Theo số liệu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), Việt Nam tiêu thụ 77 tấn vàng trong năm 2012, so với mức tiêu thụ 864,2 tấn của Ấn Độ và 80,9 tấn của Thái Lan.
Đây là nhận định mà ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đưa ra trong một cuộc trao đổi với hãng tin tài chính Bloomberg.
Ông Trúc cho rằng, đến cuối tháng 7, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế có thể giảm về mức 4 triệu đồng/lượng, tương đương khoảng 158 USD/oz. Theo ông Trúc, chênh lệch giá đã đạt mức kỷ lục hơn 6 triệu đồng/lượng vào tháng 4 vừa qua, vàng quốc tế rơi vào trạng thái thị trường giá xuống (bear market), thúc đẩy nhu cầu vàng vật chất tăng vọt ở khu vực châu Á.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã thắt chặt quản lý thị trường vàng, trong đó có việc giữ độc quyền nhập khẩu và sản xuất vàng miếng, nhằm ngăn chặn tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế. Một trong những biện pháp tăng cường quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước là các tổ chức tín dụng được chỉ đạo phải hoàn thành việc trả lại toàn bộ số vàng đã huy động từ khách hàng trước hạn chót 30/6.
“Nhu cầu vàng tại Việt Nam sẽ giảm mạnh sau hạn trên vì thực tế sẽ không có thêm nhu cầu từ các ngân hàng và hoạt động đấu thầu vàng vẫn sẽ tiếp tục”, ông Trúc nhận định. “Chênh lệch giá có thể giảm, nhưng chắc sẽ không nhiều như chúng tôi hy vọng”, vì các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ lại mua vào, theo ông Trúc.
Nhà kinh doanh vàng này cho rằng, chênh lệch giá vàng trong nước-thế giới nên ở mức dưới 1 triệu đồng/lượng là hợp lý. Bên cạnh đó, ông Trúc dự đoán, khi người gửi vàng rút vàng từ các ngân hàng, họ có thể giữ hoặc bán đi, tùy thuộc vào mức giá trên thị trường.
Theo số liệu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), Việt Nam tiêu thụ 77 tấn vàng trong năm 2012, so với mức tiêu thụ 864,2 tấn của Ấn Độ và 80,9 tấn của Thái Lan.
Ông Haresh Soni, Chủ tịch Nghiệp đoàn Đá quý và nữ trang toàn Ấn Độ, cho biết, trong tuần trước, chênh lệch giá vàng nội địa-quốc tế tại Ấn Độ là 7 USD/oz. Ấn Độ là quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới.
“Các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực thi và nỗi lo giá vàng giảm sâu có thể ảnh hưởng tạm thời tới nhu cầu vàng ở Việt Nam”, ông Albert Cheng, Giám đốc điều hành WGC khu vực Viễn Đông, nhận xét trong một bức email gửi Bloomberg. “Trong dài hạn, đối với phần đông người Việt Nam, nhất là những người đã sống qua những năm tháng chiến tranh và trải qua những khó khăn kinh tế, vàng vẫn sẽ được xem là một công cụ tiết kiệm và đầu tư được ưa chuộng”.
“Ở những thời điểm khó khăn kinh tế, kỳ vọng giảm giá tiền đồng đã thúc đẩy người dân Việt Nam mua USD và vàng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện đang nỗ lực giảm việc nắm giữ vàng để tạo ra sự ổn định cao hơn cho tiền đồng”, ông Matt Hildebrandt, một chuyên gia kinh tế của ngân hàng JPMorgan Chase tại Singapore, đánh giá.
Giá vàng tại thị trường London từ đầu năm đến nay đã giảm 18% khi sự phục hồi kinh tế toàn cầu làm gia tăng những lo ngại về sự đi xuống của nhu cầu đối với vàng như một tài sản an toàn. Sáng nay (13/6), giá vàng giao ngay ở châu Á ở ngưỡng khoảng 1.390 USD/oz. Hồi tháng 5, nhà băng Thụy Sỹ Credit Suisse dự báo rằng, giá vàng có thể giảm về 1.100 USD/oz trong vòng 1 năm tới.
Giá vàng SJC theo niêm yết của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) từ đầu năm đến nay đã giảm khoảng 11%, về ngưỡng 40,7 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Sáng nay, giá vàng SJC bán ra cao hơn giá vàng quốc tế quy đổi 5 triệu đồng/lượng.
Để các tổ chức tín dụng có nguồn vàng tất toán, từ ngày 28/3 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục tổ chức các phiên đấu thầu vàng. Tính đến ngày 11/6, sau 29 phiên đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra 28,3 tấn vàng.