"Nếu không có nhà đầu tư mặn mà thì chứng tỏ dự án đó không có hiệu quả, mục đích đầu tư chưa phù hợp".

Đó là những chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Đình Thám - Trưởng Bộ môn công nghệ quản lý và xây dựng, Đại học xây dựng Hà Nội với Đất Việt.

20% vốn chủ sở hữu không phải cao

PV:- Theo đề xuất mới đây của Bộ GTVT lên Chính phủ, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khi tham gia dự án cao tốc Bắc - Nam phải đạt khoảng 20% tổng mức đầu tư. Thế những, rất nhiều nhà đầu tư đã lên tiếng cho rằng, với mức quy định đưa ra như vậy là rất khó, thậm chí không có doanh nghiệp nào tham gia đấu thầu. Là một người quan tâm nhiều đến vấn đề BOT, ông nhìn nhận ra sao về sự việc trên? Vì sao các nhà đầu tư lại vội vàng đồng loạt "kêu" khó như vậy?

PGS.TS Nguyễn Đình Thám:- Hình thức đầu tư BOT nguyên tắc là sử dụng vốn của xã hội để tham gia vào xây dựng các công trình, các dự án, nên nhà nước đặt ra tỷ lệ đảm bảo 20% vốn chủ sở hữu không phải là cao. Thậm chí, theo tôi, đây là mức yêu cầu thấp.

Ở đây có nghĩa, doanh nghiệp chỉ cần đảm bảo 20% vốn xã hội, còn 80% vẫn là huy động nguồn vốn thương mại. Chủ đầu tư vay Ngân hàng thì cũng tính vào dự án, tính vào công trình. Phần lãi suất do chủ đầu tư phải gánh chịu sẽ được chuyển sang cho người sử dụng công trình. Cuối cùng, người dân phải chịu 80% mức đầu tư với giá cao, trong đó, có khi chính là tiền của họ (khi gửi ngân hàng).

Tôi thấy, đây chính là dân đi vay Ngân hàng với lãi suất cao. Chủ đầu tư không có trách nhiệm gì, chỉ cần đóng góp 20% mà vẫn có lợi ích.

Do vậy, những nhà đầu tư kêu khó thì sẽ là các nhà đầu tư quen với tiền lệ "tay không bắt giặc". Và nếu thực tế như vậy thì mục đích huy động vốn xã hội hóa sẽ không đạt mà không đạt thì không nên áp dụng hình thức đầu tư đó. Chỉ khi nào hình thức huy động vốn xã hội hóa có hiệu quả đúng như tinh thần nội dung đầu tư các dự án BOT, BT - chủ đầu tư phải có vốn thì hãy làm.

Dù sao, ở đây cũng phải thấy rằng, Bộ GTVT đã siết chặt lại một số các quy định để tránh các hậu quả đã từng xảy ra ở các dự án BOT trước đây. Có vậy mới bộc lộ đơn vị nào là đơn vị có thực lực để tham gia dự án, tránh trường hợp chạy dự án là chính.Một phương cách khác có thể được áp dụng để các chủ đầu tư lách luật là tăng dự toán. Bởi lẽ, nếu yêu cầu chỉ cần huy động đủ vốn chủ sở hữu 15%, nhưng lập dự toán tăng lên 15% thì đồng nghĩa, chủ đầu tư vay 100%, 15% kia chỉ là vốn ảo. Nếu cơ quan kiểm toán kiểm tra chính xác thì sẽ bắt được lỗi này, nhưng nếu không nghiêm túc, không sâu sát thì sẽ không phát hiện ra được.

PV: - Nếu mục tiêu, cơ chế đặt ra rồi mà các doanh nghiệp không làm theo thì có phải nhà nước, Bộ GTVT lại lâm vào thế khó hay không? Các doanh nghiệp sẽ xoay sở thế nào? Và khi đó liệu có đồng nghĩa với việc nhà nước lại xuống nước, nới rộng cơ chế để thu hút đầu tư và những hạn chế ở các dự án BOT trước sẽ lặp lại?

PGS.TS Nguyễn Đình Thám:- Khi không có đơn vị nào nhảy vào dự án, nghĩa là doanh nghiệp chưa đủ thực lực, chưa nhìn thấy hiệu quả kinh tế của việc đầu tư. Có nghĩa là, chủ trương được đưa ra không phù hợp về nội dung hoặc thời điểm. Nhà nước sẽ phải lựa chọn hình thức đầu tư khác.

Nếu cứ cố làm, thứ nhất, đầu tư không có thực lực mà vẫn chạy dự án để làm, bằng cách vay Ngân hàng hoặc liên kết với một chủ đầu tư nước ngoài, thứ cấp nào đó, giải quyết về vốn.

Thứ hai, không vay được hoặc vay được giữa chừng nhưng không đủ vốn để vay tiếp thì họ phá sản dự án. Rất nhiều trường hợp phá sản giữa chừng rồi nhà đầu tư được bồi hoàn tất cả các khoản chi ra. Điều này khiến doanh nghiệp cứ tham gia, dừng ở đâu nhà nước thanh toán ở đó, bởi đơn giản, họ vẫn có lãi.

Như vậy, để khắc phục, các dự án hay đặt ra các quy tắc, điều kiện thực hiện, những ai tham gia trung thành với điều kiện đó. Việc này sẽ giúp chấm dứt việc cứ vào dự án rồi tìm mọi cách giải quyết các vấn đề còn tồn tại như nâng tổng mức đầu tư lên, giảm ưu đãi này, thêm ưu đãi kia...

Ngoài ra, đừng chạy theo yêu cầu của nhà đầu tư dẫn đến nhiều dự án hết hạn mà không triển khai cũng chẳng thu hồi được, có nhiều dự án ký xong làm một nửa, rồi dừng lại, tiến hành thanh lý hợp đồng.

Nếu cơ chế quản lý không kiên định, dứt khoát ngay từ đầu, nhà đầu tư chộp giật sẽ nhằm vào điểm yếu đó của quản lý nhà nước, khi ký kết rồi vẫn điều chỉnh, nới rộng được.

PV:- Trong trường hợp nhà đầu tư không mặn mà thì nên ứng xử thế nào? Có nên cố gắng tiếp tục dự án hay dừng lại chờ khi điều kiện phù hợp?

PGS.TS Nguyễn Đình Thám:- Nếu không có nhà đầu tư mặn mà thì chứng tỏ dự án đó không có hiệu quả, mục đích đầu tư chưa phù hợp, nên đợi giai đoạn nào tình hình, điều kiện kinh tế thay đổi thì áp dụng. Nếu cố gắng ép trái chín sớm thì dẫn tới nhạt, phải bỏ đi.

Theo tôi, phải tính toán đến bài toán lâu dài. Nếu cứ cố gắng cho các nhà đầu tư không có năng lực thực sự vào làm các tuyến đường quan trọng như cao tốc Bắc - Nam rồi mức thu phí BOT cao, chắc chắc sẽ khó thu hồi vốn nhanh vì vướng phải sự phản đối của người dân.

Theo Đất Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.