Năm 2017 có thể coi là năm bùng phát các mâu thuẫn tại chung cư. Tuy nhiên, với việc Nghị định 139/2017/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 15/1/2018, có thể từ năm nay, các chung cư sẽ yên bình hơn.

Mipec Riverside từng là nơi diễn ra tranh chấp về không gian chung giữa chủ đầu tư và cư dân. Ảnh: Nguyễn Thành

Năm 2017, bùng nổ tranh chấp

Hàng loạt vụ lùm xùm tại các khu chung cư tại Hà Nội xảy ra trong năm 2017. Trong đó, các mâu thuẫn chủ yếu xoay quanh các vấn đề như bàn giao nhà sai diện tích, chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư, không minh bạch trong quản lý, sử dụng quỹ bảo trì, sử dụng sai công năng, mục đích hay việc chiếm dụng không gian chung để cho thuê kinh doanh thương mại…

Có thể kể đến các vụ như tranh chấp quyền quản trị, quản lý quỹ bảo trì tại Chung cư Bắc Hà C14 (quận Nam Từ Liêm), tranh chấp về không gian chung - riêng tại dự án Mipec Riverside (quận Long Biên)…

Điểm chung của các vụ tranh chấp này là do các chủ đầu tư/ban quản lý và cư dân không tìm được tiếng nói chung. Trong đó, nhiều trường hợp khi các cơ quan chức năng vào cuộc mới phát hiện ra chủ đầu tư ngang nhiên cải tạo, thay đổi công năng, xây thêm căn hộ để bán kiếm lời.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Quản lý và Bảo trì tòa nhà cho rằng, mâu thuẫn tranh chấp tại chung cư hiện nay xuất phát từ nhiều vấn đề, từ phí dịch vụ, quỹ bảo trì. Thực tế, cũng phải nhìn nhận rằng, tiền phí bảo trì của dân bị nhiều chủ đầu tư chiếm dụng. Còn về phí dịch vụ, theo ông Hiệp, chủ đầu tư đừng tính lãi gì ghê gớm để cư dân phải kiện cáo.

Còn ông Phạm Tuấn Anh, nguyên Chánh tòa Kinh tế TAND TP. Hà Nội cho biết, những tranh chấp chung cư xuất phát từ việc không thực hiện theo hợp đồng. Điểm bất lợi của người mua nhà hiện nay là do không được trang bị đầy đủ về pháp lý, dẫn đến khi ký hợp đồng thường rơi vào tình trạng bất lợi. Những hợp đồng này thường sẽ quy định các điều khoản có lợi cho chủ đầu tư mỗi khi xảy ra tranh chấp.

“Khi xảy ra tranh chấp và nếu có kiện ra toà, toà sẽ căn cứ vào những thoả thuận trên hợp đồng của hai bên để xét xử. Lúc đó, người dân thường là người thiệt, bởi chủ đầu tư đã tận dụng những điểm chưa chặt chẽ để lách luật từ trước”, ông Tuấn Anh nói.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp, các chủ đầu tư đã thực sự nỗ lực giải quyết vấn đề, nhưng vấn đề truyền thông qua lại chưa ổn thỏa, thậm chí chỉ đơn giản là cách hành xử, nói năng của bộ phận quản lý, đẩy các mâu thuẫn lên cao trào. Chủ đầu tư và cư dân bị đẩy xa nhau và ở vào thế nước - lửa, cư dân căng băng rôn phản đổi. Thậm chí, có dự án, cư dân còn nêu rõ thông điệp: “Sẵn sàng đổ máu!”.

Tại nhiều chung cư, tranh chấp kéo dài, dai dẳng trong một thời gian dài. Thậm chí, có những sự việc kéo dài đến vài năm trời nhưng chưa kết thúc, như tại Chung cư Hồ Gươm Plaza (quận Hà Đông). Theo nhiều chuyên gia, lý do dẫn đến sự bùng nổ các mâu thuẫn chung cư một phần là bởi các chế tài xử phạt chưa mạnh, chưa quy định rõ ràng (về các vi phạm cũng như mức xử phạt), nên nhiều chủ đầu tư còn chây ì, ngang nhiên vượt rào, phạm luật.

Siết chặt, xử nghiêm chủ đầu tư vi phạm

Ngày 27/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở có quy định rất rõ vấn đề quản lý nhà ở, có hiệu lực 15/1/2018. Trong đó, Nghị định tập trung siết các hành vi phổ biến là nguyên nhân đang gây mâu thuẫn căng thẳng giữa cư dân và chủ đầu tư hiện nay.

Cụ thể, phạt tiền 250 - 300 triệu đồng nếu chủ đầu tư tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung hoặc tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần diện tích không phải để ở trong nhà chung cư có mục đích hỗn hợp; tính diện tích căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư thuộc sở hữu riêng sai quy định; không bố trí diện tích để làm nhà sinh hoạt cộng đồng theo quy định.

Chung cư Bắc Hà C14, nơi diễn ra tranh chấp kéo dài về quyền quản trị. Ảnh: Nguyễn Thành

Phạt 100 - 150 triệu đồng đối với chủ đầu tư khi không tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu theo quy định; không bàn giao, bàn giao chậm, bàn giao không đầy đủ hoặc không đúng đối tượng nhận kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư theo quy định.

Phạt phạt tiền từ 80 - 90 triệu đồng với các trường hợp chủ đầu tư không bàn giao hoặc bàn giao không đúng thời hạn hồ sơ nhà chung cư cho Ban Quản trị nhà chung cư theo quy định; lựa chọn đơn vị quản lý vận hành không đủ điều kiện, năng lực theo quy định; tự ý bán, cho thuê chỗ để ô tô không đúng quy định.

Ngoài ra, Nghi định còn quy định các mức phạt khác, thấp hơn các mức nêu trên trong các trường hợp như không có chức năng quản lý, vận hành nhà chung cư mà vẫn thực hiện quản lý, vận hành; quản lý, sử dụng kinh phí vận hành không đúng theo quy định; tự quyết định mức giá dịch vụ quản lý, vận hành, tự ý lựa chọn đơn vị vận hành nhà chung cư mà không thông qua hội nghị nhà chung cư.

Thậm chí, cả các hành vi gây thấm, dột căn hộ nhà chung cư, vấn đề trước đây cư dân thường chỉ biết năn nỉ chủ đầu tư hỗ trợ khắc phục thì nay cũng được đưa vào quy định xử phạt (từ 10 - 20 triệu đồng).

Sẽ "cơm lành canh ngọt"?

Chỉ còn ít ngày nữa là Nghị định 139 sẽ chính thức có hiệu lực, nhưng theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản tại một số dự án, dường như các chủ đầu tư chưa để ý nhiều đến vấn đề này.

Với các vấn đề nổi cộm như tổ chức hội nghị nhà chung cư (Dự án Center Point, quận Thanh Xuân), hay lựa chọn đơn vị vận hành tòa nhà (Chung cư Bắc Hà C14, quận Nam Từ Liêm), hoặc tự ý bán, cho thuê chỗ để ô tô không đúng quy định (khu nhà ở xã hội Tứ Hiệp Hồng Hà Eco City thuộc Khu đô thị Hồng Hà Eco City, quận Hoàng Mai)…, các chủ đầu tư đều chưa có động thái “vá lỗi” ngay sát thời điểm Nghị định 139 chính thức có hiệu lực.

Tại Dự án Center Point, anh Đỗ Cường Việt, cư dân Dự án cho biết: “Hiện đã có khoảng 70% cư dân dọn về ở, nhưng chủ đầu tư vẫn trì hoãn việc tổ chức hội nghị nhà chung cư dù đã bàn giao nhà từ tháng 6/2017. Chúng tôi mệt mỏi với Ban quản lý và chủ đầu tư này quá rồi”.

Trong năm 2017, khi UBND TP. Hà Nội chọn ngẫu nhiên 50 dự án nhà ở chung cư trên địa bàn để tiến hành rà soát, thì có đến 38/50 dự án có sai phạm về quy hoạch và xây dựng.

Theo các chuyên gia, việc nhiều chủ đầu tư sai phạm một cách có hệ thống như khai thác chung cư khi chưa nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy, chưa kiểm định hệ thống thang máy nhưng vẫn để cư dân sử dụng, không thực hiện đúng tiện ích cam kết, chiếm dụng không gian chung, không bàn giao nhà cộng đồng, không minh bạch trong quản lý thu, chi…, chính là nguồn cơn của hàng loạt tranh chấp.

Việc Nghị định 139 mang lại tác dụng đến đâu vẫn còn phải chờ câu trả lời từ thực tế. Nhưng có lẽ, với mức phạt cao và mang tính răn đe, tình trạng tranh chấp chung cư ở Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung từ năm 2018 được kỳ vọng sẽ bớt nóng hơn năm 2017.

Thanh Huyền (Đầu Tư BĐS)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.