06/04/2016 7:58 AM
Cao tốc La Sơn - Túy Loan đoạn qua thành phố Đà Nẵng đi qua 2 xã Hòa Liên và Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) đã cơ bản hoàn thành phần giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho dự án. Tuy nhiên, đùng một cái, 13 hộ dân tộc thuộc hai thôn Tà Lang - Giàn Bí kiên quyết bám trụ, không chịu di dời bởi cách giải quyết tiền hậu bất nhất của chính quyền.
Nhà dân đã đập nhưng vẫn chưa có đất tái định cư. Ảnh: Nam Cường
Bắt nhận đất thay tiền
Nhà vợ chồng anh Nguyễn Văn Dũng, chị Trần Thị Phúc ở ngay đầu thôn Tà Lang, mặt bằng cao tốc La Sơn - Túy Loan đã ủi ngay tới mép hiên, anh chị vẫn kiên quyết không di dời. “Chúng tôi đã thống nhất mức giá đền bù cây trồng, đất rừng, đất ở và đồng ý di dời. Tuy nhiên, nhà nước yêu cầu chúng tôi nhận đất tái định cư thay vì nhận tiền là không được” - anh Dũng cho biết.
Vợ chồng này là 1 trong số 13 hộ dân đang được xã Hòa Bắc vận động nhận đất tái định cư (TĐC). Theo tìm hiểu, phương án đền bù của UBND TP Đà Nẵng cùng Bộ GTVT đưa ra cho các hộ dân thuộc dự án trên là đền bù hoa màu, đất ở, đất rừng… đối với các hộ dân thuộc diện giải tỏa. Ngoài ra, 2 phương án tái định cư cho dân là mỗi hộ người dân tộc Cơ Tu được nhận 140 triệu đồng hoặc 500m2 đất trong khu TĐC; hộ người Kinh nhận 100 triệu hoặc 300m2 đất TĐC. Với 2 phương án này, đa số người Kinh ở xã Hòa Liên và một số ở Hòa Bắc nhận đất TĐC. Riêng gần 40 hộ dân Cơ Tu ở 2 thông Tà Lang - Giàn Bí nhận tiền.
Theo anh Dũng, các hộ dân đã nhận tiền và bắt đầu di dời nhà cửa thì gần đây chính quyền yêu cầu các hộ còn lại (13 hộ) phải nhận đất TĐC. “Nhà tôi đã có đất của ông bà để lại cách đây nửa cây số, đủ để dựng nhà, làm vườn. Bây giờ tôi muốn nhận tiền, cộng thêm chỗ đền bù đất rừng, cây cối…, tổng cộng được khoảng 300 triệu mới đủ làm nhà. Nếu chỉ nhận đất, với số tiền hơn 150 triệu sao đủ làm nhà. Lại phải nợ nần, lấy gì mà sống?”. Tổng cộng cả nhà, đất rừng của vợ chồng anh Dũng khoảng hơn 800m2.
Tương tự, anh Đinh Văn Hưng (Tà Lang) cũng kiên quyết nhận số tiền 140 triệu, vì nhà anh đã có đất cha mẹ để lại. “Gần 30 hộ dân đã nhận 140 triệu rồi, sao giờ chính quyền lại đột ngột thay đổi. Sau này khi làm khu TĐC, ai đảm bảo những hộ dân đó không được vào ở?”. Tìm hiểu được biết, mỗi hộ dân giải tỏa, khi di dời được hỗ trợ 3 tháng thuê nhà (3 triệu/tháng). Tuy nhiên, anh Hưng thắc mắc: “Như nhà tui, đàn bò 3 con, lợn gà…, nếu đi thuê nhà ai cho đem theo. Với lại ở làng dân tộc này, có ai làm nhà cho thuê?”. Ông Đào Quang Thành, một hộ dân người Kinh ở thôn Tà Lang cho rằng, đáng lẽ nhà nước làm khu TĐC đàng hoàng, tính toán kỹ lưỡng trước khi đẩy dân đi thì không đến nỗi có chuyện này.
Muốn nhanh, đẩy dân vào thế kẹt!
Mặc dù 13 hộ dân kiên quyết bám trụ, không nhận đất, chỉ nhận tiền, song ý chính quyền đã quyết: 13 hộ dân vẫn lập làng văn hóa Cơ Tu. Ông Thái Văn Hoài Nam - Phó chủ tịch xã Hòa Bắc cho hay, cấp thành phố đã quyết định dẫu thế nào cũng phải vận động bằng được 13 hộ dân còn lại nhận đất thay vì nhận tiền. “13 hộ cũng phải lập làng” - ông Nam khẳng định.
Theo lãnh đạo xã, phương án ban đầu đưa ra là ai muốn nhận tiền hoặc nhận đất tùy thích, nhưng sau đó, thành phố quyết định phải lập làng. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó phòng đền bù số 2 (thuộc Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Đà Nẵng - đơn vị chịu trách nhiệm giải tỏa, đền bù dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan), vấn đề đau đầu của dự án hiện nay chính là 13 hộ dân không chịu nhận đất, chỉ thích nhận tiền. Ông Minh cho hay, chủ trương ban đầu của Bộ GTVT và thành phố Đà Nẵng là giải tỏa dân, TĐC phân tán để đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, khi quyết định lập làng tái định cư thì hàng chục hộ đã nhận tiền, nên giờ các hộ còn lại không chịu nhận đất cũng là điều dễ hiểu. Ông Minh thừa nhận, nói là cho dân nhận đất nhưng thực tế, khu TĐC hiện cũng mới chỉ nằm ngang phần quy hoạch, chọn địa điểm chưa có hình hài gì cả.
Dự án đầu tư xây dựng cao tốc La Sơn - Túy Loan qua hai tỉnh Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng, tổng giá trị hợp đồng dự án là 11.485 tỷ đồng, thực hiện trong thời gian 36 tháng. Theo ghi nhận của phóng viên, con đường ĐT 601 (đi từ Hòa Liên qua Hòa Bắc) bị xe công trường chở vật liệu xây dựng của các nhà thầu cày nát khiến cuộc sống người dân vô cùng khốn khổ. Chính quyền xã Hòa Bắc nhiều lần đề nghị nhà đầu tư có phương án giải quyết, tuy nhiên tình trạng vẫn không được khắc phục.
Nam Cường (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.