Ý tưởng tổ chức một tụ điểm, nơi gặp gỡ, kết nối, thực hiện giao dịch giữa các chủ đầu tư dự án với đông đảo người mua nhà đã không chỉ thu hút các công ty truyền thông, tổ chức sự kiện, mà ngay chính các sàn môi giới BĐS.

Ý tưởng lớn gặp nhau


Thông tin mới nhất về sự kiện Ngày hội mua nhà giá gốc, được đơn vị bảo trợ truyền thông là Báo Xây dựng đăng tải hôm 29/9 cho thấy, ngày 21/9, Sở Công Thương Hà Nội đã chính thức ký duyệt cấp phép cho Công ty CP Truyền thông Asean C&C tổ chức chương trình với tên gọi thay đổi thành Hội chợ triển lãm BĐS và Nhà ở.


Chương trình sẽ diễn ra từ ngày 21-23/10, chậm khoảng 1 tháng so với dự kiến ban đầu.

Với chủ đề như cũ: Sản phẩm thực - Giá trị thực - Giao dịch thực, hội chợ dự kiến có 176 gian hàng dành cho các doanh nghiệp BĐS, sàn giao dịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng, tư vấn luật, định giá BĐS, công chứng.

BTC tuyên bố, hội chợ vẫn hướng tới 1.000 giao dịch thành công và dự kiến thu hút 10.000 người có nhu cầu mua nhà tham dự.

Tuy nhiên cũng cần nhắc lại rằng, ý tưởng cũng như việc tổ chức một hội chợ bất động sản và nhà ở, nơi kết nối trực tiếp giữa chủ đầu tư và người mua, trước đó đã từng được cho là của một đơn vị khác.

Theo diễn viên, đồng thời là GĐ truyền thông của Công ty CP Dịch vụ Công nghệ thông tin và Truyền thông SMIT Việt Nam - ông Đồng Thành Bình, từ cuối năm ngoái, khi thị trường BĐS ảm đạm, công ty SMIT đã bắt đầu lên ý tưởng tổ chức một Hội chợ Nhà ở và Vật liệu xây dựng, và bắt đầu từ Tết Nguyên đán 2011, công ty này chính thức bắt tay vào làm.


Chạy đua tổ chức hội chợ, phiên giao dịch nhà ở

"Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ từ Tết rồi, từ khâu đơn giản nhất là thiết kế sân khấu cho đến khu gian hàng, các công đoạn đăng ký tên miền hội chợ nhà ở, xin giấy phép, nghiên cứu thị trường, có thỏa thuận địa điểm và phối hợp tổ chức với Trung tâm Triển lãm Giảng Võ..." - ông Bình từng chia sẻ.


Chương trình của Công ty SMIT vẫn đang hoàn thiện hồ sơ, dự kiến ra Tết sang năm (tức 2012 - PV) mới tổ chức. Song, vì nhiều lý do, Công ty Asean C&C đã cấp tập thực hiện chương trình Ngày hội mua nhà giá gốc với nhiều điểm tương đồng, cho nên ngay thời điểm Asean C&C tổ chức họp báo công bố lần 1, thì Công ty SMIT đã có đơn tố cáo Asean C&C "ăn cắp ý tưởng".


Xu thế thời ế ẩm?


Chưa dừng lại, mới đây trên website của mình, Công ty CP Đầu tư và Phân phối DTJ cũng vừa công bố Phiên giao dịch thế giới chung cư lần đầu tiên của Sàn DTJ sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 10/2011 tại Hà Nội.


Đơn vị tổ chức cũng cho biết, mong muốn của họ là "cầu nối đích thực giữa khách hàng và chủ đầu tư. Tại phiên giao dịch, khách hàng sẽ có cơ hội tiếp cận trực tiếp với các căn hộ được bán với giá của chủ đầu tư (giá gốc).


Sẽ có khoảng 20 dự án căn hộ chung cư với nhiều mức giá khác nhau được giới thiệu, chào bán... Tất cả BĐS đều được miễn phí 100% phí giao dịch mua, đảm bảo thông tin trung thực, tính pháp lý và tiến độ của dự án".


