Số người vô gia cư gia tăng đã trở thành một vấn đề nan giải của không ít quốc gia tại châu lục này.

Mới đây, một nghiên cứu của hãng tư vấn Demographia cho thấy, tỷ lệ giữa giá nhà và thu nhập của người dân ở những “điểm nóng” bất động sản như Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc), hiện cao thứ nhì trong số những đô thị lớn nhất thế giới, đồng thời cao hơn ít nhất 50% so với các thành phố như New York, San Francisco, Toronto, Sydney hay London.

Điều này được lý giải là do phần lớn các thành phố lớn của châu Á đã và đang trải qua thời kỳ phát triển kinh tế thịnh vượng, với tốc độ tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng dân số nhanh hơn hẳn so với các thành phố phương Tây. Trong thập kỷ qua, dân số của thành phố lớn nhất Trung Quốc là Thượng Hải, đã tăng 35%, nghĩa là tăng thêm gần 6 triệu người.

Mức tăng này đã lớn hơn dân số của bất kỳ thành phố nào của Tây Âu ngoài London, Paris và Essen Dusseldrf. Dân số của Singapore cũng tăng thêm 20%, một tốc độ tăng chỉ kém thành phố Atlanta của Mỹ nếu so sánh giữa các đô thị có trên 4 triệu dân của các quốc gia phát triển.

Theo nhận định của bà Cheong Koon Hean, Giám đốc điều hành của Cơ quan Nhà ở và phát triển Singapore thì tình trạng leo thang của giá nhà tại các thành phố lớn châu Á thời gian gần đây, nhất là ở những thành phố giàu có, còn xuất phát từ sự dư thừa thanh khoản, lãi suất thấp và lạm phát tăng. Ngoài ra, yếu tố “tâm lý bầy đàn”, trong đó người dân thi nhau đầu tư vào nhà đất để chống lạm phát, cũng là một nhân tố tác động mạnh tới thị trường.

Quan niệm truyền thống của người Trung Quốc đối với quyền sở hữu nhà ở và đất đai càng “tăng nhiệt” cho thị trường bất động sản. Một blogger ở Nam Kinh là Lisa Gu có viết trên blog của cô rằng: “Có nhà là mong ước cả đời của hầu hết công dân Trung Quốc và các nhà đầu tư chưa thực sự tin tưởng vào các kênh đầu tư khác như chứng khoán hay trái phiếu”. Người dân thích mua bất động sản vì họ vẫn chưa tin tưởng vào những thứ khác”, ông Han Hui – Trưởng văn phòng tư vấn luật bất động sản ở Bắc Kinh cho biết.

Dù gì đi nữa, nhà ở đang là chuyện “đau đầu” của hàng triệu người dân, nhất là thế hệ trẻ. Lisa Gu cho biết, “giá nhà” là cụm từ xếp thứ ba trong 10 cụm từ được các công dân mạng của Trung Quốc sử dụng nhiều nhất. Cô cũng cho hay, nhiều người trẻ Trung Quốc đã từ bỏ ước mơ có nhà trước khi kết hôn và về sống chung tại các căn nhà thuê. Theo quan niệm của người Trung Quốc thì đây được gọi là “hôn nhân tay trắng”.

Một số người tìm cách “tránh” những thành phố có vật giá quá đắt đỏ như Bắc Kinh hoặc Thượng Hải và chọn tới sống ở những đô thị nhỏ hơn như Thành Đô. Thành phố này là một trung tâm công nghệ đang lên của Trung Quốc, nhưng có giá nhà chỉ bằng 1/3 so với ở các thành phố lớn của nước này.

Còn đối với hàng triệu người nghèo hơn của Trung Quốc, bao gồm giới lao động nhập cư, cơn sốt nhà là một vấn đề nghiêm trọng. Phần lớn những người này di chuyển từ nông thôn tới các thành phố lớn, để tìm kiếm cơ hội làm việc và chất lượng cuộc sống tốt hơn. Thống kê cho thấy, người nhập cư hiện chiếm tới khoảng 1/3 dân số tại các đô thị hàng đầu của Trung Quốc.

Cuộc sống của những người nông dân không đất này tại các thành phố lớn có thể sẽ càng chật vật hơn khi có thêm nhiều đất đai được dùng cho việc phát triển đô thị và công nghiệp. Hoạt động đầu cơ nhà đất sẽ càng khiến mục tiêu có nhà của người nghèo khó thành hiện thực.

Để hạn chế sự tăng giá trên thị trường bất động sản, Trung Quốc qua đã phải áp dụng nhiều biện pháp mạnh, bao gồm thử nghiệm thuế bất động sản đánh vào những người mua căn hộ thứ hai trở lên, siết chặt tín dụng, tăng nguồn cung nhà cho người có thu nhập thấp...

Trước đó, theo bình luận của Forbes, nếu không được giải quyết, cơn sốt nhà đất sẽ kéo lùi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đông Á, trong khi đây đang là khu vực đầu tàu của kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, giá nhà cao còn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội và có thể đã trở thành nguyên nhân khiến các cặp vợ chồng ở những nền kinh tế như Singapore, Đài Loan (TQ) và Hàn Quốc “ngại” sinh con.

Theo Bảo Trung (GTVT/Theo Forbes)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0