24/04/2017 4:44 PM
Theo ông Nguyễn Văn Đực, các chính sách đưa ra mà không có sự kiểm soát chặt chẽ sẽ bị trục lợi.
Nguy cơ bị trục lợi
Dự thảo Quyết định về cơ chế cấp bù chênh lệch lãi suất do thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến.
Hoan nghênh dự thảo này, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho biết, các đối tượng áp dụng cơ chế này gồm chủ đầu tư vay xây nhà ở xã hội, người vay thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội, vay sửa chữa nhà tại Ngân hàng Chính sách Xã hội (hoặc ngân hàng được chỉ định) theo Nghị định 100/2015 sẽ được hưởng lợi.
Người nghèo vẫn chưa với tay được tới nhà ở xã hội
"Sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, Nhà nước chưa đưa ra gói hỗ trợ nào mới. Vì thế, chính sách này là cách để Nhà nước hỗ trợ cho các nhà đầu tư xây nhà giá rẻ và nhà cho thuê, cũng như cho người nghèo, công nhân viên chức.
Nếu không được hỗ trợ, những người có nhu cầu nhà ở thực sự không có điều kiện mua nhà ở xã hội vì lãi suất cao quá. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cũng không thể xây được nhà giá rẻ, nhà cho thuê vì nếu đi vay với lãi suất mười mấy phần trăm mỗi năm thì họ lỗ nặng.Có sự bù đắp này mới có thể phát triển được nhà giá rẻ và nhà cho thuê", ông Đực nói.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, cần có cơ chế để đảm bảo doanh nghiệp khi được vay ngân hàng lãi suất thấp sẽ bán nhà giá thấp bởi tất cả những gì đưa ra mà không có sự kiểm soát chặt chẽ sẽ bị trục lợi.
Dẫn gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng làm ví dụ, theo ông Đực, Nhà nước nên tổng kết số tiền có về đúng địa chỉ hay không, bao nhiêu % là sai địa chỉ, bao nhiêu % bị trục lợi.
"Tôi nhớ lại câu chuyện bố của Tổng giám đốc một công ty địa ốc, dù đang ở biệt thự, cũng lọt vào danh sách mua nhà ở xã hội tại chính dự án mà con ông ta đang thực hiện. Nếu trường hợp đó lọt lưới sẽ là "con lạc đà chui qua lỗ kim", ông bố đó trục lợi tại chính dự án mà con ông ta đang đầu tư.
Từ đây có thể thấy, bao giờ chính sách ra cũng bị một số người gian trục lợi. Quy định phải chặt chẽ để tránh bị trục lợi từ phía doanh nghiệp và phía người mua nhà", ông Nguyễn Văn Đực lưu ý.
Vị chuyên gia bất động sản chỉ ra một thực tế: người nghèo không mua được nhà ở xã hội bởi giá nhà quá cao, 300-500 triệu đồng/căn. Bên cạnh đó, rất nhiều người nghèo không đủ 100-200 triệu đồng để mua nhà, họ chỉ đi thuê nhà và cần có chính sách hỗ trợ cho thuê nhà.
"Gói 30.000 tỷ đồng chỉ phục vụ cho giới trung lưu mà thôi, vì nhà tới 1 tỷ đồng, người nghèo không với tới được. Người nghèo chỉ có khả năng mua nhà 200-300 triệu đồng, trong khi đó gói 30.000 tỷ đồng chủ yếu là dưới 1 tỷ đồng, thậm chí nhiều căn trên 1 tỷ đồng nhưng chủ đầu tư và người mua nhà bắt tay nhau. Ví dụ, căn hộ trị giá 1,5 tỷ đồng nhưng họ bắt tay nhau làm hợp đồng 1 tỷ, còn 500 triệu hai bên thỏa thuận trả theo phương thức khác.
Bởi vậy, một lần nữa tôi khẳng định, gói 30.000 tỷ đồng đã thất bại vì triển khai quá chậm chạp, bị trục lợinhiều và chương trình này chỉ giúp cho người có thu nhập trung bình, trung bình khá trở lên. Người thu nhập dưới 10 triệu đồng không đụng được tới gói này, do đó nó cũng tạo thành bất công xã hội", Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành thẳng thắn.
Làm sao để người nghèo có nhà?
Ông Nguyễn Văn Đực cho rằng, nếu Nhà nước vẫn hỗ trợ những loại nhà trên dưới 1 tỷ đồng thì người nghèo sẽ không bao giờ được hưởng, không những thế còn tiếp tay cho các phần tử trục lợi.
Để nhà ở xã hội thực sự phục vụ nhu cầu của người dân, theo ông, phải thay đổi cách thức thực hiện. Theo đó, Nhà nước nên cho phép mở rộng mô hình nhà ở xã hội theo phương thức thương mại, gọi là nhà bình dân. Doanh nghiệp đầu tư được áp dụng chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc, diện tích căn hộ, chỗ để xe như nhà ở xã hội, được miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, khi đó giá bán sẽ bằng hoặc thấp hơn nhà ở xã hội.
Doanh nghiệp tự do bán, khách hàng mua không phải qua xét duyệt, cộng với gói hỗ trợ tài chính từ Nhà nước cho vay mua nhà lãi suất 6 – 8%/năm, người dân sẽ có nhiều cơ hội sở hữu nhà ở. Nhiều doanh nghiệp sẽ đua nhau tham gia, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật để giảm giá bán còn 10 – 13 triệu đồng/m2, diện tích 30m2/căn hộ, tổng giá bán khoảng 300 – 400 triệu đồng/căn.
Đặc biệt, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành chỉ rõ, nhà ở cho thuê là lối thoát duy nhất cho người nghèo thu nhập dưới 5-6 triệu đồng/tháng. Tại đô thị, nhu cầu nhà ở cho thuê rất lớn, tuy nhiên do bất cập về chính sách, thủ tục, quỹ đất và tài chính mà đến nay vẫn chưa doanh nghiệp nào dám tham gia vào thị trường tương đối béo bở này.
Ông Đực đề nghị Nhà nước cần ban hành chính sách, khung pháp lý về nhà ở cho thuê.
Cụ thể, có quy định về tiêu chuẩn thiết kế (20 – 30m2 là phù hợp với nhu cầu hiện nay), được tăng các chỉ tiêu quy hoạch như hệ số sử dụng đất, tầng cao, số dân cư… Ban hành quy chế, trách nhiệm của người ở thuê .
Có quỹ đất sạch, Nhà nước phải lập khu nhà cho thuê như khu nhà ở xã hội chừng 50 – 100ha, đầu tư hạ tầng kỹ thuật và xã hội, giao đất sạch cho doanh nghiệp thực hiện tại công trường mới có nhiều căn hộ cho thuê giá thấp.
Hỗ trợ doanh nghiệp về mặt tài chính như lãi suất thấp, thậm chí có thể đưa ra một gói hỗ trợ riêng cho nhà ở cho thuê giống như gói 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội.
Thành Luân (Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.