Cách đây 20 năm, ý tưởng về xây dựng một cây cầu thay phà Cát Lái nối quận 2 (nay là TP. Thủ Đức) với Nhơn Trạch đã xuất hiện. Không chỉ có ý nghĩa với 2 địa phương, nếu được xây dựng cầu Cát Lái sẽ tạo nên mạch giao thông xuyên suốt TP.HCM – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 các công trình xây dựng cầu thay thế phà Cát Lái.
Năm 2018, Đồng Nai và TP.HCM họp bàn về dự án xây cầu Cát Lái, hai bên đã thống nhất Đồng Nai sẽ là đơn vị chủ trì trong việc đầu tư, xây dựng cầu Cát Lái.
Theo phương án xây dựng mà tỉnh Đồng Nai đưa ra, cầu Cát Lái có chiều dài gần 3.800 m, phần cầu chính dài 650 m, kết cấu bằng dây văng hai trục tháp. Cầu có tĩnh thông thuyền 55 m, rộng gần 38 m, gồm 6 làn xe cơ giới và 3 làn xe thô sơ, lề bộ hành mỗi bên 1,5 m. Tổng mức đầu tư gần 7.200 tỉ đồng. Dự kiến khởi công vào năm 2020.
Năm 2019, Thủ tướng chấp thuận giao UBND tỉnh Đồng Nai chủ trì xây dựng cây cầu quan trọng này.
Đầu năm 2023, ông Nguyễn Bôn, Phó giám đốc Đồng Nai cho biết, nếu được TP.HCM thống nhất hướng tuyến, cầu Cát Lái có thể sẽ được khởi công vào đầu năm 2023.
Tuy nhiên, mới đây trong số 5 phương án xây dựng cầu Cát Lái mà đơn vị tư vấn đưa ra, Sở GTVT TP.HCM cho rằng, phương án xây cầu kết nối từ quận 7, vượt sông để qua Đồng Nai là hợp lý nhất, thay vì xây dựng ở khu vực gần cảng Cát Lái, TP Thủ Đức, như dự tính lúc trước.
Vì sao lại đi từ quận 7?
Theo phương án mới, dự án cầu Cát Lái dài 13,7 km, riêng phần cầu là 3,5 km. Công trình có điểm đầu trên đường trục Bắc - Nam TP HCM, đi về phía Đông vượt rạch Dĩa, cắt đường Nguyễn Lương Bằng và Huỳnh Tấn Phát, trùng tuyến Hoàng Quốc Việt. Cầu sau đó vượt sông Đồng Nai qua các xã Phú Hữu, Phú Đông huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), rồi nối vào cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Theo lý giải của Sở GTVT TP.HCM, phương án này hợp lý bởi sẽ ra tạo mạng lưới giao thông mới, thu hút xe từ trung tâm thành phố, biển Cần Giờ thông qua tuyến Metro Số 4 và các đường lớn như Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Lương Bằng qua huyện Nhơn Trạch, sân bay Long Thành (Đồng Nai) và ngược lại.
Một số ý kiến đồng tình phương án này cũng cho rằng, dù phương án mới kinh phí xây dựng cầu sẽ cao hơn nhưng bù lại dự án sẽ triển khai nhanh vì dễ giải phóng mặt bằng bởi dự án đi qua nhiều khu đất trống.
Một góc đô thị Nhơn Trạch
Việc cầu Cát Lái có thể thay đổi phương án xây dựng đang thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân. Bên cạnh nhiều ý kiến đồng thuận, một số cho rằng phương án mới chưa thật sự phù hợp.
Ông Tuấn, một người dân ở Nhơn Trạch cho biết, ông không quan trọng lắm về vị trí xây dựng của cầu Cát Lái nằm ở Thủ Đức hay quận 7 vì mỗi phương án đều có cái được cái mất. Điều ông mong mỏi nhất là dự án sớm được xây dựng và hoàn thành bởi người dân đã chờ đợi cây cầu này quá lâu.
Trong khi đó, anh Thanh (ngụ Thủ Đức) lại cho rằng, tốt nhất cầu Cát Lái nên xây dựng theo phương án cũ, còn sau này có điều kiện sẽ xây dựng thêm một cây cầu khác nối từ quận 7.
Theo anh Thanh, hiện tại khu vực Nam Sài Gòn để kết nối vào trung tâm TP.HCM đã rất khổ sở vì chỉ có vài tuyến đường huyết mạch như Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Hữu Thọ… vào giờ cao điểm thường kẹt xe. Nếu bây giờ đón thêm lưu lượng từ trung tâm ra Nhơn Trạch và ngược lại sẽ quá tải.
Trong khi đó, để kết nối với Nhà Bè, Cần Giờ hay cả khu vực miền Tây thì hiện nay đã có tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành sắp hoàn thành, trong thời gian tới còn có tuyến đường Vành đai 3 được xây dựng.
Chị Yến có nhà ở Nhơn Trạch nhưng hàng ngày vẫn di chuyển vào TP.HCM để làm việc cho biết, không riêng mình chị mà hiện nay rất nhiều người sống ở Nhơn Trạch nhưng làm việc ở TP.HCM và ngược lại. Do đó, cầu Cát Lái nếu được xây dựng ở vị trí cũ sẽ thuận tiện hơn rất nhiều so với việc phải chạy vòng qua quận 7 để vào trung tâm TP.HCM làm việc.
