Thị trường BĐS trầm lắng kéo dài không chỉ khiến doanh nghiệp lao đao, mà còn đẩy các sàn giao dịch BĐS đứng trước nguy cơ đóng cửa hàng loạt.

Mỗi tháng chỉ 2 giao dịch thành công


Theo ông Trần Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, thời gian qua các giao dịch BĐS trên địa bàn TP, kể cả thông qua hệ thống sàn giao dịch BĐS (bán nhà ở của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS) và giao dịch không thông qua sàn giao dịch BĐS (mua, bán nhà ở của người dân) đều chững lại hoặc giảm sút nghiêm trọng.


Đặc biệt, trong quý III-2011 lượng giao dịch rất thấp. Theo báo cáo của các sàn giao dịch trên địa bàn Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2011 chỉ có khoảng 2.700 giao dịch thành công, trong quý III còn thấp hơn với khoảng 900 giao dịch thành công, dự kiến quý IV này tình hình giao dịch qua sàn không sáng sủa hơn.


Nếu tính riêng gần 150 sàn giao dịch đăng ký hoạt động chính thức trên địa bàn TP, trong quý III bình quân mỗi sàn chỉ có đúng… 2 giao dịch thành công/tháng - một con số rất đáng để các cơ quan quản lý lưu tâm.


Tuy chưa có thống kê cụ thể số lượng sàn giao dịch BĐS tại Hà Nội phải đóng cửa, nhưng dạo quanh thị trường không khó để thấy số lượng trung tâm giao dịch BĐS đã thưa vắng rất nhiều. Những khu vực từng là địa điểm “vàng” để đặt sàn giao dịch như các đường Lê Văn Lương (nối dài), Lê Trọng Tấn, Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông), khu vực Vân Canh, Văn Khê…, các sàn còn lại hiện chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.


Theo các chuyên gia BĐS, một sàn giao dịch trung bình phải mất ít nhất 300 triệu đồng/tháng để trang trải chi phí mặt bằng, lương nhân viên cùng các chi phí khác. Với chi phí cao như thế, mỗi sàn giao dịch cần có ít nhất khoảng 20 giao dịch căn hộ thành công trong một tháng.


Nếu tính với số lượng giao dịch thành công chỉ khoảng 2 căn hộ/tháng thì việc hàng loạt sàn giao dịch đóng cửa không có gì khó hiểu. Đã có hàng trăm trung tâm giao dịch BĐS phải đóng cửa hoặc rút lui “không kèn không trống”.


Đông về lượng, kém về chất


Nhiều chuyên gia BĐS lý giải sự tuột dốc của các sàn giao dịch BĐS có nguyên nhân từ thực tế tại thời điểm thị trường giao dịch BĐS sôi động, hiệu suất giao dịch qua sàn vẫn không cao. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, ngay cả giai đoạn thị trường sôi động, lượng giao dịch BĐS qua sàn cả nước chỉ chiếm khoảng 40%, riêng tại Hà Nội chưa đạt tới 30%.


Chưa kể một số lượng không nhỏ sàn được lập ra nhằm đối phó với cơ quan chức năng, không có kế hoạch lâu dài, sức cạnh tranh yếu.


Chết dần sàn giao dịch
Sàn giao dịch BĐS khu vực Văn Khê - Hà Đông, một thời nhộn nhịp nay vắng vẻ. Ảnh: LÃ ANH

“Thực tế cho thấy, trong thời điểm thị trường BĐS ảm đạm, giao dịch mua - bán giảm, giá BĐS đi xuống…, nhiều doanh nghiệp vẫn tiến hành lập sàn giao dịch BĐS. Lý do nhiều nhà đầu tư dự án đưa ra là muốn thành lập sàn riêng hoặc “thân cận” với mình nhằm đối phó với cơ quan chức năng.


Khi đó pháp luật được thực thi nhưng lại theo đúng ý của chủ đầu tư dự án. Chính sự đối phó này đã khiến nhiều sàn chết yểu” - GS. Đặng Hùng Võ cho biết.


Có cùng quan điểm này, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, các sàn giao dịch BĐS tuy phát triển mạnh về số lượng nhưng chất lượng dịch vụ còn thấp, đội ngũ các nhà môi giới, tư vấn, định giá BĐS còn thiếu chuyên nghiệp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến vai trò của sàn càng trở nên mờ nhạt trong năm qua.


Các chuyên gia BĐS dự báo thị trường BĐS năm 2012 sẽ khó khăn hơn 2011. Điều này sẽ trở thành một thách thức không nhỏ cho giám đốc các sàn giao dịch BĐS trong việc duy trì hoạt động, chờ ngày thị trường khởi sắc hơn.


Theo ông Phạm Thanh Hưng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn BĐS Thế kỷ, thị trường quá trầm lắng đã khiến các sàn giao dịch lâm vào tình cảnh hoạt động cầm chừng.


Trong đó, các sàn do chủ đầu tư lập có thể “dễ thở” hơn do được san sẻ chi phí hoạt động, nhưng với các sàn hoạt động độc lập, việc xoay xở đủ chi phí để duy trì hoạt động là thách thức không nhỏ.


Để có thể hoạt động tốt trong thời gian tới, các sàn cần sàng lọc những dự án tốt, phù hợp với nhu cầu thị trường, giá thành hợp lý để giới thiệu với khách hàng. Đồng thời cần thay đổi cung cách bán hàng, thay vì dàn trải, rải rác, cần tập trung vào một mục tiêu chính.

Theo Hoài Trâm (SGĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.