Hàng chục doanh nghiệp đầu tư vào KCN Cát Lái 2 mới đây đã phải gửi đơn kêu cứu lên lãnh đạo TPHCM về việc chủ đầu tư “bội tín”, chậm ký kết hợp đồng thuê đất chính thức và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp, khiến các doanh nghiệp này lâm vào cảnh nợ nần, hoạt động kinh doanh điêu đứng.
Hạ tầng KCN Cát Lái 2 nhếch nhác, chủ đầu tư thì chậm cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu khiến các doanh nghiệp đầu tư vào đây phải khốn khổ hơn chục năm qua. Ảnh: G.Miêu
Đem con bỏ chợ
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, dù họ đã đầu tư cả trăm tỷ đồng vào KCN Cát Lái 2 nhưng đã hơn 10 năm trôi qua họ vẫn phải hoạt động cầm chừng vì nhiều lý do khác nhau.
Ông Trương Quốc Tuấn – Giám đốc công ty CP máy công cụ và thiết bị T.A.T (trụ sở lô B6, KCN Cát Lái 2) cho biết, công ty của ông xây dựng nhà xưởng, rồi nhập máy móc hiện đại gần 3 triệu USD. Nhưng Công ty Công ích quận 2 lại giao thiếu khoảng 14.000m2 đất trong tổng số 24.000m2 theo Hợp đồng nguyên tắc góp vốn đã ký. Với diện tích như vây công ty không thể làm thành nơi sản xuất mà chỉ sử dụng làm nhà xưởng trưng bày hàng hóa, còn mặt bằng sản xuất thì phải đi thuê nơi khác.
Sự việc kéo dài đã gây ra thiệt hại lớn cho công ty, cụ thể: công ty mất thị phần, lãng phí cơ hội kinh doanh không thể tính bằng tiền trong hơn 10 năm qua; lãng phí trên 10 tỷ đồng máy móc thiết bị nhập về nhưng không có mặt bằng triển khai và phải duy trì trên 10 năm nay; lãng phí nguồn lực chuyên gia, chi phí lương để đào tạo nhân sự cho dự án nhưng không có đất triển khai… Thêm vào đó, phần diện tích đang sử dụng gần 10.000m2 lại không được cấp giấy tờ hợp pháp khiến cho doanh nghiệp không thể vay vốn kinh doanh.
Trường hợp của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Mộng Huyền – Giám đốc công ty TNHH SX & TM Thanh Danh (trụ sở lô F1, chuyên chuyên xuất khẩu nhựa) thì còn bi đát hơn khi đã đầu tư vào KCN Cát Lái 2 hơn 100 tỷ đồng nhưng hiện không thể hoạt động sản xuất, kinh doanh và dẫn đến nợ nần… vây quanh. Theo bà Huyền, dự án của bà không thể triển khai vì hạ tầng KCN không đạt tiêu chuẩn về môi trường để sản xuất hàng hóa theo yêu cầu của đối tác. Hiện nhà xưởng hơn 100 tỷ đồng của bà Huyền phải xẻ nhỏ cho thuê lại. Trong khi đó, bà vẫn phải đóng khoản lãi ngân hàng lên đến hơn 300 triệu đồng/tháng. Khu đất của bà cũng đã hơn 10 năm qua vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.
