Dự án Khu đô thị Văn Khê, quận Hà Đông đang được khẩn trương xây dựng Ảnh: L.T
Hà Đông là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh của Hà Nội. Để phục vụ cho các
dự án phát triển hạ tầng đô thị, thành phố đã phải thu hồi hàng nghìn hécta đất
nông nghiệp, trong đó có một số dự án phải thu hồi đất nông nghiệp lớn như các
khu đô thị Dương Nội, An Hưng, đường Lê Trọng Tấn, đường Lê Văn Lương kéo dài,
Trường Phổ thông quốc tế Việt Nam, Bệnh viện quốc tế Hà Đông, Trường Đại học
Hữu nghị, Trường Đại học Thành Tây… Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND
quận Hà Đông cho biết, tổng diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi để thực hiện
các dự án trên địa bàn là hơn 1.600ha. UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã có quyết định
thu hồi, giao đất dịch vụ cho người dân ở 13 phường, với khoảng 224ha. Đến nay,
việc GPMB các khu đất dịch vụ đã cơ bản xong ở 12/13 phường. Hầu hết các khu
đất này đều đã, đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Quận Hà Đông
đã phê duyệt đối tượng giao đất với 15.433 trường hợp, trong đó nhiều nhất là
các phường Đồng Mai 4.259 trường hợp, Yên Nghĩa 3.063, La Khê 2.102 và Dương
Nội 1.683 trường hợp… Vừa qua, một số hộ dân phường Dương Nội có khiếu kiện đến
cơ quan chức năng về cơ chế, chính sách GPMB, việc chậm giao đất dịch vụ. Thực
hiện chỉ đạo của thành phố, quận Hà Đông và các phường đang đẩy nhanh tiến độ
nhằm sớm bàn giao đất. Ông Trịnh Như Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Dương Nội cho
biết, trên địa bàn phường có 5 khu dự án đất dịch vụ, với tổng diện tích 44,1ha,
gồm 4.023 thửa đất. Thời gian qua, phường đã thành lập Hội đồng xét duyệt hồ sơ
xin giao đất dịch vụ và xây dựng đề án tiêu chí xét giao đất. Đến nay, quận Hà
Đông đã xét được 16 đợt, với hơn 3.075 hồ sơ xin giao đất dịch vụ, trong đó có
3.020 hồ sơ đủ điều kiện giao đất, còn 1.003 hộ chưa làm hồ sơ.
Vận dụng cơ chế linh hoạt
Thực tế làm quy hoạch và đầu tư hạ tầng các khu đất dịch vụ tại Hà Đông cho
thấy, UBND quận và ngành chức năng đã tập trung triển khai sớm nhằm tạo điều
kiện cho người dân được giao đất, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, quá trình thực
hiện đã bộc lộ nhiều bất cập cần sớm được tháo gỡ.
Theo ông Phạm Khắc Tuấn, Chủ tịch UBND quận Hà Đông, sau khi nhận được kiến
nghị của người dân, Hội đồng Bồi thường - Hỗ trợ - Tái định cư quận đã họp kiểm
điểm trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn về những thiếu sót trong quá trình
thực hiện bồi thường, hỗ trợ. Song việc hỗ trợ bằng giao đất dịch vụ khi Nhà
nước thu hồi đất nông nghiệp là chính sách mới, mang tính đặc thù, đến nay
Chính phủ vẫn chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể làm cơ sở cho các địa phương
thực hiện. Tại một số phường có dự án bị thu hồi đất thành nhiều giai đoạn, cơ
chế, chính sách lại thay đổi khiến quyền lợi người dân bị ảnh hưởng, như dự án
Cụm công nghiệp Yên Nghĩa - phường Yên Nghĩa… Quận đã báo cáo thành phố cho
phép vận dụng linh hoạt cơ chế giao đất theo nguyên tắc căn cứ vào khả năng quỹ
đất dịch vụ ở mỗi phường để xác định tỷ lệ giao đất chung. Trường hợp trong hộ
gia đình sản xuất nông nghiệp có nhiều cặp vợ chồng mà chưa chia lại đất nông
nghiệp, chưa tách sổ hộ khẩu, nếu diện tích đất dịch vụ được giao lớn hơn 50m2
thì yêu cầu gia đình thống nhất cử người đại diện đứng tên nhận đất nhằm bảo
đảm quyền lợi của các hộ dân, bảo đảm tính công bằng và phù hợp với quy hoạch.
Thống nhất xét giao đất dịch vụ cho cả các đối tượng bị thu hồi dưới 30% diện
tích đất nông nghiệp được giao. Trường hợp hộ có diện tích đất bị thu hồi nhỏ
sau khi nhân với tỷ lệ giao đất, nếu diện tích được giao không đủ 1 lô 50m2,
phải có đơn xin ghép với hộ khác để bảo đảm đủ diện tích 1 lô theo quy hoạch
với hình thức giao đồng sử dụng. Nếu không tự nguyện ghép, UBND phường sẽ ghép
lô cho phù hợp với quy hoạch. Với dự án Cụm công nghiệp Yên Nghĩa, với việc thu
hồi đất thành nhiều giai đoạn, cho phép được hưởng chính sách đất dịch vụ với
toàn bộ dự án…
Ngoài ra, còn một vướng mắc đang xảy ra ở hầu hết các phường. Đó là tình trạng
các hộ tự ý chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, đang tranh chấp về quyền lợi
đất dịch vụ và tiền đền bù hỗ trợ GPMB. Thậm chí, nhiều trường hợp khi chưa có
quyết định giao đất đã chuyển nhượng trái phép, nay xảy ra khiếu kiện, gây khó
khăn cho chính quyền địa phương. Với những trường hợp này, vì là giao dịch dân
sự nên phường đã hướng dẫn các hộ nhờ tòa án phân xử. Nhằm đẩy nhanh tiến độ giao
đất, các phường đã kiến nghị Phòng Tài nguyên và Môi trường quận sớm rà soát hồ
sơ đất dịch vụ để trình Hội đồng xét duyệt nhà ở - đất ở quận xét duyệt. Ban
Quản lý đầu tư và xây dựng quận cần đẩy nhanh đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu đất
dịch vụ đã được bàn giao...