14/11/2012 1:09 PM
Hàng loạt dự án nghĩa trang ở Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Bình Dương... ồ ạt xuất hiện. Nhu cầu không thiếu, nhưng việc tiếp thị đất nghĩa trang chẳng dễ dàng.

Đường vào Sơn Trang Tiên Cảnh

Bên bỏ, bên xây

Năm 2009, "phong trào" xin đất làm nghĩa trang rộ lên ở Long An. Nhiều nhà đầu tư, cả lớn lẫn nhỏ về địa phương này gom đất (thông qua việc làm thủ tục xin cấp dự án hoặc mua lại từ dân và xin các cơ quan quản lý cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất) để "xây nhà cho người khuất".

Tuy nhiên, doanh nghiệp phải chuẩn bị nguồn vốn khá lớn để đầu tư hạ tầng, nhưng do khó khăn trong thời gian qua, một số chủ đầu tư phải thoái lui.

Cụ thể, trong số dự án bị UBND tỉnh Long An ra quyết định thu hồi năm 2010 đã có hai dự án xin làm nghĩa trang, bao gồm: dự án 4ha tại huyện Tân Trụ do Công ty TNHH Thép Long An làm chủ đầu tư và dự án 5ha tại huyện Cần Giuộc của Công ty TNHH XD TM Khánh Phát, do chậm triển khai.

Các nghĩa trang do tư nhân đầu tư mọc lên nhiều nhưng đa phần có diện tích nhỏ, manh mún và thường là mục tiêu của không ít nhà đầu tư thứ cấp. Còn những "công viên nghĩa trang - CVNT" có quy mô lớn, nằm xa khu vực trung tâm và được những doanh nghiệp lớn đầu tư hiện đếm trên đầu ngón tay.

Theo đó, tại khu vực Đông Nam bộ hiện có 3 CVNT là Sơn Trang Tiên Cảnh, tọa lạc tại tỉnh Tây Ninh do Công ty TNHH Trí Phúc, Việt Nam và Tập đoàn Fairy Park (Malaysia) đầu tư với quy mô 60ha và tổng vốn gần 20 triệu USD; dự án An Viên Vĩnh Hằng (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), do Liên hiệp HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đồng Nai (DonaCo.op) đầu tư với diện tích trên 160ha, trong khi tại Bình Dương có Hoa Viên Nghĩa trang (tại huyện Bến Cát) có quy mô 200ha.

Với quyết định di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa (TP.HCM) và nhu cầu lớn, theo dự báo, đến năm 2020, nhu cầu làm đất nghĩa trang của vùng Đông Nam Bộ phải trên 900ha. Đó cũng là một trong những căn cứ để một số nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu là khu vực châu Á đến tìm hiểu và có ý định đầu tư vào hạng mục này. Vấn đề còn lại là tìm ra quỹ đất thích hợp.

Tiếp thị khó hơn nhà ở

Dù nhu cầu lớn nhưng việc tiếp thị CVNT không phải dễ dàng do khá... nhạy cảm (loại trừ trường hợp dân đầu tư và khách tự tìm đến). Hơn nữa, dù mô hình CVNT khá phổ biến ở phương Tây và kể cả một số nước trong khu vực như Singapore hay Malaysia, nhưng ở Việt Nam, người dân vẫn còn thói quen mua phần mộ tại đất chùa hay tại các nghĩa trang truyền thống.

Song, cũng phải nhìn nhận, trong hai năm gần đây, ngoài nhà đất dành cho người sống, đã có vài kênh tiếp thị chuyên phục vụ cho đất nghĩa trang.

Cụ thể, chỉ cần lên mạng gõ từ khóa "đất nghĩa trang", người xem có thể tìm hiểu giá, tiến độ thanh toán và loại sản phẩm (phần mộ VIP, phần mộ dành cho họ tộc - gia viên, đôi - song viên, đơn - nhất viên...) trên nhiều địa chỉ như: datnghiatrang, bandatnghiatrang...

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Kinh doanh DonaCo.op, nếu chỉ đơn thuần phát triển dự án nghĩa trang theo kiểu "phân lô” bán thì đầu tư sẽ không lớn, với mô hình CVNT thực sự, phần nặng nhất là đầu tư vào các công trình phụ trợ như: đền, đài, chi phí quản lý...

Chẳng hạn, với dự án An Viên Vĩnh Hằng, đây không chỉ là CVNT mà phía chủ đầu tư muốn lồng ghép yếu tố văn hóa cộng đồng vào. Theo đó, ngoài các khu huyệt mộ, An Viên Vĩnh Hằng còn có đền thờ liệt sĩ vùng Đông Nam Bộ, đền thờ các danh nhân...

Được biết, để thiết kế khu CVNT này, chủ đầu tư đã đi xem các mô hình NTCV ở Singapore, Malaysia và mời chuyên gia thiết kế, quy hoạch lẫn phong thủy từ Malaysia sang tư vấn.

Đồng thời, kết hợp với Trung tâm Gia phả Việt Nam để tìm hiểu về các họ tộc Việt Nam để tiếp cận và thiết kế các sản phẩm phù hợp với nét văn hóa đặc trưng của dòng tộc.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đã mời ca sĩ Hương Lan làm "Đại sứ thương hiệu" cho An Viên Vĩnh Hằng, thông qua đó, sản phẩm đến được đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài.

Theo bà Hương, giá mỗi huyệt mộ hiện dao động từ 20 triệu đồng trở lên tùy vào loại sản phẩm đơn, đôi hay khu dành cho họ tộc, đây được xem là mức giá "mềm" hơn một số khu nghĩa trang tư nhân truyền thống hiện ở mức từ 50 - 60 triệu đồng/huyệt mộ (đơn).

Hay như khu Sơn Trang Tiên Cảnh ở Tây Ninh (được đưa vào sử dụng năm 2011), hiện nghĩa trang này có chế độ nhượng đất "huyệt mộ sanh phần" và áp dụng hình thức trả góp trong vòng hai năm.

Những ai có nhu cầu mua sẽ được đưa đi tham quan dự án vào chủ nhật hàng tuần. Dù có thể sử dụng hình thức trả góp nhưng do giá trị chỉ vài chục triệu đồng nên đa số người mua chỉ thanh toán một lần và thông thường có nhu cầu mua theo dạng "khu dành cho họ tộc".

Hơn nữa, ưu điểm khiến các khu CVNT "vượt trội" là khách hàng sẽ được quyền sở hữu phần đất vĩnh viễn, thay vì 50 năm như những nghĩa trang truyền thống.

Theo Đỗ Hải (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.