày Nghị định 79 có hiệu lực thì tiếp tục thanh toán tiền sử dụng đất còn nợ theo số tiền ghi trên Giấy chứng nhận theo quy định tại Nghị định 45 trong thời hạn năm năm kể từ ngày ghi nợ tiền sử dụng đất.

Nếu quá thời hạn năm năm, hộ gia đình, cá nhân phải thanh toán số tiền còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ.

Như vậy, chỉ còn bốn ngày nữa là đến thời điểm quan trọng để các trường hợp còn nợ tiền sử dụng đất (ghi nợ trước ngày 01-3-2016) thanh toán dứt điểm số tiền nợ chưa trả để tránh bị thiệt hại bởi sau ngày 28-2 khung giá đất áp dụng sẽ hoàn toàn khác.

Vì vậy, người dân thuộc diện trên cần nhanh chóng đến các cơ quan thuế tại địa phương để thực hiện nghĩa vụ tài chính của mình. Nếu để quá kỳ hạn này thì từ ngày 01-3-2021, số tiền sử dụng đất còn nợ sẽ không được tính theo chính sách và giá đất tại thời điểm người dân được cấp Giấy chứng nhận nữa mà tính theo bảng giá tại thời điểm trả nợ.

Có thể làm một so sánh nhỏ để thấy được sự khác biệt của bảng giá đất qua các thời điểm tại một số địa phương.

Ví dụ tại tỉnh Bình Dương, bảng giá đất mới áp dụng từ ngày 01-01-2020 so với giai đoạn trước đó (2015-2019) mức giá đất tăng trung bình 10%.

Trong đó thị xã Thuận An và Dĩ An tăng bình quân 5-30%; thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên, huyện Bàu Bàng và huyện Bắc Tân Uyên tăng bình quân 5-20%; huyện Phú Giáo và Dầu Tiếng tăng bình quân 10%. Tương tự tại Hà Nội bảng giá đất mới áp dụng tại các quận từ năm 2020 tăng trung bình 15%...

Bảng giá đất của từng địa phương là cơ sở để áp dụng tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận đất ở, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân trong hạn mức; tính thuế sử dụng đất, tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai …

P. Dung (PLO)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.