Chủ đầu tư bị tố qua cầu rút ván
Trong đơn kiến nghị gửi lên Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM và Thủ tướng, vấn đề bức xúc nhất của các doanh nghiệp thuê đất ở KCN Cát Lái 2 là về vấn đề chủ đầu tư trây ì trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dù họ là những người đi đầu trong việc góp vốn đầu tư phát triển dự án này. Cụ thể, vào năm 2001, Công ty Công ích quận 2 đã mời các doanh nghiệp cùng đơn vị này ký kết hợp đồng nguyên tắc góp vốn xây dựng KCN Cát Lái 2, với mức giá đất từ 180 – 250 ngàn đồng/m2, tùy vị trí. Dự kiến 4 tháng sau, 2 bên sẽ ký hợp đồng chính thức và các doanh nghiệp đã đặt cọc 5% cho Công ty Công ích quận 2. Đến tháng 1.2003 thì dự án KCN Cát Lái 2 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Sau đó, đến giữa tháng 6.2004, Công ty Công ích quận 2 lại thuyết phục các doanh nghiệp này chuyển từ hợp đồng góp vốn sang hợp đồng thuê đất, với mức giá mới cao hơn là 75 USD/m2. Bức xúc trước cách xử lý của chủ đầu tư, các doanh nghiệp đã khiếu nại Công ty Công ích quận 2 lên chính quyền các cấp đề nghị thực hiện theo hợp đồng nguyên tác đã ký kết. Đến giai đoạn năm 2008, hầu hết các doanh nghiệp đã được giao đất khi đồng ý ký hợp đồng thuê đất với Công ty Công ích quận 2 với giá mới. Các doanh nghiệp đã đầu tư, xây dựng nhà xưởng nhưng họ liên tiếp gặp khó khăn trong việc ký kết hợp đồng chính thức và bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì chủ đầu tư luôn tìm cách trì hoãn.
Các doanh nghiệp bức xúc cho rằng, giai đoạn Công ty Công ích quận 2 mời chọn họ tham gia góp vốn là để dùng các hợp đồng này chứng minh nguồn vốn ứng trước của nhà đầu tư trong hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xin thành lập KCN Cát Lái 2. Sau khi dự án được Thủ tướng phê duyệt thì sau đó Công ty Công ích quận 2… “bội tín” một cách phũ phàng, có động thái chuyển sang hợp đồng cho các doanh nghiệp thuê đất, tính giá thuê mới cao gấp nhiều lần giá đã thỏa thuận, lấy lý do là khó khăn do… lịch sử để lại.
Sự việc đã được khiếu nại lên các cấp, thậm chí khởi kiện Công ty Công ích quận 2 ra tòa từ năm 2008 nhưng đến nay mọi việc vẫn chưa được giải quyết. Tháng 8.2016, văn phòng UBND TP.HCM có thông báo khẩn truyền đạt nội dung kết luận, ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, trong đó có nội dung Công ty Công ích quận 2 làm việc ngay với các doanh nghiệp để xem xét từng trường hợp cụ thể, hoàn tất hợp đồng ngay sau khi có giá thuê đất tạm tính và phối hợp với các đơn vị liên quan cấp giấy chứng nhận cho doanh nghiệp ngay trong tháng 8.2016.
Cuối tháng 2.2017 vừa qua, Công ty Công ích quận 2 mời các doanh nghiệp họp, thông báo là dự kiến trong quý 3 này sẽ đàm phán với họ về việc chính thức ký kết hợp đồng thuê đất. Các doanh nghiệp đề nghị Công ty Công ích quận 2 đàm phán và hoàn tất việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ trong tháng 6.2017 này. Nhưng đến nay Công ty Công ích quận 2 vẫn chưa có động thái nào rõ ràng?
Giải thích về vấn đề này, tại buổi làm việc mới nhất giữa các doanh nghiệp và Công ty Công ích quận 2, đại diện của chủ đầu tư cho biết đơn giá cho thuê đất (phần cho thuê hạ tầng) KCN Cát Lái 2 đã được điều chỉnh và trình Hepza (ban quản lý các KCN).
Ngoài ra, chủ đầu tư cho biết đang kiến nghị UBND TP.HCM tháo gỡ vướng mắt cho công ty, điều chỉnh hình thức trả tiền thuê đất cho Nhà nước từ 1 lần trong khoảng thời gian nhất định sang hàng năm. Chủ đầu tư tiếp tục đưa ra lời hứa trong quý 3.2017 sẽ đàm phán, ký hợp đồng với doanh nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp đều cảm thấy “bất an” với lời hứa này của chủ đầu tư vì họ đã chờ đợi cả chục năm qua với không biết bao nhiêu lời hứa đã từng có lúc tưởng chắc như đinh đóng cột và rồi lại thất hứa với nhiều lý do lặp đi lặp lại.
G.Miêu - Ng.Duy (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.