05/04/2011 2:27 AM
Cắt giảm chi tiêu công là một trong ba nhiệm vụ quan trọng của mục tiêu chống lạm phát Chính phủ đang triển khai. Cụ thể là rà soát, đánh giá và cắt giảm các dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước, nhất là các dự án chưa thực sự cần thiết. Đây là hướng đi đúng và rất cần thiết. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là làm sao để việc triển khai chủ trương này được thực hiện một cách hiệu quả, đạt được mục tiêu giảm chi từ ngân sách nhà nước nhưng không gây ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an
Nằm trong nhóm các giải pháp quyết liệt nhằm kiềm chế lạm phát cao, hiện nay nhiệm vụ rà soát, đánh giá và cắt giảm các dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng các ngành chức năng triển khai tích cực. Hàng chục đoàn công tác liên ngành đã về làm việc với các địa phương, nhất là những địa phương đang triển khai cùng lúc nhiều dự án đầu tư, để cùng bàn bạc, đánh giá và thống nhất dự án nào nên cắt giảm, dự án nào nên lùi thời điểm triển khai... Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau hơn 1 tháng triển khai công việc, đến nay cả nước đã có 1.112 dự án được cắt giảm, với tổng số tiền lên tới 34.000 tỷ đồng. Kết quả này cộng với chủ trương không cho điều chuyển vốn dự án từ năm trước sang, cũng như không cho tạm ứng vốn năm sau cho các dự án được duyệt, Chính phủ đã giảm chi được 84.000 tỷ đồng.

Nếu nhìn vào con số tuyệt đối này, có thể thấy mừng. Vì đây là số tiền không nhỏ từ ngân sách Nhà nước được tiết kiệm chi tiêu, ít nhất là trong năm nay. Tuy nhiên, nếu nhìn dài hạn hơn, lại thấy, nếu chỉ dừng ở những con số, quả là chưa đủ. Đặc biệt, xung quanh chủ trương này, đang xuất hiện nhiều vấn đề cần tháo gỡ.

Trước hết, đã có nhiều tỉnh miền núi, một số tỉnh vùng Tây Nguyên có đơn đề nghị Chính phủ xin không phải cắt giảm các dự án đầu tư, vì lý do hầu hết các dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước tại các tỉnh này đều là những dự án bức thiết cho mục tiêu phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội cho những vùng khó khăn. Nếu cắt giảm theo chủ trương chung, các tỉnh này sẽ tiếp tục bị tụt hậu so với các địa phương khác. Việc này đặt ra vấn đề là: nên chăng cần có phân loại và xác định vùng trọng điểm ưu tiên không cắt giảm, với các tiêu chí cụ thể ?

Vấn đề thứ hai, tại một số địa phương khi được yêu cầu tự rà soát để đưa vào cắt giảm, thì lại cắt những dự án có ý nghĩa an sinh xã hội như: làm bệnh viện, xây dựng cầu, đường, cải thiện phòng học cho học sinh... mà giữ lại các dự án như xây mới hoặc cải tạo trụ sở làm việc của cơ quan chính quyền. Lý do là vì tiêu chí để cắt giảm dự án còn quá chung chung, chỉ là rà soát những dự án chưa thực sự cần thiết. Nhưng như thế nào là thực sự cần thiết, thì còn tùy thuộc cách đánh giá và bối cảnh kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

Và điều quan trọng hơn cả, đợt rà soát này cần phải tập trung làm rõ tính hiệu quả của các dự án đối với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Trong khi đó, có một thực tế, khi xây dựng dự án đầu tư, phần lớn các địa phương và không ít bộ, ngành chưa chú trọng khâu khảo sát, đánh giá thực tiễn (phần việc này thường được làm sơ sài, không do cơ quan tư vấn chuyên nghiệp thực hiện), nặng về đánh giá cảm tính, dẫn đến những quyết định đầu tư sai lầm hoặc kém hiệu quả. Thêm vào đó, việc phê duyệt dự án đầu tư hiện nay đã được phân cấp mạnh về cho địa phương, trong khi đó năng lực thẩm định dự án của địa phương còn nhiều hạn chế, cộng với cơ chế chung chi cho người ký quyết định phê duyệt dự án hoặc những người có vai trò quan trọng trong quy trình thẩm định và phê duyệt dự án, đã khiến không ít dự án được phê duyệt không bảo đảm tính hiệu quả kinh tế. Bằng chứng là có hàng trăm công trình lớn trong cả nước được đầu tư cả trăm hoặc nghìn tỷ đồng, nhưng làm xong thì đắp chiếu, không phát huy tác dụng. Chính vì những lý do này đã làm nảy ra tình trạng phê duyệt dự án đầu tư tràn lan, dàn trải, không hiệu quả. Đây có lẽ mới thực sự là lý do gây lãng phí tiền ngân sách nhà nước, và nếu không được nhìn nhận cũng như xử lý triệt để, thì sẽ còn là căn bệnh gây lãng phí lâu dài tiền bạc của nhà nước và nhân dân.

Bởi vậy, rà soát, đánh giá và cắt giảm dự án đầu tư kém hiệu quả từ ngân sách Nhà nước cần phải được làm một cách bài bản, liên tục, lâu dài với những tiêu chí rõ ràng, đi kèm theo đó là những chế tài xử lý đối với những trường hợp lập và phê duyệt dự án một cách vô trách nhiệm, chỉ cốt lấy phần trăm mà không quan tâm đến lợi ích chung của Nhà nước và của người dân. Có như vậy, việc cắt giảm chi tiêu công một cách lãng phí theo kiểu tiền chùa mới có hiệu quả lâu dài. Và chống lạm phát tăng cao không phải là việc làm có tính nhất thời mà rất cần có cái nhìn dài hạn với những biện pháp có hiệu lực trong dài hạn. Có như vậy, nền kinh tế mới vận hành trơn tru, tăng trưởng bền vững, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Cafeland.vn - Theo Đại Biểu Nhân Dân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland