“Kẹt xe trước cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình, TP.HCM sẽ diễn ra nghiêm trọng hơn sau khi đoạn cuối của dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (nay là đường Phạm Văn Đồng) được hoàn thành” - TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, dự báo với Pháp Luật TP.HCM.
Kẹt xe vây sân bay
Thời gian gần đây, đường ra vào sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên bị ùn tắc. “Mỗi lần vào sân bay rất vất vả, nhất là trong giờ cao điểm. Các tuyến đường lân cận sân bay như Phan Đình Giót, Phan Thúc Duyện, Trường Sơn, Hồng Hà, Bạch Đằng và khu vực công viên Hoàng Văn Thụ, Lăng Cha Cả rất dễ ùn ứ” - ông Nguyễn Hoàng Thanh, quận Bình Thạnh nói.
Theo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67 - Công an TP.HCM), từ khoảng tháng 9-2015 đến nay, mật độ giao thông quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất tăng đột biến, tập trung trong một phạm vi nhỏ nên dễ xảy ra ùn ứ. Hệ quả trước mắt là nhiều hành khách bị trễ chuyến bay. Hãng hàng không Vietnam Airlines xác nhận đã có ngày ít nhất 10 chuyến bay dự kiến xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất phải khởi hành trễ để đợi khách. Các hãng VietJet Air, Jetstar Pacific cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Cảng vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất còn lo ngại kẹt xe trước cổng sân bay sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi lượng khách đến sân bay ngày càng tăng (theo thống kê, số lần cất-hạ cánh và lượng khách đến sân bay Tân Sơn Nhất trong năm 2015 so với năm trước tăng lần lượt là 25% và 27%) và đặc biệt là khi đoạn cuối của tuyến đường vành đai hoàn thành.
“Mặc dù đường vành đai này chưa hoàn tất nhưng đã có một lượng lớn người dân từ quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp… đi ngang qua sân bay, theo đường Trường Sơn để vào trung tâm hoặc ngược lại. Khi đoạn cuối (đường Bạch Đằng và Hồng Hà ở quận Tân Bình và Gò Vấp) hoàn thành, số lượng xe theo lộ trình này càng nhiều sẽ tạo áp lực lớn về giao thông lên khu vực sân bay” - TS Phạm Sanh phân tích thêm.
Quanh sân bay Tân Sơn Nhất có rất nhiều điểm thường xuyên ùn ứ. Đồ họa: LH
Giao thông rối loạn trên đường vào sân bay. Ảnh: N.TÂN
Sắp xếp lại, mở thêm cổng vào
Để giải quyết tình trạng trên, đã có nhiều giải pháp được đưa ra. Ví dụ, PC67 đề xuất mở một làn đường riêng trên đường Trường Sơn để dành ưu tiên cho hành khách vào sân bay. Người vào sân bay đón người thân không được đi làn này (Pháp Luật TP.HCM từng đề cập). Hoặc cảng vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất đề nghị xây cầu vượt trước cổng sân bay nhằm giải quyết xung đột giao thông tại nút giao đường vành đai Tân Sơn Nhất và đường ra vào sân bay. Ngoài ra Sở GTVT cho biết đang xem xét thực hiện một số giải pháp như mở tuyến xe buýt điện vào sân bay, điều chỉnh thời lượng đèn giao thông tại một số nút giao…
Tuy vậy, TS Phạm Sanh cho rằng việc giải quyết ùn ứ ở khu vực sân này cần được thực hiện bằng việc quy hoạch tổ chức giao thông bên trong và kết nối với bên ngoài. “Bên trong sân bay còn không gian nhưng việc tổ chức giao thông chưa được hợp lý dẫn tới ùn tắc. Ùn ứ bên trong sân bay cũng gây kẹt cho bên ngoài. Do vậy, trước mắt phải xem xét tổ chức giao thông lại bên trong cho hợp lý. Ngoài ra cũng phải tính toán đến phương án kết nối cầu vượt (bổ sung) từ đường Phạm Văn Đồng vào thẳng sân bay và trổ thêm cổng vào sân bay” - TS Sanh đề nghị.
TS Sanh lý giải thêm: Sân bay Tân Sơn Nhất là một đầu mối giao thông quan trọng song hiện chỉ có một tuyến xe buýt là không ổn. Do vậy cần nhanh chóng mở thêm các tuyến xe buýt đưa đón khách vào ra sân bay. Bên cạnh đó, hiện nay muốn vào sân bay này chỉ có duy nhất một cổng tại đường Trường Sơn và điều đó chưa hợp lý.
“Dù có tập trung mọi nguồn lực thì khoảng 10 năm nữa, sân bay Long Thành mới hoạt động. Trong thời gian này, mỗi ngày ở sân bay Tân Sơn Nhất có gần trăm ngàn lượt người ra vào qua một cổng duy nhất thì ùn ứ sẽ khó tránh khỏi. Do vậy tôi cho rằng cần tính toán đến việc mở thêm các lối tiếp cận khác như trên đường Phạm Văn Bạch, Tân Sơn, Trường Chinh hay Cộng Hòa… Nếu không trổ cổng ở đường Phạm Văn Bạch, Tân Sơn thì ở khu vực giáp với đường Trường Chinh, Cộng Hòa sẽ rất phù hợp” - ông Sanh nói.
Bộ Quốc phòng vừa đồng ý bàn giao 20 ha đất các loại ở khu vực Tân Sơn Nhất cho Bộ GTVT. Bộ Quốc phòng có thể giao thêm diện tích tương tự nhằm phục vụ phát triển kinh tế. Trước đó, Bộ GTVT đề nghị lấy 9 ha nhưng Bộ Quốc phòng vào khảo sát và quyết định bàn giao 20 ha trong giai đoạn 1. Hiện cơ quan chức năng vẫn chưa thông tin sẽ sử dụng 20 ha đất được giao trong giai đoạn 1 phục vụ công năng gì nhưng dự kiến có thể ưu tiên làm hệ thống sân đậu máy bay và đường lăn để giải tỏa ách tắc hạ tầng khu bay. Được biết Sở GTVT TP.HCM cũng đề nghị phía quân đội bàn giao hệ thống đường kết nối sân bay (từ đường Phan Thúc Duyện ra đường Trường Chinh, Phạm Văn Bạch) nhằm giảm áp lực cho khu vực Lăng Cha Cả và Cộng Hòa. _______________________________ Trung bình mỗi ngày có khoảng 85.000 lượt người ra vào sân bay và khoảng 10.000 người làm việc tại đây. Đó là chưa kể người dân ở khu vực, cùng với những người dân khác có nhu cầu qua lại khu vực này. Trung tá Huỳnh Trung Phong - Phó Trưởng phòng PC67 TP.HCM |