GiadinhNet - Đâu đó, vẫn có vài khu vực ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, giá bất động sản vẫn đang được "thổi" lên.
Cũng không lạ vì đó là cách "kiếm cơm" của một bộ phận người. Nhưng, như nhiều người nói, cái "nóng" và những "cơn sóng" không đến từ nhu cầu thực mà đang đến từ bàn tay của "cò". Bởi, cứ nhìn thực tế giao dịch bất động sản thành công trong dân cư và tại các sàn giao dịch trong thời gian vừa qua ở cả hai miền Bắc - Nam sẽ rõ. Thậm chí, kể cả những dự án "đình đám" của các đại gia, áp dụng cách làm mới là bán trực tiếp đến tay người tiêu dùng không qua thứ cấp cũng đang có dấu hiệu kém thu hút. Đó đang là thực tế của thị trường này!

Đâu đó, đã có những vụ sang nhượng dự án. Đâu đó, đã có những vụ thoái vốn đầu tư ở các công trình từng được coi là có thể "hái ra tiền". Thực tế thị trường đã buộc các chủ đầu tư phải làm vậy. Họ không khó khăn để thấy rằng, sau chủ trương thắt chặt tiền tệ, kiểm soát dư nợ cho vay bất động sản được Ngân hàng Nhà nước thực hiện, lập tức, thị trường này đã bước vào giai đoạn trầm lắng thực sự. Ở miền Nam, đó là trận mưa lớn dội vào đám tro bếp chỉ còn hiu hắt vài tàn lửa nhỏ. Ở miền Bắc, dù có nhiều đặc trưng khác về nguồn tiền, đó vẫn là một thùng nước đá dội vào bếp lửa yếu ớt cuối ngày. Vì sao? Vì những "thanh củi nhà nước" đã được rút khỏi đáy nồi!

Ai cũng biết, hai mảng lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là đất nền dự án và chung cư lại từng là những thứ dễ bán, dễ mua, dễ đẩy giá và dễ... vay. Chủ đầu tư xin được dự án, bỏ tiền đền bù giải phóng xong, bắt tay vào xây dựng hạ tầng là đã có thể làm hồ sơ thế chấp tài sản đó cho ngân hàng để vay vốn. Trong thời gian đó, họ vẫn tiếp tục bán các nền đất, các căn hộ ra cho người mua với dạng hợp đồng góp vốn. Đến lượt những người dân mua đất nền, mua căn hộ với kiểu "hợp đồng góp vốn" này lại đem những thứ đó (tài sản hình thành trong tương lai) tiếp tục đi thế chấp cho ngân hàng và vay tiền để nộp hoặc sử dụng. Vô hình chung, một tài sản đã được thế chấp hai lần và ngân hàng cũng phải bơm tiền ra hai lần giá trị thực.

Một chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường bất động sản nói rằng, dù không phải tất cả song chuyện "thế chấp hai lần" này là một thực tế đáng báo động. Sự đảm bảo tài sản cho các khoản vay trong các ngân hàng, vì thế trở nên mong manh hơn bao giờ hết nếu xảy ra bất cứ một biến cố lớn nào với thị trường bất động sản. Đó thực sự là một "hiểm họa kép"!
Cafeland.vn - Theo Giadinh.net
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland