24/07/2019 8:39 AM
CafeLand – Đó là nhận định của bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Nghiên cứu & Tư vấn của Savills Hà Nội, về tình hình hoạt động của thị trường bán lẻ hiện nay.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Nghiên cứu & Tư vấn của Savills Hà Nội

Theo nghiên cứu của Savills Việt Nam, riêng tại thị trường Hà Nội, tổng nguồn cung diện tích mặt bằng bán lẻ hiện đã lên tới trên 1,5 triệu m2 sàn, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong hai năm trở lại đây, số lượng trung tâm thương mại liên tục gia tăng.

Trong khi đó tại TP.HCM, tổng nguồn cung diện tích mặt bằng bán lẻ cũng đã đạt khoảng 1,4 triệu m2 sàn, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2018.

Quy mô dân số lớn, tốc độ đô thị hóa tại Hà Nội và TP.HCM cao, thu nhập gia tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng lớn được xem là những lợi thế thúc đẩy thị trường bán lẻ Việt Nam phát triển một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, niềm tin của người tiêu dùng cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu mua sắm giải trí của người Việt.

So sánh với các thị trường trong khu vực, tỷ lệ diện tích bán lẻ trên đầu người tại Hà Nội và TP.HCM hiện đang ở mức thấp. Điều này cho thấy dư địa phát triển trong lĩnh vực này còn nhiều. Một lợi thế nữa cho các nhà đầu tư là chính quyền địa phương đang rất chào đón và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bán lẻ.

Tuy vậy, thị trường bán lẻ chưa có quy hoạch tổng thể rõ ràng để sẵn sàng giới thiệu cho các đơn vị phát triển bán lẻ lớn, qua đó tạo đà thay đổi cục diện đầu tư, thói quen mua sắm tại một số địa phương. Việc quy hoạch này hiện đang diễn ra một cách thụ động.

Theo bà Hằng, chi phí đất cao tại các khu đô thị lớn, đòi hỏi nhiều vốn đầu tư ban đầu và thu hồi vốn chậm hơn các sản phẩm bất động sản khác như nhà ở. Ngoài ra, thị trường bán lẻ Việt Nam chưa thực sự có lợi thế cạnh tranh với các thị trường ở quốc gia khác về các mặt hàng cao cấp. Tỷ trọng người mua mặt hàng này nhỏ và họ sẵn sàng mua sản phẩm cao cấp tại nước ngoài.

Thời gian qua, thị trường chứng kiến sự đào thải khốc liệt khi hàng loạt tên tuổi đã buộc phải rời bỏ thị trường như Trần Anh, Shop & Go, Fivimart, Giant và mới đây nhất là Auchan.

Tuy nhiên, bà Hằng nhận định, sự cạnh tranh của thị trường bán lẻ mới chỉ bắt đầu. Việc các doanh nghiệp lớn như Vingroup và Saigon co-op trong thời gian qua mở rộng kinh doanh về nhiều các tỉnh thành lớn và thâu tóm các thương hiệu nhỏ lẻ là minh chứng cho điều này.

Sự cạnh tranh dự kiến sẽ còn khốc liệt hơn bởi sau một thời gian dài tìm hiểu và thử nghiệm tại thị trường, các doanh nghiệp ngoại đã dần nắm bắt được thị hiếu và thói quen tiêu dùng của người Việt, từ đó đưa ra những chiến lược kinh doanh và kỳ vọng phù hợp, sẵn sàng cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước.

Trong cuộc đua này, nếu như các chuỗi bán lẻ nước ngoài có mô hình hiện đại, đã được minh chứng trên thế giới, có tiềm lực tài chính và có lợi thế cạnh tranh hơn các doanh nghiệp Việt trong mảng phát triển trung tâm thương mại, thì các doanh nghiệp trong nước đang cho thấy sức mạnh trong lĩnh vực cửa hàng tiện ích với mạng lưới rộng khắp.

Bà Hằng dự báo câu chuyện thành bại của một doanh nghiệp bán lẻ sẽ nằm ở chiến lược kinh doanh, bên cạnh đó là tích hợp công nghệ để phù hợp với thói quen tiêu dùng hiện đại. Cũng không loại bỏ hướng đi tích hợp hệ sinh thái bán lẻ hoặc kết hợp giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để đa dạng hóa sự phát triển, tận dụng thế mạnh của cả hai bên, hướng tới cung cấp nhiều trải nghiệm, sản phẩm tốt, tiện lợi, giá cả phù hợp cho người tiêu dùng.

  • Ông chủ Uniqlo muốn mở rộng đầu tư ở Việt Nam

    Ông chủ Uniqlo muốn mở rộng đầu tư ở Việt Nam

    CafeLand - Tại cuộc gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều qua (18/7), ông Yanai Tadashi, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Tập đoàn Fast Retailing (Nhật Bản) cho biết thời gian tới, tập đoàn sẽ triển khai thêm hệ thống bán lẻ ở Việt Nam, ngoài các sản phẩm may mặc.

Thanh Thịnh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.