CafeLand - 2018 được xem là năm của cải cách điều kiện kinh doanh. Ngay từ đầu năm, chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh đã được Chính phủ chỉ đạo trong các Nghị quyết 01, Nghị quyết 19 và đã được các Bộ đồng loạt lập phương án thực hiện. Tuy nhiên, kết quả đợt rà soát điều kiện kinh doanh vẫn còn nhiều điều chưa như kỳ vọng.

Nhiều băn khoăn

Theo báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2018 của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI, đến hết tháng 11/2018 đã có 25 nghị định về sửa đổi, cắt giảm điều kiện kinh doanh được ban hành, sửa đổi cho 80 nghị định, trải rộng trên 15 lĩnh vực của 15 bộ, ngành, ngoại trừ BộCông an không có đề xuất sửa đổi.

Mặc dù vẫn còn những câu hỏi đầy hoài nghi, rằng việc cắt giảm điều kiện kinh doanh đã đạt được mục tiêu?, rằng liệu việc cắt giảm đó có phải là thực chất? song vẫn không thể phủ nhận 2018 là một năm hừng hực khí thế cải cách nhờ “sức nóng” từ chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ và áp lực từ ý kiến phản hồi của cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy vậy, còn nhiều vấn đề băn khoăn trong chiến dịch này, từ cách thức đến kết quả rà soát điều kiện kinh doanh.

Cụ thể, về tiêu chí rà soát, theo quy định của Luật Đầu tư, điều kiện kinh doanh được ban hành vì “lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”– có nghĩa các quy định về điều kiện kinh doanh nhằm hướng tới bảo đảm các trật tự công mà những hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong một số ngành, nghề có thể tác động tới nếu không bị kiểm soát. Đây được xem là tiêu chí cốt lõi để xem xét, đánh giá về các điều kiện kinh doanh.

Tuy nhiên, trong quá trình rà soát, khi giải trình các lý do cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong phương án, dường như các bộ đang “bỏ quên” các tiêu chí này. Điều này dẫn tới tình trạng nhiều nghị định khi hiện thực hóa các phương án không đụng chạm được tới vấn đề cốt lõi, do đó việc cải cách chỉ ở bề mặt (ví dụ sửa sang lại câu chữ, các yêu cầu cho rõ ràng hơn) mà chưa xử lý được bất cập cơ bản (ví dụ bỏ hẳn điều kiện, yêu cầu nào đó).

Có tình trạng "bỏ cũ thêm mới" trong quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh.

Về quá trình rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh tại các bộ thời gian qua thường được chia thành hai giai đoạn. Một là xây dựng và phê duyệt phương án. Hai là xây dựng và ban hành nghị định.

Giai đoạn xây dựng và phê duyệt phương án, hầu như là hoạt động nội bộ của các cơ quan rà soát. Mặc dù đây là giai đoạn khởi đầu, cần rất nhiều nguồn đầu vào từ thực tiễn doanh nghiệp (đặc biệt là về các vướng mắc, bất cập), quy trình này lại không có bất kỳ quy định nào ràng buộc phải công khai, lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu sự tác động. Vì vậy, việc công khai lấy ý kiến hay không, tùy thuộc vào thiện chí của các cơ quan rà soát.

Theo VCCI, trên thực tế, trong giai đoạn rà soát, sự cởi mở của các cơ quan rà soát đối với cộng đồng là rất khác nhau. “Có những bộ rất thiện chí, công khai các phương án, phối hợp với đại diện của cộng đồng doanh nghiệp tổ chức lấy ý kiến doanh nghiệp và có những giải trình rất minh bạch về việc tiếp thu hay không tiếp thu các ý kiến góp ý. Nhưng có một số phương án rà soát rất khó để tiếp cận, hoặc chỉ được tiếp cận thông qua các kênh trung gian, ví dụ thông qua hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ”, báo cáo của VCCI cho biết.

Bên cạnh đó, phần lớn các nghị định về điều kiện kinh doanh trong đợt rà soát này đều được xây dựng theo trình tự thủ tục rút gọn với lý do thiếu thời gian để thực hiện theo quy trình đầy đủ. Theo quy trình rút gọn cơ quan chủ trì soạn thảo không bắt buộc phải lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động. Vì vậy, việc doanh nghiệp biết được nghị định cũng tùy thuộc vào sự thiện chí của cơ quan chủ trì soạn thảo. Nếu được lấy ý kiến thì thời gian cũng rất ngắn.

Do đó, trong số nhiều nghị định được xây dựng trong đợt rà soát năm 2018, chỉ một số nghị định được gửi lấy ý kiến doanh nghiệp qua VCCI, một số nghị định VCCI chỉ được biết thông tin thông qua các cuộc họp thẩm định.

