Theo TCty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) - chủ đầu tư dự án Cao tốc Bến Lức-Long Thành, dự án này đang gặp mối lo ngại trong công tác bố trí vốn cho giải phóng mặt bằng. Cụ thể, dù đã qua thời điểm Luật Đất đai mới có hiệu lực (ngày 1/7) nhưng vốn cho đền bù giải tỏa không được bố trí kịp, dự án vốn đã khó về vốn nay lại rơi vào tình trạng kéo dài vì vướng chính sách đền bù.
Thiếu 450 tỷ cho giải phóng mặt bằng
Ngay từ đầu năm 2014, mặc dù VEC cùng các Bộ ngành, địa phương liên quan (gồm TP HCM, Đồng Nai, Long An) đã hết sức cố gắng bố trí vốn để hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mới chỉ bố trí được vốn giải phóng mặt bằng cho 2 địa phương là TP HCM, Long An và một phần của Đồng Nai. Phần còn lại, cần khoảng 494 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng ở 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch nhưng hiện chủ đầu tư mới chuyển được cho 2 huyện 44 tỷ đồng. Số tiền còn thiếu khoảng 450 tỷ đồng, trong đó huyện Nhơn Trạch gần 290 tỷ đồng và huyện Long Thành hơn 147 tỷ đồng. Ngoài ra, các khoản chi khác như: hạ tầng tái định cư (khoảng 50 tỷ đồng), dự phòng (20 tỷ đồng), chủ đầu tư cũng chưa xác định cụ thể được thời gian bố trí vốn.
Hiện tại, công tác giải phóng mặt bằng cho dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành ở 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch đang bước vào đợt cuối phê duyệt hồ sơ thu hồi đất. UBND tỉnh đã phê duyệt trên 1000 hồ sơ, hiện chỉ còn hơn 160 hồ sơ sẽ được hoàn tất và phê duyệt xong trong tháng 9 này. Điều băn khoăn nhất hiện nay là nguồn tiền để chi trả bồi thường, vì nếu chủ đầu tư không bố trí kịp sẽ rất khó cho địa phương trong việc vận động người dân bàn giao mặt bằng cho dự án theo đúng tiến độ.
Được biết, hiện số tiền giải phóng mặt bằng còn lại đang phải chờ Bộ Giao thông - vận tải bố trí bổ sung, chưa thể có ngay mặc dù chủ đầu tư xác định là buộc phải hoàn tất giải phóng mặt bằng trong năm nay để kịp khởi công gói thầu J3 (thuộc địa phận xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch) vào tháng 3/2015 theo kế hoạch.
Nguy cơ đội vốn
Hiện tại, điều đáng lo ngại nhất là việc thực hiện đền bù giải tỏa đã không kịp hoàn thành trước ngày 1/7, dẫn đến phát sinh khó khăn mới là hồ sơ bồi thường phải thực hiện lại. Không chỉ vậy, tình trạng khiếu kiện vì chênh lệch giá bồi thường giữa người nhận tiền trước và người nhận sau có thể xảy ra, rất phức tạp. Như vậy, công tác giải phóng mặt bằng sẽ mất thêm rất nhiều thời gian, tiến độ bị kéo dài và nguy cơ đội vốn là chuyện khó tránh khỏi.
Theo ông Phạm Hồng Quang - Phó Tổng giám đốc VEC, phần tiền dành cho giải phóng mặt bằng của dự án thuộc vào vốn đối ứng do VN thu xếp. Chính phủ cũng đã đồng ý đưa 2 dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vào trường hợp được ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho giải phóng mặt bằng. Đến nay, Chính phủ đã thu xếp được 1.440 tỷ đồng cho dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Thế nhưng phần vốn này chỉ đủ chi trả tiền bồi thường cho đoạn qua TP HCM và tỉnh Long An. Hiện, để đủ nguồn vốn chi trả phần đền bù gần 28 km qua Đồng Nai, Bộ Giao thông - vận tải đã đăng ký thêm 746 tỷ đồng nữa cho từ nay đến cuối năm, nhưng theo nhận định của VEC, nguồn vốn đăng ký thêm từ nay đến cuối năm có thể sẽ được duyệt, nhưng để tiền chuyển về được đến các huyện thực hiện việc chi trả cho dân sẽ phải sang đến năm 2015. VEC cố gắng thu xếp vốn để bố trí cho 2 huyện, ưu tiên chi trả cho dân ở từng đoạn cần thiết trước.
“Hiện dự án Cao tốc Bến Lức – Long Thành vẫn tiếp tục phải chờ vốn và có thể chủ đầu tư lại phải đối diện với việc tổng mức đầu tư tăng một lần nữa”. |
Với một dự án lớn nhất phía Nam như Cao tốc Bến Lức - Long Thành (tổng đầu tư giai đoạn I tới 31.320 tỷ đồng), không phải đến bây giờ mới phát sinh khó khăn. Theo ông Mai Tuấn Anh - Tổng giám đốc VEC, quá trình chuẩn bị dự án này gặp khá nhiều khó khăn, mất nhiều năm, qua nhiều lần thay đổi cơ chế và nguồn vốn đến năm 2010, Bộ GTVT mới giao cho VEC làm chủ đầu tư, tìm kiếm các nhà tài trợ vốn để triển khai dự án. Do lạm phát, trượt giá nên tổng mức đầu tư của dự án tăng tới khoảng 10.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc thu xếp vốn Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng khá nan giải. Thời gian đầu, do việc thu xếp vốn đối ứng cho GPMB khó khăn nên ADB và các đối tác tài trợ vốn không đồng thuận. VEC đã nhiều lần báo cáo Bộ GTVT để xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, đề nghị bố trí đủ vốn đối ứng cho dự án. Đến nay, dự án vẫn đang phải chờ vốn và nếu tiếp tục bị kéo dài thì có thể chủ đầu tư lại phải đối diện với việc tổng mức đầu tư tăng một lần nữa.
Ông Mai Tuấn Anh cho biết thêm, trong tổng kinh phí đầu tư của dự án, vốn vay của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) là 636 triệu USD, vốn vay của Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) là 635 triệu USD, vốn đối ứng ngân sách Nhà nước là 337 triệu USD. Cho đến nay, phần vốn của JICA đã thu xếp xong. Còn lại vốn của nhà tài trợ ADB hiện mới chỉ hoàn tất được phần phía Tây. Phần phía Đông, VEC đang tích cực đàm phán với ADB để tiến hành nốt các thủ tục còn lại. Tuy nhiên, sớm nhất cũng phải đầu năm 2015 mới xong được. Hiện nay, nguồn vốn đối ứng cho GPMB tại dự án cũng gặp nhiều khó khăn. Ngay từ thời điểm này, cùng với việc đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng sớm bố trí, VEC cũng không trông chờ, ỷ lại mà rà soát, tìm kiếm nhiều nguồn vốn hợp pháp khác để có đủ vốn đối ứng cho các địa phương đền bù, GPMB.
Chỉ khi công tác GPMB được tháo gỡ toàn bộ vướng mắc và bàn giao sớm, tiến độ dự án mới đảm bảo. Tuy nhiên, đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, mảnh ghép cuối cùng để liên kết 4 tỉnh Long An, TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu bằng hệ thống đường cao tốc vẫn còn phải tiếp tục chờ đợi mà chưa thể xác định thời điểm được bố trí đầy đủ nguồn vốn cho GPMB.