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, giao thông gồm hai loại giao thông đối nội và đối ngoại. Giao thông đối nối là phục vụ các trục và tuyến trong một đô thị, giao thông đối ngoại là thực hiện nhiệm vụ liên kết vùng.
Với Thủ Đức hay quận 7 thì mỗi khu vực đều có một nhiệm vụ riêng. Chẳng hạn, nếu xây dựng từ phía quận 7 thì là giao thông đối ngoại bởi lưu lượng từ các tỉnh miền Tây sẽ qua thẳng Nhơn Trạch mà không phải đi vòng vào TP. Thủ Đức để đi ra.
Tuy nhiên, ông Khương cũng cho rằng, cầu Cát Lái dù làm ở Thủ Đức hay quận 7 thì đều là “điểm cộng” cho TP.HCM giúp giảm tải lưu lượng hành khách, hàng hoá cho các tuyến giao thông hiện hữu.
Điều quan trọng là cần phải tính toán lại bài toán ngân sách, quy hoạch và mức độ ưu tiên giữa hai khu vực này để quyết định đầu tư phù hợp.
Bất động sản Nhơn Trạch phập phồng
Chỉ cách TP.HCM một con sông, Nhơn Trạch từ lâu đã là một thị trường bất động sản giàu tiềm năng. Thậm chí, nếu cầu Cát Lái được xây dựng, từ Nhơn Trạch vào trung tâm TP.HCM còn gần hơn so với nhiều quận, huyện khác của thành phố.
Thế nhưng hơn 20 năm qua, cùng với sự lận đận của cây cầu Cát Lái, bất động sản Nhơn Trạch cũng trải qua nhiều chu kì sóng gió.
Từ năm 1996, Nhơn Trạch được phê duyệt lên thành phố mới. Theo quy hoạch lúc đó, dân số dự kiến năm 2005 của Nhơn Trạch là 100.000 người (diện tích 2.000 ha) và đến năm 2020 khoảng 500.000 người (khoảng 8.000 ha) với các khu chức năng như công nghiệp, dân dụng, đô thị...
Chính quyền địa phương, nhà đầu tư và người dân đều kỳ vọng Nhơn Trạch sẽ có những chuyển biên tích cực nhanh chóng thành một đô thị sầm uất.
Tuy nhiên, kỳ vọng đó đã không xảy ra. Đến nay, Nhơn Trạch vẫn được nhắc đến như “thành phố ma” bởi sự thưa vắng người về ở cũng như tàn tích của hàng trăm dự án bất động sản dở dang suốt một thời sốt nóng bất thường.
Đô thị Nhơn Trạch phát triển chưa tương xứng có phần nguyên nhân từ việc cầu Cát Lái chậm trễ xây dựng
Cầu Cát Lái dù chưa được xây dựng, nhưng những thông tin về dự án này luôn gắn với “nhịp thở” của bất động sản Nhơn Trạch. Giá đất ở khu vực này vẫn thường xuyên “nhảy múa” mỗi khi có thông tin về cầu Cát Lái.
Theo Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, trong thời gian qua giá đất tại nhiều khu vực đã tăng quá cao sau tác động bởi các dự án hạ tầng như sân bay Long Thành, cao tốc Bến Lức – Long Thành và mới đây là đường Vành đai 3.
Do đó, những thông tin về dự án quan trọng như cầu Cát Lái cần hết sức thận trọng để tránh gây sốt đất ảo.
Theo ông Khương, trên đây chỉ là phương án đề xuất và nếu được chấp thuận cũng cần thời gian dài để xây dựng hoàn thành. Do đó, nếu đầu tư bất động sản cần có tầm nhìn dài hạn và lựa chọn đúng vị trí.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, để hình thành nên một khu đô thị, bên cạnh cơ sở hạ tầng giao thông cần xây dựng được hạ tầng xã hội và hạ tầng kinh tế. Cụ thể, hạ tầng xã hội là trường học, chợ, bệnh viện, trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí; còn hạ tầng kinh tế là nơi để giao dịch thông thương, kinh doanh mua bán…phải hội tụ được hai yếu tố này thì mới kéo người dân về sinh sống, làm ăn.
-
Xây cầu Cát Lái kết nối TP.HCM – Đồng Nai: Phương án nào tối ưu nhất?
Sở GTVT TPHCM bổ sung thêm 2 phương án xây cầu thay phà Cát Lái nối TP.HCM với Đồng Nai. Trong đó phương án điểm đầu nằm trên đường trục Bắc – Nam được được nhận xét có tính khả thi cao.
-
Hàng trăm km đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM sẽ có "bước ngoặt" mới
Hà Nội và TP.HCM đang khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị.
-
Cầu cửa ngõ phía Tây TP.HCM chính thức thông xe
Ngày 21/1, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông) tổ chức lễ thông xe cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân, TP.HCM). Đây là cây cầu quan trọng, kết nối giao thông ở QL1A vào trung tâm TP....
-
Hôm nay (21/1), tuyến metro hơn 43.700 tỷ đồng sẽ chính thức thu phí
Sau 1 tháng chạy thử nghiệm và miễn phí, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức thu phí từ ngày 21/1. Việc thu phí được kỳ vọng sẽ giúp tuyến metro duy trì hoạt động bền vững và đảm bảo nguồn kinh phí đầu tư, bảo trì....