“Việc rà soát, cắt giảm thiếu một sự tham vấn chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp. Không ít trường hợp, mặc dù nghị định mới được ban hành, nhiều điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa, nhưng vẫn tiếp tục có phản hồi từ doanh nghiệp về các vướng mắc cũ và mới trong quá trình thực hiện các nghị định này”, VCCI cho biết.

Có tình trạng “bỏ cũ thêm mới”

Một thực tế cần được ghi nhận là đợt rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh trong năm 2018 với hàng trăm điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, đơn giản hóa đã giúp môi trường kinh doanh trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực được cải thiện một bước. Điểm rất đáng ghi nhận ở đợt rà soát lần này là những chuyển động tích cực trong tư duy của các nhà hoạch định chính sách. Những điều kiện kinh doanh trước đây, tưởng khó bị xóa bỏ thì trong đợt rà soát vừa rồi cũng đã được cân nhắc, xem xét để điều chỉnh.

Tuy nhiên, kết quả đợt rà soát điều kiện kinh doanh vẫn còn nhiều điều chưa như kỳ vọng.

Theo nghị quyết của Chính phủ thì mục tiêu tối thiểu trong đợt rà soát điều kiện kinh doanh năm 2018 là phải cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% điều kiện kinh doanh.

Trong các báo cáo khi lập phương án, phần lớn các bộ đều đưa ra con số về tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa là trên 50%. Tuy nhiên, khi phân tích sâu vào từng phương án hay các quy định tại nghị định có thể thấy nhiều trường hợp cắt giảm chỉ mang tính hình thức, bảo đảm được yêu cầu về số lượng nhưng ít ý nghĩa thực tế.

Hoạt động rà soát, xây dựng và ban hành các nghị định về điều kiện kinh doanh năm 2018 chỉ tiến hành xem xét, sửa đổi các điều kiện kinh doanh bất hợp lý tồn tại trong các văn bản cấp nghị định. Vì vậy, những điều kiện kinh doanh, dù biết là chưa phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng vẫn không được rà soát bãi bỏ trong đợt này chỉ vì lý do quy định của văn bản cấp luật.

Ngoài ra, mặc dù không vướng văn bản cấp trên, và đã đạt chỉ tiêu cắt giảm ít nhất 50%, không ít các điều kiện kinh doanh bất hợp lý đang tồn tại, vì nhiều lý do, vẫn tiếp tục được giữ lại sau rà soát vừa qua. Điều này khiến cho hiệu quả thực chất của hoạt động rà soát bị ảnh hưởng đáng kể.

Cùng với đó còn có tình trạng “bỏ cũ thêm mới”, một số điều kiện kinh doanh được sửa đổi gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp hoặc có tình trạng bỏ giấy phép này nhưng lại “đẻ” thêm giấy phép khác, và việc ban hành các loại giấy phép mới cũng không được xem xét, tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo tiêu chí tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Ví dụ, điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng tại Nghị định 100/2018/NĐ-CP còn “khó” hơn so với quy định tại Nghị định 59/2015/NĐ-CP khi cá nhân nộp hồ sơ xin cấp chứng chỉ phải đảm bảo “đã làm giám sát trưởng hoặc chỉ huy trưởng công trình” thay vì “đã trực tiếp giám sát thi công” như trước đây.

Hoặc Nghị định 136/2018/NĐ-CP đã bổ sung điều kiện để cá nhân được hành nghề tư vấn xác định giá đất trong tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất so với Nghị định 44/2014/NĐ-CP, Nghị định 01/2017/NĐ-CP đó là phải có thêm “giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học bồi dưỡng về định giá đất theo chương trình bồi dưỡng về định giá đất do Bộtài nguyên và Môi trường ban hành”.

“Đây được xem là giấy phép mới so với trước đây và có thể gây tốn kém về chi phí và khó khăn cho đối tượng phải xin phép”, VCCI đánh giá.

VCCI kiến nghị, hoạt động rà soát các điều kiện kinh doanh nên được tiến hành thường xuyên, và trong quá trình rà sát cần tham vấn rộng rãi các đối tượng chịu sự tác động, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp.

Sử dụng tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư, các điều kiện kinh doanh chỉ được ban hành vì “lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” khi tiến hành rà soát.

Hoạt động rà soát cần mở rộng phạm vi, không chỉ giới hạn ở cấp nghị định mà nên mở rộng ra cả cấp luật và kiến nghị sửa luật, VCCI đề xuất.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.