Mới chỉ kiểm tra 19 dự án phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố Hà Nội và TPHCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hiện hàng loạt sai phạm.

Đáng lo ngại là có tới 70% số căn hộ, nhà ở được mua đi bán lại, trong khi mới chỉ có khoảng 20% số căn hộ, nhà ở được cấp giấy chứng nhận (GCN). Điều này tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp cao...

Chậm cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà: Nguy cơ tranh chấp cao

Người mua nhà tại khu đô thị Ciputra (Hà Nội) vẫn chưa được cấp GCN. Ảnh: Kỳ Anh


Gần 80% số căn nhà bị “treo” GCN


Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi Chính phủ về kết quả kiểm tra việc cấp GCN tại các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố Hà Nội và TPHCM cho thấy: Qua kiểm tra 19 dự án, mới chỉ có 2.052 trường hợp đã được cấp GCN và 2.850 trường hợp đang làm thủ tục trên tổng số 9.151 căn hộ (trong đó, chủ đầu tư đã bán và bàn giao 8.660 căn). Như vậy, số căn hộ có GCN hợp pháp chỉ chiếm hơn 20%, còn tới gần 80% chủ nhà ở thì cứ ở, nhưng giấy tờ thì vẫn “treo”.


Nguyên nhân của việc chậm trễ mỗi dự án một kiểu. Đơn cử, dự án nhà chung cư, tái định cư và trung tâm thương mại ở số 14, ngõ 376 đường Bưởi, phường Vĩnh Phúc, Ba Đình do Cty TNHH Hoà Bình làm chủ đầu tư chưa hề làm GCN cho người mua. Lý do là chủ đầu tư đã xây vượt diện tích 155m2 và cao thêm 3 tầng so với quy hoạch và giấy phép xây dựng. Mặc dù dự án này đã được UBND TP có văn bản chấp thuận về nguyên tắc đề xuất của Sở Xây dựng thành phố cho phép điều chỉnh, song đến nay vẫn chưa hoàn thành thủ tục. Vì vậy, dự án này dù hoàn thành từ năm 2007 và đã bán được 120/189 căn, nhưng đến nay Cty vẫn chưa nộp hồ sơ cấp GCN.


Dự án khu nhà ở Đại Mỗ thấp tầng, do TCty Thuỷ tinh và Gốm sứ xây dựng (Viglacera) làm chủ đầu tư đã phân chia diện tích lô sai quy hoạch. Dự án đã được phê duyệt và diện tích xây dựng không đúng theo giấy phép xây dựng đã được cấp, lại mua đi bán lại nhiều nên không thể hoàn tất thủ tục cấp GCN; hoặc dự án chung cư kết hợp văn phòng dịch vụ tại 101 Láng Hạ, do Cty CP xây dựng số 5 - SC5 đầu tư, bán xong nhà từ năm 2003 đến 2007, nhưng bị phát hiện chưa thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng và chưa nộp tiền sử dụng đất. Do đó, GCN của gần 200 căn hộ vẫn bị “ngâm”.

Nguy cơ tranh chấp cao

Một nguyên nhân chủ yếu gây tình trạng “treo” GCN nhà của người mua nhà ở các dự án là chủ đầu tư dự án mắc khá nhiều sai phạm về mặt thủ tục, dẫn đến “đầu không xuôi nên đuôi chẳng lọt...”. Cụ thể, dự án khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) tại quận Tây Hồ và huyện Từ Liêm do Cty TNHH phát triển đô thị Nam Thăng Long có 2 toà nhà chung cư của dự án được miễn nộp tiền sử dụng đất, nhưng chủ đầu tư vẫn phớt lờ, bán theo giá của các nhà chung cư không được miễn nộp tiền sử dụng đất. Theo đoàn kiểm tra, đây là một vi phạm quy định của pháp luật. Hay tại dự án toà nhà 198 Nguyễn Tuân, do Cty cổ phần lắp máy, điện nước làm chủ đầu tư, việc UBND TP.Hà Nội cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang xây dựng nhà hỗn hợp, chủ yếu để ở mà vẫn áp dụng hình thức thuê đất thời hạn 20 năm trả tiền thuê hằng năm, theo đoàn kiểm tra là không đúng quy định của pháp luật đất đai. Trong khi đó, chủ đầu tư đã bán toàn bộ các căn hộ theo giá trị trường.

Cũng theo thống kê sơ bộ của đoàn kiểm tra: Có đến 70% các căn hộ trong 19 dự án được kiểm tra là bị mua đi bán lại, giấy tờ rất tùy tiện và thiếu. Đây chính là một yếu tố để phát sinh rắc rối, tranh chấp về quyển sở hữu sẽ gia tăng sau này. Trong khi hiện tại, việc nhà đất tồn tại tình trạng bất hợp pháp, giấy tờ không rõ ràng đã làm nảy sinh bao tranh chấp rắc rối, thậm chí gây án mạng, làm mất trật tự xã hội. Vì vậy, việc nhanh chóng minh bạch giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu nhà là rất cần thiết để lập lại trật tự trong lĩnh vực quản lý BĐS.


Tại TPHCM, kiểm tra 10 dự án, chủ dự án mới nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho 2.140 căn hộ (chiếm 37,8% số căn hộ đã bán) và mới cấp cho 1.495 trường hợp. Tại Hà Nội, trong số 9 dự án được kiểm tra, chủ đầu tư đã bàn giao được giấy tờ cho 557 căn hộ (chiếm 26,4% số căn hộ đã bán) và nộp hồ sơ cho 710 trường hợp (chiếm 23,7%).

Theo Minh Vi (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.