Câu chuyện 7 ngân hàng tranh chấp một kho cà phê tại Bình Dương, nhiều ngân hàng tranh nhau trông một kho thép cuộn inox tại Hà Nội..., và mới đây nhất, việc khách hàng qua mặt Ngân hàng Quân đội (MB) thế chấp thẻ cào giả để vay vốn, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về khâu kiểm định hồ sơ vay vốn ngân hàng.

Cần thẩm định kỹ càng hồ sơ vay vốn trước khi giải ngân

Liên tục gặp “nạn”

Tài sản bảo đảm là yếu tố đầu tiên để các ngân hàng xem xét giải ngân vốn vay tới khách hàng. Tuy nhiên, việc thẩm định tài sản bảo đảm không theo đúng các quy trình, thủ tục đã khiến các ngân hàng tự đẩy nguồn vốn của mình thành nợ xấu.

Năm 2013, dư luận được phen ngỡ ngàng trước thông tin Công ty Trường Ngân với kho cà phê trị giá 100 tỷ đồng của mình đã đem thế chấp tới 7 ngân hàng và vay được 600 tỷ đồng. Thậm chí, có khoảng 800 tấn rác gồm sỏi, vỏ cà phê, tro trấu được ngụy trang trong các bao tải để tại kho nhằm qua mặt các ngân hàng.

Cũng trong năm 2013, 5 ngân hàng phải cho nhân viên canh chừng kho của Công ty Inox Âu Mỹ bởi doanh nghiệp này dùng kho hàng làm tài sản thế chấp cho nhiều tổ chức tín dụng.

Những bài học còn nguyên sức nóng đó dường như chưa đủ “thấm” khi cuối tháng 6/2014, MB đã lên tiếng khẳng định đang liên quan tới một vụ thế chấp thẻ cào giả vay vốn ngân hàng. Theo đó, vào đầu năm 2014, hải quan Móng Cái phát hiện lô hàng gồm 24.900 thẻ cào điện thoại MobiFone giả nhập lậu vào Việt Nam. Sau quá trình điều tra, đến cuối tháng 6/2014, cơ quan chức năng đã xác định, đường dây này đã chuyển trót lọt hàng trăm nghìn thẻ cào giả về Việt Nam, sử dụng làm tài sản thế chấp ngân hàng vay nhiều tỷ đồng. Ngay sau đó, ngày 27/6, MB đã chính thức khẳng định nhóm đối tượng nghi can này cũng đang thế chấp 300.000 thẻ cào MobiFone nghi là giả có nhiều mệnh giá khác nhau để vay vốn tại MB Hải Dương.

Quy trình thẩm định chuẩn hay không?

Theo thông cáo phát đi từ MB, nhóm đối tượng làm giả thẻ cào là đại lý chính thức của MobiFone, đã có giao dịch với MB trong nhiều năm qua và trong khoảng thời gian này, họ luôn thực hiện đúng cam kết, nghĩa vụ với ngân hàng. MB cũng khẳng định luôn tuân thủ quy trình thẩm định ở mức cao nhất; các quy trình, quy định liên quan của MB rất rõ ràng, chặt chẽ.

Tuy nhiên, trước sự việc này, một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng khâu thẩm định hồ sơ vay tiền, kiểm tra tài sản bảo đảm cũng như quản lý hậu cho vay ở ngân hàng chưa tốt. Một khách hàng luôn thực hiện đúng cam kết với ngân hàng ở những giao dịch trước chưa chắc đã “tốt” trong giao dịch lần này, vì thế, có thể nhân viên của MB đã chủ quan trước khách hàng lâu năm nên mới xảy ra sự việc- vị chuyên gia này nói.

Trên quan điểm của “người trong ngành”, lãnh đạo một ngân hàng phân tích: Thẻ cào điện thoại cũng có thể được xem là một loại hàng hóa thế chấp để vay vốn, tuy nhiên, đây là hàng hóa đặc biệt liên quan tới bên thứ 3, nên nếu làm đúng quy trình thì lô thẻ đó phải được xuất ra từ MobiFone, có xác nhận của hãng về nguồn gốc và giá trị của lô hàng. “Có thể do sơ suất trong quy trình quản lý, giám sát của MB đã tạo nên sơ hở trong vấn đề quản lý rủi ro, kiểm tra, kiểm soát hàng thế chấp”- vị lãnh đạo này chia sẻ.

Thùy Linh (Báo Công Thương)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.