Bên cạnh đó, cũng cần xem xét đến việc hàng triệu người làm công ăn lương, có thu nhập trung bình khả năng tiếp cận nhà ở ngày càng xa vời. Vì vậy, không có lý do gì phải bơm tiền để cứu thị trường BĐS. Ngược lại, Nhà nước cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ thị trường BĐS để vấn đề nhà ở không còn trở nên quá xa vời với người thu nhập trung bình.
Khó tiếp cận nhà ở
Theo một số chuyên gia, giá nhà đất ở
mỗi quốc gia mỗi khác tùy vào thu nhập bình quân đầu người ở quốc gia
đó. Tuy nhiên, có một công thức chung để tính về khả năng tiếp cận nhà ở
của người dân dựa trên thu nhập. Đối với người độc thân, giá căn hộ có
từ 1 đến 2 phòng ngủ bằng từ 7 đến 10 năm tiền lương. Cũng theo các
chuyên gia, một quốc gia nổi tiếng về giá BĐS đắt đỏ như Isarel, giá
một căn hộ nhỏ dành cho người độc thân tối đa chỉ bằng 10 năm tiền
lương.
Đối với thị trường BĐS ở Mỹ, giá 1 căn hộ 3 phòng ngủ dành cho một hộ gia đình bằng 20-30% thu nhập của gia đình nhân với 20 năm (trả góp trong 20 năm). Nếu lấy công thức này để tính giá nhà ở VN thì một căn hộ dành cho người độc thân có giá từ 300 đến 400 triệu đồng là hợp lý; giá căn hộ 3 phòng ngủ dành cho hộ gia đình giá giá xấp xỉ 1 tỉ đồng.
Mặc dù thu nhập bình quân đầu người của
VN thuộc vào nhóm thấp, trong khi đó giá nhà đất thì lại quá cao. Nếu
lấy công thức để tính cho một kết quả như sau: Lương trung bình của một
công chức hiện nay khoảng 3 triệu đồng/tháng, nhân với 20 năm sẽ là 600
triệu đồng. Trên thực tế, với 600 triệu đồng chỉ đủ khả năng mua một căn
hộ trên địa bàn các huyện ngoại thành.
Đặc biệt, khả năng tiếp cận nhà ở của người có thu nhập trung bình ở Việt Nam càng khó khăn hơn khi mặt bằng lãi suất không bao giờ dưới 1%/tháng. Vì vậy, có thể thấy rằng việc giải cứu thị trường BĐS là việc làm không cần thiết, nếu đặt góc nhìn chức năng chính của thị trường BĐS là cung cấp chỗ ở cho người có nhu cầu.
DN nên tự cứu mình
Tại hội thảo “Những giải pháp khơi thông
thị trường BĐS hướng tới an sinh xã hội”, những tham luận đáng chú ý có
thể tạm chia thành 2 luồng, một luồng ủng hộ việc cứu thị trường BĐS,
luồng còn lại cho rằng chưa cần thiết phải quăng phao ra cứu thị trường
BĐS.
Ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây
dựng - cho rằng: “Dù khó khăn nhưng BĐS không có gì phải cứu. Điều cần
nhất lúc này là định hướng dư luận cần xem ngành BĐS như các ngành nghề
khác mà Chính phủ cần quan tâm hỗ trợ để phát triển. “Thị trường suy
giảm cũng có hướng tích cực là loại dần bớt những DN yếu kém ra khỏi sân
chơi BĐS. DN năng lực tài chính yếu, kinh doanh trái ngành nghề thì
phải rút lui” - ông Nam nói.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: “Cách tốt nhất là DN tự cứu mình bằng cách rà soát lại phương án đầu tư, cơ cấu sản phẩm. Ngoài ra, thị trường khó khăn thì DN cần liên kết lại, liên kết với DN trong nước, thậm chí liên kết hoặc bán dự án cho nước ngoài để vượt qua khó khăn trước mắt”. Mặc dù tình hình của các DN kinh doanh BĐS đang hết sức khó khăn, tuy nhiên những tín hiệu từ thị trường vốn đang cho thấy có những dấu hiệu bớt căng thẳng. Điều này có nghĩa là những khó khăn cùng cực chấm dứt trong vài tháng tới.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch UB Giám sát tài chính quốc gia - nhận định, sắp tới kênh BĐS sẽ sớm được giải tỏa về cơn khát vốn. Tuy vậy, nhìn chung, cho đến thời điểm này quan điểm của các bộ ngành chủ quản là chưa cần thiết phải giải cứu thị trường BĐS.