Như vậy dễ thấy, chỉ trong trung tuần tháng 10/2011 đã có ít nhất 2 sự kiện bán căn hộ giá gốc tại Hà Nội. Tuy khác nhau về quy mô, tính chất, đơn vị đứng ra tổ chức, nhưng cách thức tổ chức và tiếp thị, truyền thông tới khách hàng khá tương đồng.


Trao đổi với PV. Diễn đàn Kinh tế VN, Báo VietNamNet, ông Nguyễn Quốc Khánh - Chủ tịch HĐQT của DTJ lý giải, hiện còn rất nhiều người có nhu cầu mua nhà. Trong khi các chủ đầu tư không bán được hàng, không huy động được vốn. Hoạt động của các sàn giao dịch vì thế cũng rất khó khăn.


Việc tổ chức một phiên giao dịch như vậy thể hiện đúng chức năng của sàn trong việc kết nối trực tiếp giữa người bán và người mua, tạo sự chuẩn xác trong thông tin, góp phần vào sự minh bạch của thị trường và niềm tin của người mua nhà.


Nhưng vì sao đến bây giờ các sàn mới nghĩ đến việc tổ chức một phiên giao dịch giá gốc, trực tiếp giữa chủ đầu tư và người mua, đi sau các công ty truyền thông như vậy? Ông Khánh cho rằng, ý tưởng tổ chức chương trình Ngày hội mua nhà giá gốc là khá hay, tuy nhiên tính thực tiễn trong việc thu hút được 10.000 người đến và tạo được 1.000 giao dịch thành công thì là điều không tưởng. Bởi lẽ, số người đến quá đông, đòi hỏi lượng người phục vụ đã khó, chưa kể đến vấn đề tư vấn, pháp lý.


"Có người cứ bảo rằng tôi copy cách làm của Ngày hội mua nhà giá gốc nhưng đó không hoàn toàn. Doanh nghiệp phải luôn sáng tạo, học hỏi nhưng quan trọng là mình làm đúng những tôn chỉ đặt ra, đảm bảo cam kết của mình với khách hàng trước và sau, chứ không phải nói và làm ngược lại với nhau, gây tổn thất cho người mua" - ông Khánh giãi bày.


Việc tổ chức các sự kiện bán hàng rầm rộ không phải mới trên thị trường. Tiên phong trong việc này phải kể đến các công ty tư vấn làm dịch vụ BĐS nước ngoài trong việc tổ chức các chương trình thu hút, các buổi bán hàng đặc biệt nhằm thu hút khách, tăng cường giao dịch cho một dự án cụ thể. Nhưng việc các sàn đứng ra truyền thông, quảng bá, tập hợp sản phẩm của cùng lúc nhiều chủ đầu tư để đưa đến các khách hàng có nhu cầu thực là một nét mới trong bối cảnh thị trường hiện tại.


Ở góc độ tích cực, một đại diện am hiểu về bán hàng nhìn nhận: "Quan điểm của những người làm dịch vụ đã thay đổi khi BĐS rơi vào giai đoạn khó khăn. Việc truyền thông, quảng bá bài bản là một tất yếu mà các đơn vị tư vấn bán hàng, đặc biệt là doanh nghiệp nội địa sẽ phải tiến tới. Kiểu "đánh" du kích, làm việc theo cảm hứng, được chăng hay chớ của các nhân viên, các sàn môi giới sẽ thu hẹp dần".


Hiện vẫn chưa thể khẳng định được rằng, sau đợt này sẽ có một sàn hay công ty truyền thông nào khác đứng ra tổ chức sự kiện tương tự như trên hay không. Tuy nhiên, một nguồn tin bật mí, cơ quan chức năng cũng đang xem xét đề cương tổ chức một sự kiện giao dịch với quy mô quốc gia góp phần làm chuẩn mực và tăng minh bạch cho thị trường.

Theo Nguyễn Nga (VEF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.