Bản tin thời sự 19 giờ ngày 13.12 của đài Truyền hình Việt Nam dẫn số liệu của tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết: tỷ lệ công trình xây dựng đúng thời hạn ở Việt Nam chỉ chưa tới 1%, hơn 99% còn lại đều chậm tiến độ. Trao đổi nhanh với báo chí tại hội thảo Thời gian thực hiện dự án đầu tư xây dựng ở Việt Nam, chủ tịch tổng hội Xây dựng Việt Nam, ông Trần Ngọc Hùng chủ động “đính chính”:

Chỉ 1% công trình xây dựng đúng tiến độ!99% chậm tiến độ thì tôi không dám chắc nhưng tôi có thể nói rất chuẩn thế này: hầu hết các dự án thời gian đầu tư đều kéo dài và chậm tiến độ. Thông thường, người ta nói chậm tiến độ là chỉ tính từ lúc khởi công dự án đến lúc hoàn thành thôi, còn quan điểm của chúng tôi, phải tính từ lúc chuẩn bị đầu tư và kết thúc khi đã đưa vào sử dụng dự án.


Con số này là thống kê của tổng hội hay do đơn vị nào thực hiện?


Đây là kết quả chúng tôi nhận thấy qua các đợt đi giám sát cùng các uỷ ban của Quốc hội và cũng theo báo cáo của các bộ ngành như xây dựng, giao thông vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn, các thành phố lớn và các tập đoàn, tổng công ty.


Những nguyên nhân chính của tình trạng này là gì, thưa ông?


Trong báo cáo của tổng hội và tham luận của của các bộ, của ba địa phương là Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, cũng như báo của các tập đoàn, tổng công ty thì đi vào ba giai đoạn:


Giai đoạn chuẩn bị đầu tư: có nguyên nhân thủ tục hành chính còn rất chậm do các quy định chồng chéo. Nhiều công trình mất ba đến bốn năm chuẩn bị đầu tư mới xong; công tác thẩm định và thoả thuận quy hoạch kéo dài vì chúng ta chưa có quy hoạch chi tiết nên phải tiến hành thoả thuận địa điểm, quy mô.


Giai đoạn hai là thực hiện đầu tư giải phóng mặt bằng dự án nào cũng chậm, như dự án đường vành đai 1 của Hà Nội mất hơn mười năm rồi do cơ chế đền bù tái định cư chưa hợp lý, rồi việc đấu thầu và thực hiện thi công, nhất là đấu thầu công trình vốn nhà nước rất chậm, thiên về giá rẻ, dẫn đến nhà thầu không đủ năng lực.


Đặc biệt, hầu hết các công trình chậm đều do thiếu vốn. Vấn đề này Quốc hội nói nhiều rồi: vốn rải mành mành, không tập trung, đáng lẽ tập trung hai năm thì làm xong nhưng vốn lại chia trong ba năm.


Giai đoạn thứ ba là khi đưa vào sử dụng: hiện tượng không đồng bộ, không đưa vào sử dụng đúng thời hạn, nhất là công trình vốn nhà nước còn khá phổ biến: khu công nghiệp, khu đô thị làm xong thiếu đấu nối hạ tầng, nhà máy điện làm xong thiếu đường dẫn điện… hậu quả rõ ràng là dự án chậm đi vào sử dụng, hoặc sử dụng không hết công suất.


Vậy bài học lớn nhất rút ra ở đây là gì?


Yếu tố quan trọng cần rút ra và kiến nghị Chính phủ là toàn bộ công trình đều phải xuất phát từ quy hoạch: quy hoạch kinh tế xã hội đi trước một bước, quy hoạch vùng, quy hoạch chi tiết làm cơ sở cho thực hiện dự án. Trung Quốc họ làm hạ tầng trước, đường trước rồi đấu thầu các dự án, từ đó thì đền bù, thoả thuận rất nhanh.


Chúng tôi đang kiến nghị tới đây Nhà nước không giao doanh nghiệp làm (giải phóng mặt bằng) mà Nhà nước giải phóng mặt bằng sạch, làm hạ tầng và đấu thầu các mảnh đất đã có hạ tầng và giá trị chênh lệch địa tô, đó là Nhà nước hưởng chứ không để các nhà đầu tư hưởng như hiện nay.


Chúng ta hay đổ cho cơ chế, vốn, mặt bằng… song trên thực tế, nhiều công trình chậm do năng lực nhà thầu, thi công kém nhưng không thấy ai bị phạt?


Số lượng nhà thầu bị phạt do chậm tiến độ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Gần đây chỉ có một số chủ đầu tư ở Đà Nẵng, TP.HCM xử phạt nhà thầu chậm tiến độ bằng hình thức chấm dứt hợp đồng, phạt tiền.


Nhiều câu hỏi đã đặt ra là tại sao các chế tài trong hợp đồng kinh tế khi chậm tiến độ không được xử lý nghiêm, đặc biệt là dự án vốn nhà nước. Phải chăng chủ đầu tư là “chủ hờ” nên không “của đau con xót”? Phải chăng có nể nang vì cùng một cơ quan quản lý nhà nước? Thậm chí vì lý do tế nhị, nhận hoa hồng, phết phẩy? Điều đó còn do thanh tra, kiểm toán chưa tốt, không phát hiện, thậm chí bỏ qua việc kiểm tra các chế tài cùng đổ lỗi cho “khách quan”.


Cũng phải nói thêm, đối với chủ đầu tư dự án vốn nhà nước thì thanh toán chậm trễ cho nhà thầu là hiện tượng phổ biến, nhưng hầu như không nhà thầu nào nhận được lãi trả chậm của chủ đầu tư và chưa thấy chủ đầu tư nào bị phạt do điều hành dự án kéo dài chậm tiến độ.

Theo Chí Hiếu (SGTT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.