Dự án Khu du lịch Thế Giới Xanh bị hoang tàn sau khi ngừng hoạt động từ tháng 12-2007 đến nay - Ảnh: Văn Nam
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, nhiều chủ đầu tư dự án resort bị thiệt hại cho biết họ vẫn giữ ý định tiếp tục đầu tư dự án resort và chuẩn bị kế hoạch tái khởi động việc xây dựng sau khi được bồi thường thỏa đáng.
Ông Nguyễn Đức Đăng Toàn, chủ đầu tư dự án Resort Thế Giới Xanh, cho biết đã đưa ra mức thiệt hại yêu cầu được bồi thường là 89 tỉ đồng. Khu du lịch Thế Giới Xanh nằm trong số các dự án resort bị thiệt hại nặng nhất khi đang hoạt động đón khách thì bị buộc phải ngưng hoạt động từ tháng 12-2007 đến nay. Trong khi đó, đại diện khu du lịch Thành Đạt đưa ra mức yêu cầu bồi thường là 15 tỉ đồng và có ý tiếp tục đầu tư dự án resort bị bỏ dang dở nhiều năm qua.
Ông Nguyễn Ngọc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, xác nhận với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng chính quyền tỉnh sẵn sàng cấp phép cho nhà đầu tư các dự án resort tại khu vực Kê Gà tiếp tục xây dựng, phát triển du lịch nếu nhà đầu tư yêu cầu.
Theo thông tin mới nhất mà Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online thu thập được, Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận sẽ thẩm định, xác định giá trị tài sản thiệt hại của 12 dự án khu du lịch tại khu vực Kê Gà do trước đây được yêu cầu phải dừng để thực hiện dự án xây cảng Kê Gà.
Ông Tăng Việt Cường, Giám đốc Sở Tài chính Bình Thuận, nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng công tác thẩm định để xác định thiệt hại sẽ được Sở Tài chính và chủ đầu tư dự án resort bị thiệt hại cùng thỏa thuận trước ngày 20-3 tới.
Vào ngày 7-3 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có công văn 1166/VPCP-KTN thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý dừng đầu tư cảng Kê Gà theo kiến nghị của Bộ Công Thương.
Ngoài ra, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tổ chức đánh giá bồi thường thiệt hại cho các dự án bị thu hồi đất phục vụ dự án cảng Kê Gà và chi trả bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Theo Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận Tăng Việt Cường, sau khi kiểm kê thiệt hại, chính quyền tỉnh Bình Thuận sẽ ngồi lại với chủ đầu tư 12 dự án du lịch để chốt mức bồi thường, sau đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ và chuyển cho TKV chi trả bồi thường thiệt hại.
“Tỉnh sẽ cố gắng đẩy nhanh thực hiện việc bồi thường trên cơ sở công tâm, không để nhà đầu tư quá thiệt thòi. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư nào đưa ra mức yêu cầu bồi thường cao quá thì sở sẽ thẩm định lại”, ông Cường nói.
Sau nhiều lần dự định khởi công thì đầu năm 2013, TKV cuối cùng đã tuyên bố tạm ngừng triển khai kế hoạch xây dựng cảng nước sâu tại khu vực Kê Gà thuộc tỉnh Bình Thuận vì cho rằng việc xây cảng này để xuất khẩu alumin trong thời điểm hiện nay là không phù hợp về kỹ thuật, không hiệu quả về kinh tế. Bởi tổng vốn đầu tư của dự án xây dựng cảng Kê Gà giai đoạn đầu khoảng 8.000 tỉ đồng, lúc kinh tế khó khăn như hiện nay thì việc xây cảng tại khu vực Kê Gà đã không còn hợp lý cả về kinh tế lẫn kỹ thuật, lãng phí tài sản. Trước đó, 12 dự án resort nằm trong khu vực xây cảng Kê Gà, huyện Hàm Thuận Nam đã phải dừng triển khai để nhường đất cho dự án xây cảng. Sau khi dự án cảng Kê Gà tạm dừng, UBND tỉnh Bình Thuận đã thống nhất với TKV bồi thường 100% giá trị thiệt hại đối với những dự án resort có tài sản hư hỏng, giá trị sử dụng còn dưới 30%. Trong một đơn khiếu nại gởi UBND tỉnh Bình Thuận hồi giữa năm 2012, chủ đầu tư 12 dự án resort bị thu hồi đất cho dự án cảng Kê Gà tính sơ bộ số tiền thiệt hại lên đến hơn 800 tỉ đồng. Tính đến tháng 4-2008, thời điểm tỉnh có thông báo dừng triển khai và thu hồi đất để xây dựng cảng Kê Gà, trong số 12 dự án resort có 1 dự án đã hoạt động (Thế Giới Xanh), 1 dự án đang xây dựng với quy mô lớn (Đức Hạnh) và các dự án khác đang xây dựng dở dang được vài hạng mục như Tân Thành Minh, Sao Mai, Thành Đạt, Minh Ngọc, Hương Bắc, Đồi Phong Lan, Thảo My… |