23/09/2013 4:08 PM
Tuần qua, Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) TPHCM đã đề xuất việc cấp thẳng sổ hồng cho người dân tại các dự án phát triển nhà ở thay vì thông qua chủ đầu tư và đã được UBND TP đồng ý. Những dự án nào đảm bảo điều kiện để “cấp tắt” như trên? ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở TN-MT TP về những vấn đề liên quan.

Phóng viên: - Thưa ông, thời gian qua lãnh đạo TP chỉ đạo rất quyết liệt công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhà ở và tài sản trên đất (GCN) cho người dân. Và bắt buộc đến ngày 30-9 phải hoàn thành, đến nay kết quả như thế nào?

Ông NGUYỄN HOÀI NAM: - Năm 2012 các quận, huyện đã cấp được 83.272 GCN, năm 2013 số lượng dự kiến cần phải cấp là 94.410 GCN, từ đầu năm đến nay đã cấp được 58.936 trường hợp, như vậy từ nay đến cuối năm cần phải cấp GCN cho 35.474 trường hợp.

Tổng số GCN đã cấp đối với đất ở cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn TP từ khi thực hiện Luật Đất đai năm 2003 đến nay là 1.284.617 trên đổng số 1.453.810 nhà, đất, đạt tỷ lệ 88,3%. Như vậy, so với yêu cầu của Chính phủ đến 30-9-2013 các địa phương phải hoàn thành cấp GCN đạt tỷ lệ 80% thì TP đã đạt yêu cầu.

Tuy nhiên, chúng tôi không dừng lại ở đó mà tiếp tục tháo gỡ khó khăn để cấp tiếp cho người dân. Sở TN-MT cũng đã báo cáo, đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc để từ nay đến cuối năm hoàn thành xong việc cấp GCN cho những trường hợp còn lại.

Theo đó, trong những dự án nhà ở chủ đầu tư sai phạm sẽ xem xét cấp ngay sổ hồng cho người mua nhà, xử lý chủ đầu tư sau. Một trong những vướng mắc lớn nhất của công tác cấp GCN là chính sách về tiền sử dụng đất. Theo quy định, khi làm nghĩa vụ tài chính để cấp GCN, người dân phải đóng tiền sử dụng đất theo bảng giá đất của UBND TP ban hành hàng năm.

Tuy nhiên, do tiền sử dụng đất quá cao nên người dân không có khả năng đóng, do đó cũng không có nhu cầu được cấp giấy dù được ghi nợ tiền sử dụng đất.

Một dự án nhà ở tại quận 7. Ảnh: Trà Giang

- Còn việc “cấp thẳng” GCN cho khách hàng tại các dự án nhà ở không thông qua chủ đầu tư như Sở TN-MT đề xuất với UBND TP sẽ được thực hiện như thế nào?

- Việc cấp GCN cho người dân tại các dự án nhà ở cũng gặp không ít khó khăn do nhiều nguyên nhân. Có dự án người dân đã nộp đủ tiền cho chủ đầu tư, nhận nhà ở cả chục năm nhưng vẫn chưa được chủ đầu tư làm sổ như cam kết trước đó.

Để giải quyết tình trạng này, sau khi UBND TPHCM đồng ý với đề xuất nói trên, sắp tới chúng tôi sẽ cùng với quận, huyện cùng các sở, ngành liên quan rà soát những dự án nào người dân đã đóng đủ tiền, chủ đầu tư đã thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, không có vướng mắc với bên thứ ba, thí dụ sổ đỏ thế chấp ngân hàng… thì chúng tôi sẽ tiến hành cấp trực tiếp cho người mua.

Còn những sai phạm nếu có như hạ tầng chưa hoàn chỉnh, xây dựng sai phép… chúng tôi sẽ xử lý sau. Như vậy không phải dự án nào cũng có thể cấp trực tiếp cho dân mà phải rà soát hết sức rõ ràng. Đối với những trường hợp chủ đầu tư đã thu tiền đủ của khách hàng mà vẫn lấy sổ đỏ đi thế chấp, tôi cho rằng đấy là hành vi lừa đảo. Chúng tôi kiến nghị UBND TP và các ngành liên quan kiên quyết xử lý.

- Tình trạng người dân không muốn làm GCN cũng như không đến nhận GCN sau khi đã làm xong hiện nay như thế nào?

- Trước đây có tình trạng này ở một số quận, huyện do tiền sử dụng đất quá cao. Vừa qua UBND TP đã điều chỉnh “hệ số K” giúp tiền sử dụng đất khi làm GCN giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên theo quan điểm của tôi, Nhà nước nên miễn tiền sử dụng đất cho những nhà ở tạo lập lần đầu tiên mà thay vào đó thu hàng năm sẽ nhẹ cho dân hơn.

Nghĩa là thay vì thu tiền sử dụng đất, chỉ nên thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Nhà nước sẽ thu đều hàng năm (thay vì thu tiền sử dụng đất một lần như hiện nay), phần vượt hạn mức sẽ thu cao hơn. Cách thu hàng năm này cũng giảm bớt gánh nặng về tài chính cho dân. Việc cho người dân ghi nợ trong 5 năm, sau đó dân phải nộp theo mức giá tại thời điểm đóng tiền cũng cần phải xem lại.

Có những trường hợp người dân chỉ nợ số tiền rất ít so với tổng giá trị toàn bộ căn nhà nhưng vì khoản tiền nợ này mà họ bị “nhốt” luôn cả phần tài sản lớn vì không giao dịch được. Phần tài sản này sau nhiều năm bị “giam” cũng không được tính lãi suất trong khi hết thời gian ghi nợ, dân phải đóng cao hơn.

Như vậy là không sòng phẳng với dân, cần phải xem lại những bất cập này. Vừa qua trong buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM chúng tôi cũng đã nêu những bất hợp lý và kiến nghị cơ quan làm luật sớm có những thay đổi.

- Xin cám ơn ông.

Đỗ Trà Giang (Sài Gòn đầu tư tài chính)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.