Doanh nghiệp tha thiết được vay
Theo Thông tư 03, các NHTM chỉ được phép cho vay bằng ngoại tệ để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng có đủ nguồn thu ngoại tệ để trả nợ. Để xác định có đủ nguồn ngoại tệ, NHTM sẽ căn cứ trên hợp đồng xuất khẩu.
Tuy nhiên, sau đó NHNN đã có công văn hướng dẫn gia hạn cho vay ngoại tệ đến ngày 31-12-2012 đối với một số đối tượng như doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, người cư trú vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ, để đáp ứng các nhu cầu vốn trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.
Hiện nay nhiều NHTM đã đưa lãi suất cho vay tiền đồng xuống khá thấp, chỉ 10-11%/năm đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, thậm chí có NHTM chỉ còn 8-9%/năm. Như vậy, chênh lệch lãi suất giữa vay ngoại tệ (lãi suất 6,5-7%/năm) với vay tiền đồng không còn quá lớn. Nên các doanh nghiệp sẽ không còn quá cân nhắc khi so sánh với lãi suất ngoại tệ. Đặc biệt, khi vay nội tệ doanh nghiệp sẽ không còn lo ngại nếu tỷ giá tăng. TS. LÊ XUÂN NGHĨA, |
Do vậy, khi được NHTM giải ngân vốn vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho NHTM theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán pháp luật quy định là đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ.
Như vậy, chỉ còn chưa đến 1 tháng nữa, nhiều doanh nghiệp Việt Nam không còn cửa vay ngoại tệ bán lấy tiền đồng để sử dụng trong nước, điều này đồng nghĩa với việc không còn được tận dụng nguồn vốn vay giá rẻ bằng ngoại tệ như trước đây, mà phải quay lại vay vốn bằng nội tệ với lãi suất vay cao hơn.
Tuy nhiên, trong một số hội thảo gần đây, nhiều doanh nghiệp kiến nghị nên tiếp tục gia hạn việc cho vay ngoại tệ với doanh nghiệp sử dụng vốn ngoại tệ nhập hàng phục vụ xuất khẩu. Bởi thời điểm này doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn bủa vây, trong đó trở ngại lớn nhất vẫn là vốn và lãi suất NH.
Theo một lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay cạnh tranh rất khốc liệt trên thị trường quốc tế, nhất là với những doanh nghiệp FDI đang cùng hoạt động. Dù nhiều NHTM đã thực hiện áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi trong lĩnh vực xuất khẩu, nhưng khả năng tiếp cận vốn lãi suất 11%/năm của các doanh nghiệp vẫn rất khó khăn vì việc bảo lãnh vay là trở ngại lớn.
Vì thế, các doanh nghiệp vẫn tập trung tận dụng vay vốn giá rẻ bằng ngoại tệ vì lãi suất chỉ khoảng 6-7%/năm. Nếu tiếp tục được vay ngoại tệ là một trong những hỗ trợ rất cần thiết để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trong năm 2013 dự báo còn nhiều khó khăn.
Cũng theo một lãnh đạo doanh nghiệp, tỷ giá từ đầu năm đến nay khá ổn định, nên việc doanh nghiệp được tiếp tục vay vốn ngoại tệ sẽ không có nhiều rủi ro về tỷ giá, đặc biệt với doanh nghiệp xuất khẩu cần vay ngoại tệ để nhập nguyên liệu về sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Hơn nữa, cho vay ngoại tệ doanh nghiệp có thể tái tạo trong tương lai, giúp tăng sức cạnh tranh và giảm chi phí vốn.
Có thể đưa ra lộ trình đến 2015
Theo một phó tổng NHTMCP, thực tế hiện nay nhu cầu vay ngoại tệ của các doanh nghiệp còn rất lớn, ngoài nhu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu, nhu cầu của doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng cao, nhưng do thời gian qua điều kiện vay ngoại tệ khá chặt chẽ nên từ đầu năm đến nay tín dụng ngoại tệ cũng theo xu hướng giảm.
Đặc biệt, do NHNN áp trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ khá thấp, cộng tỷ giá ổn định nên lượng tiền gửi ngoại tệ giảm sút mạnh, các NHTM dù muốn cho vay ngoại tệ cũng phải hạn chế dựa vào cân đối nguồn vốn huy động có hạn.
Số liệu tại TPHCM mới đây cho thấy huy động và cho vay ngoại tệ tiếp tục giảm, đến cuối tháng 11 ước huy động vốn của các NHTM trên địa bàn TPHCM tăng 0,9% so với tháng trước.
Ảnh minh họa. |
Trong đó, vốn huy động của các NH bằng ngoại tệ chiếm 20%, giảm 8,9% so cùng kỳ; vốn huy động VNĐ chiếm 80% tổng vốn huy động, tăng 18% so cùng kỳ. Tổng dư nợ tín dụng ước tăng 0,7% so tháng trước, trong đó dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ chiếm 25,1% tổng dư nợ, giảm 6,5% so cùng kỳ; dư nợ tín dụng bằng VNĐ chiếm 74,9% tổng dư nợ, tăng 14% so cùng kỳ.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nên tiến tới chấm dứt gửi và cho vay ngoại tệ trong năm 2015. Nhưng đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nếu không được mở tài khoản tiết kiệm ngoại tệ sẽ rất thiệt thòi; bởi khi nhận được ngoại tệ thanh toán, doanh nghiệp sẽ phải bán cho NH với giá rẻ, sau đó lại phải mua ngoại tệ với giá cao khi cần.
Vì vậy, trước mắt doanh nghiệp vẫn có thể được duy trì tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ, tiến tới tài khoản thanh toán này được loại bỏ, để khi ngoại tệ về sẽ phải sử dụng công cụ tỷ giá hối đoái chuyển đổi ngay lập tức.
Đồng tình quan điểm này, ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank, cho rằng tiến đến chấm dứt gửi và cho vay ngoại tệ là hướng tốt để chống hiện tượng đô la hóa, nhưng phải có lộ trình thực hiện trong vài năm.
Hiện nay người dân có thể giữ vàng hoặc USD và Nhà nước vẫn bảo hộ cho người dân được nắm giữ và gửi ngoại tệ, chỉ có điều khi NHNN “bít” đầu ra là tín dụng ngoại tệ, đầu vào huy động tự khắc các NHTM sẽ điều chỉnh dần.
Khi đó, người dân thấy giữ ngoại tệ không còn lợi sẽ chuyển vốn qua kênh đầu tư khác. Riêng với doanh nghiệp sẽ không còn cửa vay ngoại tệ, theo đó sẽ đưa ra tiêu chí điều kiện cho vay ngoại tệ khó hơn. Thí dụ, doanh nghiệp không thể vay ngoại tệ để thanh toán L/C nhập khẩu mà phải vay tiền đồng để mua ngoại tệ.
Hiện nay, theo Thông tư 03, nếu doanh nghiệp xuất khẩu vẫn muốn vay ngoại tệ giá rẻ, sẽ phải dồn mở tài khoản ngoại tệ ở NH để chứng minh ngoại tệ trả nợ, tránh chia nhỏ tài khoản nhiều NHTM, như vậy NHNN và các NHTM có thể quản lý, giám sát được tình trạng vay vốn ngoại tệ cũng như dòng quay vốn của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng muốn tiến đến chấm dứt gửi và cho vay ngoại tệ NHNN phải duy trì được chính sách tỷ giá hối đoái ổn định, lấy lại niềm tin của giá trị đồng nội tệ để người dân tin tưởng nắm giữ nội tệ thay vì ngoại tệ.