Chỉ trong một thời gian ngắn, xuất hiện nhiều nhà thầu bỏ ngang, không thi công sau khi ký hợp đồng, dẫn tới công trình chậm hoàn thành. Tại sao vấn nạn nhà thầu “đứt gánh giữa đường”, làm giảm hiệu quả của đầu tư công lại chưa có thuốc đặc trị?

Nhiều chủ đầu tư phải buộc phải chấm dứt hợp đồng với nhà thầu vi phạm tiến độ so với hợp đồng, không còn khả năng thi công, hoàn thành hợp đồng. Ảnh: Lê Đặng

Bùng phát tình trạng nhà thầu bỏ chạy

Tại Kiên Giang, Gói thầu Xây dựng cầu, đường vào cầu thuộc Dự án Cầu sắt (thị trấn Vĩnh Thuận - Phong Đông) đang gặp tình huống nhà thầu không thực hiện cam kết theo hợp đồng. Vào tháng 7/2017, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Khang Việt trúng gói thầu này với giá 8.700.457.093 đồng (giá gói thầu: 8.729.118.661 đồng); thời gian thực hiện hợp đồng là 261 ngày. Theo hợp đồng, tháng 5/2018, Gói thầu phải hoàn thành, nhưng đến nay, quá nửa các hạng mục vẫn chưa được thi công, còn Nhà thầu Khang Việt đã mất dấu.

Tại Quảng Nam, Ban Quản lý các dự án đầu tư và xây dựng thành phố Tam Kỳ cũng đang bất lực với một trường hợp nhà thầu “bỏ của chạy lấy người”. Cụ thể, tháng 11/2019, Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Vạn Tường được công bố trúng Gói thầu Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Nâng cấp, sửa chữa đường Nguyễn Văn Trỗi (đoạn từ đường Phan Bội Châu đến cầu Nguyễn Văn Trỗi), thành phố Tam Kỳ. Gói thầu có giá gói thầu 32.042.344.000 đồng. Công ty Vạn Tường trúng thầu với giá 26.846.020.000 đồng; thời gian thực hiện hợp đồng là 150 ngày. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Gói thầu đáng lẽ phải được đưa vào sử dụng, thì ngược lại, còn đến 2/3 hạng mục, khối lượng của công trình chưa được thi công. Công trình thi công dở dang ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt, an toàn cho người dân nhưng từ lâu không có bất kỳ sự hiện diện nào của Nhà thầu.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện UBND TP. Tam Kỳ cho biết đang lập thủ tục chấm dứt hợp đồng đã ký kết với Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Vạn Tường. Đồng thời, áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với phần khối lượng công việc còn lại của Gói thầu…

Những câu chuyện tương tự diễn ra khá nhiều ở các địa phương khác như Cà Mau, Đồng Tháp, Trà Vinh…

Chế tài chưa đủ mạnh?

Theo dữ liệu của Báo Đấu thầu, vi phạm của các nhà thầu có hai lý do chính. Đầu tiên là nhà thầu vi phạm tiến độ so với hợp đồng, không còn khả năng thi công, hoàn thành hợp đồng. Thứ hai là do vi phạm trong quá trình đấu thầu.

Thống kê của Báo Đấu thầu cho thấy, có đến hơn 90% số vụ vi phạm hợp động là do năng lực thi công của nhà thầu không đảm bảo yêu cầu. Từ đó, các chủ đầu tư buộc phải chấm dứt hợp đồng với nhà thầu vi phạm, xin ý kiến của người có thẩm quyền, chỉ định thầu đơn vị đủ năng lực thực hiện khối lượng dở dang còn lại.

Đối với hành vi không thực hiện đúng cam kết hợp đồng, các chủ đầu tư thông thường áp dụng song song hai biện pháp xử lý gồm: phạt hợp đồng và chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, đa số các trường hợp nhà thầu bê bối trong thi công đã phá sản, chuyển đổi chủ sở hữu, cơ cấu lại doanh nghiệp, thậm chí là… bỏ trốn.

Theo một chuyên gia về đấu thầu, nếu chủ đầu tư/bên mời thầu ngay từ khâu tổ chức lựa chọn nhà thầu không chuyên nghiệp, lựa chọn đơn vị không đủ năng lực, đặc biệt là năng lực tài chính, thì khâu quản lý hợp đồng sau đấu thầu sẽ gặp nhiều hệ lụy. “Có chủ đầu tư đã cho phép nhà thầu tạm ứng tiền thực hiện hợp đồng quá tỷ lệ cho phép. Thậm chí, chứng nhận khống cho nhà thầu để thực hiện việc thanh toán. Có chủ đầu tư bị nhà thầu qua mặt bằng các bảo lãnh thực hiện hợp đồng giả. Lại có chủ đầu tư khi nhà thầu vỡ nợ không thể thu hồi được tạm ứng… Tất cả những lỏng lẻo trong quản lý hợp đồng sau đấu thầu này đã đẩy rủi ro, thiệt hại lên nguồn vốn ngân sách nhà nước. Mục tiêu đầu tư dự án không phát huy được hiệu quả, kỷ cương đầu tư công bị coi nhẹ”, chuyên gia nhận định.

Để hạn chế tình trạng “cầm dao đằng chuôi”, các chuyên gia cho biết, chủ đầu tư và bên mời thầu cần tuân thủ nghiêm các quy định về đấu thầu để trong suốt quá trình lựa chọn nhà thầu đảm bảo tìm được đơn vị đủ năng lực, “người thật, việc thật”. “Mạnh tay xử lý những bên mời thầu nào chệch choạc trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhắm mắt làm ngơ để chọn đơn vị thân quen yếu năng lực thì mới xử lý tận gốc được vấn nạn này”, các chuyên gia khuyến nghị.

Hải An (Báo Đấu Thầu)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.