Thực tế, vào thời điểm ấy (khoảng giữa tháng 3/2012), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, khi trả lời phỏng vấn của báo chí cũng đã khẳng định, đây không phải là chuyện có thể “mặc cả”, vì pháp luật hiện chưa chấp nhận.
“Cũng có nhiều người thắc mắc, nhưng pháp luật đã quy định như vậy. Nhà đầu tư nào chấp nhận mới có thể tham gia”, Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh và cũng cho biết, casino không phải là lĩnh vực mà Việt Nam khuyến khích đầu tư.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, về danh chính ngôn thuận, hiện Việt Nam mới chỉ chấp nhận duy nhất cho kêu gọi đầu tư vào casino quy mô lớn tại Phú Quốc. Các địa điểm khác mới chỉ là ý tưởng của địa phương, nhà đầu tư và cần được cân nhắc kỹ.
Điều này có nghĩa là, kể cả khi LasVegas Sand “vui vẻ” với câu chuyện người Việt Nam không được vào chơi trong các khu vui chơi có thưởng, thì cũng không chắc hai siêu dự án của họ sẽ có được cái gật đầu của các nhà quản lý Việt Nam.
Tương tự như vậy, một dự án casino khác, của Genting Group (Malaysia), ở Vân Đồn (Quảng Ninh) cũng đang bỏ ngỏ cơ hội tham gia thị trường Việt Nam, dù theo thông tin của Báo Đầu tư, dự án này nhận được khá nhiều sự ủng hộ của các cơ quan chức năng Việt Nam.
Khả năng đầu tư vào casino ở Việt Nam vẫn chưa được mở và một nghị định về kinh doanh casino, theo đề xuất của Bộ Tài chính, có thể sẽ tiếp tục được nghiên cứu để xây dựng riêng Trong khi đó, cơ hội đầu tư các khu vui chơi có thưởng dành cho người nước ngoài lại dường như đang được mở rộng hơn. Lý do là vì, theo Dự thảo Nghị định kinh doanh trò chơi có thưởng dành cho người nước ngoài, các điều kiện kinh doanh lĩnh vực này không phải là quá khó. Ngoài quy định về việc phải là khách sạn 5 sao, thì điều kiện về tài chính chỉ được quy định là “có đủ năng lực”. Trong khi đó, theo Thông báo 96/TB-VPCP ngày 4/5/2007 của Văn phòng Chính phủ, chỉ những dự án đầu tư từ 4 tỷ USD trở lên mới được xem xét.
Bình luận về quy định trên, một luật sư cho rằng, chắc chắn, sau khi Nghị định được ban hành, sẽ có thông tư hướng dẫn và có thể trong thông tư, sẽ có những quy định cụ thể hơn về “năng lực tài chính” của các nhà đầu tư. Hơn thế, đây cũng chỉ là những quy định về việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, còn cấp chứng nhận đầu tư lại là một câu chuyện khác.
Trên thực tế, hiện hầu hết các dự án có hạng mục khu vui chơi có thưởng đều có vốn đầu tư từ 4 tỷ USD trở lên. Chẳng hạn, Dự án Hồ Tràm Strip, vốn 4,2 tỷ USD; Nam Hội An, 4 tỷ USD… Các dự án đang xem xét, hoặc đã bị từ chối như Mũi Dinh (Ninh Thuận), New City (Phú Yên)… cũng đều có số vốn “khủng”.
Cái khó ở đây, đó là Dự thảo Nghị định lại “ôm” cả việc quản lý nhóm các doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng. Hiện tại, có khoảng 43 điểm kinh doanh diện này và từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo tạm dừng cấp phép cho nhóm này cho đến khi khung pháp lý mới được ban hành.
Nhóm doanh nghiệp thứ hai và thứ ba, theo như phân loại của Bộ Tài chính, là các doanh nghiệp kinh doanh casino như ở Đồ Sơn (Hải Phòng), hoặc các dự án kinh doanh trò chơi có thưởng (có chơi trên máy và trên bàn), như Silver Shores ở Đà Nẵng; Hoàng Đồng - Lạng Sơn; Hoàng Gia - Quảng Ninh; Nam Hội An ở Quảng Nam...
Các nhóm doanh nghiệp là khác nhau, đòi hỏi quy mô đầu tư cũng khác nhau, do vậy, cũng khó có thể quy định “cứng” về điều kiện tài chính. Chính vì điều này, mà theo tờ trình Chính phủ của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi góp ý xây dựng Dự thảo Nghị định đã cho rằng, nên tách làm hai văn bản riêng biệt, quy định hai loại hình kinh doanh trò chơi khác nhau và việc xây dựng khuôn khổ pháp lý cần gắn với việc kêu gọi nhà đầu tư cho từng dự án cụ thể. Tuy nhiên, cuối cùng, Bộ Tài chính vẫn xây dựng một nghị định chung cho cả hai loại hình.
Liên quan tới vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, lại không quá quan tâm tới điều kiện tài chính. Theo ông, quan trọng là xem xét có nên “mở cửa” cho các khu vui chơi có thưởng hay không.
“Cá nhân tôi cho rằng, không nên cho mở quá tràn lan, mà chỉ cho phép mở ở các khu đảo xa, cách biệt với người dân”, ông Mại nói và bày tỏ quan điểm rằng, đúng là Việt Nam đang rất cần thu hút vốn đầu tư nước ngoài, song còn rất nhiều lĩnh vực cần được kêu gọi đầu tư và Việt Nam cũng có nhiều lựa chọn, chứ không nhất thiết phải “mở cửa” với lĩnh vực nhạy cảm này.