Giao dịch sôi động
Năm 2022, giao dịch nhà đất tại Lâm Đồng diễn ra sôi động hơn nhiều so với các địa phương khác thuộc khu vực miền Trung – Tây Nguyên, như Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Kon Tum,…
Thống kê từ Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng cho thấy trong 3 quý đầu năm 2022, toàn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận hơn 40.000 giao dịch đất nền và nhà ở riêng lẻ.
Riêng trong quý 4/2022, tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 1.108 giao dịch nhà ở riêng lẻ, tăng mạnh so với quý 3 chỉ với 767 giao dịch.
Lượng giao dịch nhà ở riêng lẻ tại Lâm Đồng trong quý 4 tập trung chủ yếu tại huyện Bảo Lâm với 443 giao dịch, thành phố Bảo Lộc với 291 giao dịch, thành phố Đà Lạt với 180 giao dịch, huyện Đức Trọng với 169 giao dịch,…
Riêng về phân khúc đất nền, trong quý 4/2022, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 6.633 giao dịch thành công, giảm so với quý 3/2022 có 8.804 giao dịch.
Giao dịch đất nền trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tập trung chủ yếu tại huyện Bảo Lâm với 1.511 giao dịch, huyện Lâm Hà với 1.004 giao dịch, huyện Đức Trọng với 930 giao dịch, huyện Di Linh với 863 giao dịch…
Nguồn cung khiêm tốn
Trái ngược với lượng giao dịch đất nền và nhà ở riêng lẻ nêu trên, nguồn cung các dự án nhà ở, khu dân cư, khu đô thị tại Lâm Đồng hiện khá khiêm tốn.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh có một dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời có hai dự án nhà ở được UBND tỉnh công nhận nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm đăng ký thực hiện dự án.
Như vậy, lũy kế tính đến quý 3/2022, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 28 dự án nhà ở, khu đô thị đã có nhà đầu tư, đang còn hiệu lực hoạt động; 2 dự án nhà ở đã được chấp thuận chủ trương và chưa được phê duyệt chấp thuận nhà đầu tư; 70 dự án du lịch - thương mại - dịch vụ có công trình là căn hộ, biệt thự du lịch.
Bước sang quý 4/2022, thị trường bất động sản tỉnh Lâm Đồng ghi nhận thêm một số dự án được cấp phép mới, trong đó có dự án khu đô thị mới Nam sông Đa Nhim quy mô gần 12.000 tỉ đồng, dự án khu dân cư phía đông thị trấn Đình Văn, huyện Lâm Hà quy mô hơn 820 tỉ đồng.
Vướng mắc trong việc lựa chọn nhà đầu tư
Giữa thời điểm nguồn cung các dự án bất động sản nhà ở đang ở mức khá khiêm tốn, việc cấp phép mới các dự án bất động sản tại Lâm Đồng hiện đang gặp phải vướng mắc.
Ngày 27/12/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng có văn bản đồng loạt gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường để kiến nghị có hướng dẫn triển khai thực hiện lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đất hỗn hợp.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện nay tỉnh Lâm Đồng đang thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án kinh doanh bất động sản (đầu tư xây dựng khu đô thị, khu dân cư, xây dựng nhà ở thương mại, … ) theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và các quy định của pháp luật có liên quan.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức kêu gọi, thu hút, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng đang gặp phải một số vấn đề vướng mắc.
Cụ thể, hiện có một số dự án đang lựa chọn nhà đầu tư thực hiện trên đất hỗn hợp bao gồm diện tích đất nông nghiệp của dân đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; một phần là diện tích đất công đang cho người dân thuê sản xuất nông nghiệp; một phần đất công do xã quản lý; một phần đất rừng sản xuất, …
Các loại đất này chiếm tỷ lệ nhỏ, phân bố rải rác (xôi đỗ, da beo) trên diện tích quy hoạch dự án, phần còn lại là đất phải thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Theo quy định của pháp luật, việc lựa chọn nhà đầu tư xây dựng nhà ở phải thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với trường hợp đất chưa được bồi thường, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp đất công, đất đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, việc tách thành các dự án độc lập theo hiện trạng sử dụng đất là không khả thi do diện tích đất phân bố rải rác.
Từ thực tiễn nêu trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị các Bộ ngành có liên quan có hướng dẫn cụ thể về hình thức lựa chọn nhà đầu tư để đảm bảo đúng quy định và tính khả thi khi thực hiện dự án.
Theo Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2022 – 2025, tỉnh Lâm Đồng sẽ triển khai 58 dự án nhà ở thương mại, khu dân cư, khu đô thị. Trong đó, tại thành phố Đà Lạt có 5 dự án với diện tích 602ha; thành phố Bảo Lộc có 15 dự án, với diện tích 381ha; huyện Lạc Dương có 4 dự án, với diện tích 99ha; huyện Di Linh có 1 dự án với diện tích 8ha; huyện Lâm Hà có 10 dự án với diện tích 134ha; huyện Đạ Tẻh có 4 dự án, với diện tích 71ha; huyện Đam Rông có 7 dự án, với diện tích 95ha; huyện Đức Trọng có 7 dự án, với diện tích 593ha; huyện Đạ Huoai có 2 dự án, với diện tích 40ha; huyện Đơn Dương có 1 dự án với diện tích 72ha; huyện Cát Tiên có 2 dự án, với diện tích 16ha. |
-
Novaland nói không liên quan sai phạm tại dự án Bộ Công an vừa có kết luận điều tra
Novaland cho hay ngay từ khi cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ các sai phạm của ông Nguyễn Cao Trí, doanh nghiệp đã tích cực hợp tác và cung cấp các tài liệu liên quan đến giao dịch dự án tại Lâm Đồng....
-
Sáp nhập nhiều đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 1245/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2023 – 2025. Theo đó, kể từ ngày 1/12/2024, tỉnh Lâm Đồng có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 08 ...
-
Bổ sung 3.761 tỉ đồng vốn cho dự án coa tốc Bảo Lộc – Liên Khương
Tỉnh ủy Lâm Đồng vừa ra Nghị quyết thống nhất điều chỉnh nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức đối tác công tư (giai đoạn 1). Trong đó, ngân sách địa phương sẽ cân đối bổ s...