Sau một năm chìm trong mớ bùng nhùng nợ công, châu Âu sẽ có một tháng giêng tất bật để vay nợ. Nếu không vay được, khả năng khủng hoảng tiếp tục lây lan.

Do kinh tế suy giảm, thu ngân sách của chính phủ ở một số nước sẽ giảm, khiến cho thâm hụt ngân sách có thể tăng lên, nếu không có biện pháp cắt giảm hợp lý. Từ tuần thứ hai của tháng 1, Ý và Tây Ban Nha sẽ phải vay thêm qua đấu giá trái phiếu chính phủ.


Thủ tướng Ý Monti (đứng) phát biểu tại buổi họp cuối năm. Trong đó, ông cho rằng khoảng cách giữa lợi suất trái phiếu chính phủ mười năm của Ý và Đức sẽ được thu hẹp dần. Ảnh: Reuters

Nếu các cuộc đấu giá diễn ra tốt đẹp và chi phí đi vay thấp, khả năng thực thi các biện pháp thắt lưng buộc bụng có thể được thực hiện. Nếu lãi suất vẫn cao, thể hiện nhà đầu tư vẫn còn lo lắng về việc cho chính phủ vay mượn, thì nỗi sợ hãi về tương lai vỡ nợ công sẽ tăng lên. Trường hợp xấu nhất, nó có thể tiêu huỷ luôn đơn vị tiền tệ chung của 17 quốc gia.


Chính phủ khu vực euro, uỷ ban điều hành Liên minh châu Âu (EU) và ECB sẽ phải cùng nhau thuyết phục thị trường tài chính rằng các nước mắc nợ có khả năng trả hết nợ và do đó xứng đáng được vay với lãi suất hợp lý.


Nỗi sợ hãi vỡ nợ hiện đang đẩy lợi suất trái phiếu lên cao, tạo nên vòng luẩn quẩn giữa vay và trả để vay lại. Điều này buộc Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha phải tìm các khoản vay cứu trợ từ các quốc gia khác trong khu vực euro và quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).


Trong quý đầu năm, Ý cần 72 tỉ euro (94 tỉ USD) để trả lãi lẫn tiền gốc trái phiếu chính phủ. Tính chung, Ý sẽ phải mượn hơn 300 tỉ euro (392 tỉ USD) trong năm 2012. Tây Ban Nha, được mong đợi sẽ bán hết 25 tỉ euro (33 tỉ USD) trái phiếu nợ mới, sẽ bắt đầu giai đoạn đấu thầu vào ngày 12.1.


Cuộc đấu thầu của Ý bắt đầu từ ngày 13.1 được nhà phân tích Jane Foley thuộc Rabobank International nhận định là vô cùng quan trọng: “Nếu Ý đấu giá thành công, khủng hoảng nợ sẽ lùi khỏi vùng nguy hiểm. Bằng không, tình trạng trên sẽ vượt quá giới hạn”.


Nếu Ý không vay được với lãi suất khả dĩ, quỹ cứu trợ của châu Âu có thể cần thêm trợ giúp của IMF để đáp ứng nhu cầu vay của nước này.


ECB có thể mua lại phần lớn trái phiếu Ý và Tây Ban Nha bằng dòng tiền mới, nhưng đến nay họ vẫn từ chối, thay vào đó, tập trung đẩy mạnh tín dụng cho các ngân hàng, để hỗ trợ nguồn vốn vay cho nền kinh tế. Tuy vậy, ECB cũng vẫn mua một lượng trái phiếu giới hạn để cung cấp khoản hỗ trợ thiết yếu cho Ý và Tây Ban Nha, bằng cách giúp hạ chi phí đi vay. Động thái mới nhất là khoản vay giá rẻ, dài hạn, khổng lồ 489 tỉ euro (639 tỉ USD) dành cho chính phủ mắc nợ, khi các ngân hàng mạnh có thể sử dụng một lượng tiền nào đó mua trái phiếu chính phủ lãi suất cao hơn.


Ý phải trả trung bình khoảng 4,2% trong khoản nợ hiện tại 1.900 tỉ euro (2.700 tỉ USD) nhưng khủng hoảng đã đẩy lợi suất trái phiếu kỳ hạn mười năm của nước này lên hơn 7% hôm 9.11 vừa qua.


Chính phủ mới của Ý dưới sự lãnh đạo của nhà kinh tế Mario Monti, có thể chi trả mức lãi suất cao đó trong một thời gian, theo các nhà phân tích. Trước đây, nước này đã trả lãi suất cao hơn nhiều trong giai đoạn 1990, lãi suất khi đó chạm đỉnh 14% (1992) nhưng sau đó hạ dần xuống còn khoảng 4% (1998), khi Ý định hình tài chính để gia nhập khối tiền tệ chung euro năm 1999.


Nhưng Ý của hiện tại đang bị ảnh hưởng từ khủng hoảng nợ, cộng thêm hậu quả từ tăng trưởng chậm, do tình trạng quan liêu và tham nhũng nặng nề. Trong khi đó, Tây Ban Nha có tỷ lệ thất nghiệp đến 22,8% (48,9% dưới 25 tuổi), sau sự bùng nổ của bong bóng bất động sản trong nước.


Cuộc chiến của Ý và Tây Ban Nha thậm chí sẽ khó khăn hơn nếu vấn đề nợ nần kéo cả khu vực euro suy thoái. Các nhà kinh tế tại Ernst & Young dự đoán một cuộc suy thoái nhẹ trong nửa đầu năm 2012 và tăng trưởng cả năm chỉ đạt 0,1%, tỷ lệ thất nghiệp 10% trong những năm tới.


Bên cạnh đó, Hy Lạp lại đang phải cố gắng thuyết phục chủ nợ đồng ý giảm một số khoản nợ và tránh thiệt hại nghiêm trọng hơn nếu sụp đổ. Hy Lạp có một gói nợ 14,4 tỉ euro (18,8 tỉ USD) đến hạn trả vào tháng 3.2011.

Theo Tuyet Hạnh (SGTT/Time)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh