Trong giai đoạn sắp tới, tỉnh Lâm Đồng sẽ phát triển nhanh, toàn diện và bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn. Lâm Đồng phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, tự cân đối được ngân sách và có điều tiết nộp về ngân sách Trung ương,…

Ông Trần Đức Quận – Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng vừa ký ban hành Chương trình hành động Số 48-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Theo đó, Lâm Đồng phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 7,5 - 8,5%/năm. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 135 triệu đồng, tương đương 5.100 USD. Tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 32,06% trong GRDP; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 24,66%; khu vực dịch vụ chiếm khoảng 43,28%.

Cũng trong giai đoạn 2021-2030, Lâm Đồng phấn đấu tỷ lệ đô thị hoá đạt khoảng 58,8%,…

Tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, có hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc,…

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, Lâm Đồng sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng toàn diện, bền vững; lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá.

Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả dựa trên công nghệ cao, chuyển đổi số và giá trị gia tăng cao. Không gian phát triển kinh tế của tỉnh gắn với vùng Đông Nam bộ theo hành lang tuyến quốc lộ 20 và tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương. Trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp; lĩnh vực công nghiệp; lĩnh vực dịch vụ.

Đơn cử trong lĩnh vực dịch vụ, Lâm Đồng phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, logistics dựa trên nền tảng số theo hướng nâng cao chất lượng, bền vững và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ. Xây dựng ngành du lịch Lâm Đồng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng chất lượng cao và bền vững,…

Lâm Đồng sẽ phát triển đô thị và bố trí dân cư phù hợp với các điều kiện đặc trưng về sinh thái, bản sắc văn hoá của vùng nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng; có không gian xanh, cảnh quan đặc trưng, kết cấu hạ tầng hiện đại, thông minh và thân thiện với môi trường.

Tỉnh cũng thúc đẩy liên kết đô thị, chú trọng hình thành các đô thị hỗ trợ các chức năng phát triển với đô thị trung tâm, tỉnh Lâm Đồng có 2 vùng đô thị tương ứng với 2 khu vực có vai trò động lực chính là thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận và thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận.

Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, du lịch đặc sắc

Lâm Đồng sẽ tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi với vùng Đông Nam bộ theo hành lang tuyến Quốc lộ 20 và các tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.

Tỉnh cũng chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương trong việc huy động, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, có tính chất kết nối liên vùng như đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, các tuyến Quốc lộ 27 (đoạn K’Rông Nô - Phi Nôm), 55, 27C, ...

Bên cạnh đó, khôi phục tuyến đường sắt Phan Rang, Tháp Chàm - Đà Lạt, cải tạo, nâng cấp ga Đà Lạt.

Phấn đấu đến năm 2026, đầu tư hoàn thành giai đoạn 1 đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; hoàn thành đầu tư nâng cấp mở rộng tuyến quốc lộ 28B, đèo Mimosa và các cầu trên tuyến Quốc lộ 20, đường Trường Sơn Đông; triển khai đầu tư, nâng cấp mở rộng các tuyến Quốc lộ 27, 55, 27C; hoàn thành nâng cấp các tuyến đường tỉnh ĐT.721, ĐT.722, ĐT.725, ĐT.729…

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương từ tiêu chuẩn 4D lên 4E, mở thêm các tuyến bay nội địa và quốc tế từ Cảng hàng không Liên Khương đi Úc, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Campuchia,...

Lâm Đồng cũng phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành đồng bộ đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; triển khai đầu tư tuyến đường cao tốc Đà Lạt - Nha Trang, Đà Lạt - Buôn Mê Thuột; nâng cấp, mở rộng các tuyến Quốc lộ 27C, 28, 55B, đường Trường Sơn Đông nối dài.

Phát triển các trục giao thông đối nội theo các hướng Bắc Nam, Đông Tây, tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn giữa các vùng, khu vực trong tỉnh, kết nối với hệ thống quốc lộ. Ưu tiên đầu tư, hoàn thành các tuyến đường tỉnh ĐT.726, ĐT.727, ĐT.728 và một số tuyến đường vành đai, đường tránh đô thị cần thiết.

Về phát triển du lịch, tỉnh thu hút đầu tư du lịch có trọng tâm, trọng điểm gắn với sinh thái và bảo vệ môi trường; phát triển đồng bộ Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm, Đan Kia - Suối Vàng và một số khu du lịch xứng với tầm cỡ quốc gia, hướng đến tầm cỡ khu vực, tạo thương hiệu cho du lịch tỉnh Lâm Đồng.

Chưa hết, tỉnh cũng sẽ mở rộng không gian du lịch theo quy hoạch được phê duyệt, định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng theo từng cụm du lịch thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận; thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận; các huyện phía Nam là Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên,…

Lưu Bang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.