“Việc phát triển du lịch rầm rộ ở ven biển miền Trung đang thu hẹp, thậm chí có thể xem là đã “đánh cắp” không gian chung của cộng đồng”. Đó là cảnh báo được đưa ra tại hội thảo Không gian công cộng ven biển miền Trung do Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn (VIAP - Bộ Xây dựng) tổ chức ngày 9-7 tại Đà Nẵng.
Hầu hết bờ biển bị chia lô
Theo KTS Hồ Duy Diệm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch
phát triển đô thị Đà Nẵng, các con đường ven biển miền Trung nhiều nơi
được mở rất rộng và sát mặt nước. Các con đường này không hề tạo ra
không gian công cộng cho du lịch biển, ngược lại còn phá vỡ cảnh quan
chung.
Dọc những con đường ven biển từ Đà Nẵng đến Mũi Né, hầu hết bờ biển đã bị chia lô, phân mảnh để xây khách sạn, resort, sân golf… Ở mỗi lô, chủ đầu tư “cát cứ” một vùng biển riêng. Du khách vào những nơi này như vào một thế giới biệt lập, thậm chí không được bơi qua phần biển… của khách sạn bên cạnh. Mặt khác, do tình trạng chia lô, phân mảnh nên địa phương rất khó tổ chức những khu xử lý nước thải, khu cấp nước sạch tập trung. Điều này khiến môi trường bị ảnh hưởng không ít.
Hầu hết bờ biển từ Đà Nẵng đến Mũi Né đều được phân lô để xây khách sạn, resort… làm mất không gian công cộng ven biển. Trong ảnh: Một resort ven biển Đà Nẵng. Ảnh: HTD
Ông Masafumi (Công ty Nikken Sekkei Civil
Engineering, Nhật Bản) cũng tỏ ý lo ngại trước tình trạng bùng nổ làn
sóng xây khách sạn, resort… trên con đường ven biển từ Đà Nẵng vào Hội
An. Điều đó khiến ông nhớ tới thời kỳ tăng trưởng kinh tế 1960-1980 ở
Nhật Bản cũng bùng nổ rất nhiều resort. Song do xây dựng quá mức lại
không có quy hoạch nên hậu quả là nhiều cơ sở kinh doanh bị phá sản,
môi trường bị hủy hoại…
Bãi biển là tài sản chung
Theo các đại biểu, khắc phục thực trạng kể trên là điều không đơn giản, thậm chí rất khó khả thi. Vấn đề là phải sớm có biện pháp gìn giữ những không gian công cộng còn lại. Với cái nhìn đó, ông Masafumi Tanaka cho rằng cần có quy chế xây dựng không gian phù hợp với các khu vực ven biển. Các công trình xây dựng phải được bố trí với mật độ thích hợp, kiến trúc hài hòa để tạo nên sự hấp dẫn cho tổng thể khu vực.
TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn đánh giá xu hướng phát triển
bám suốt chiều dài mặt tiền biển sẽ giúp các nhà đầu tư thu lợi nhuận
cao nhưng không đem lại nhiều lợi ích cho người dân địa phương. Ông Sơn
đề nghị trung bình từ 400 m đến tối đa 1.000 m bờ biển phải có một
tuyến đường công cộng hướng ra biển kết hợp với dải cây xanh. Ngoài ra,
bãi biển phải được xem như khu vực công cộng. Trong một số ngoại lệ,
các bãi biển tư nhân chỉ nên cho phép nằm ở vị trí tách biệt, xa khu
dân cư và trung tâm du lịch.
“Việc quy hoạch đường cao tốc gần sát biển là xu hướng phổ biến trong những năm 1970 tại nhiều nước phát triển. Gần đây, sai lầm này dần dần được các nước khắc phục với kinh phí lên tới nhiều tỉ đô la. Việc đảm bảo ít nhất trên 50% mặt tiền biển là khu vực bảo tồn thiên nhiên đang là một tiêu chí rất quan trọng tại các khu đô thị du lịch biển nổi tiếng trên thế giới. Tiêu chí này cần sớm được áp dụng ở Việt Nam” - ông Sơn nói.
Nhiều chủ đầu tư chạy theo kinh tế thị trường nên bỏ quên những khu sinh cảnh biển, phá hỏng nhiều gò cát, ghềnh đá hoang sơ, đánh mất những khu vực lý tưởng phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Trong khi chính những không gian này có sức hút lớn lao, có khả năng lôi kéo và phục vụ được nhiều người. KTS HỒ DUY DIỆM, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng |