Báo VietNamNet đang triển khai tuyến bài về thực hiện các dự án bãi đỗ xe trên đất quy hoạch được TP Hà Nội phê duyệt. Khảo sát thực tế tại quận Hoàng Mai cho thấy, mới chỉ có 3/83 ô đất quy hoạch bãi xe được thực hiện, còn lại gần nửa triệu m2 đất bãi xe đang trong cảnh "đắp chiếu".
Hoàng Mai là một trong số những quậncủa Hà Nội bên cạnh các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm... được sắp xếp quỹ đất dành cho quy hoạch bãi đỗ xe. Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án bãi đỗ xe vẫn đang gặp nhiều vướng mắc.
Bên cạnh các quận nêu trên, các quận "lõi" như Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm quỹ đất quy hoạch bãi xe gần như không có. Các quận này phải tìm mọi cách để giải quyết bài toán nan giải này.
"Đống Đa mới đáp ứng được 10% nhu cầu"
Tìm hiểu tại quận Đống Đa (quận đông dân nhất nhì TP với hơn 40 vạn dân) được biết, nhu cầu về bãi đỗ xe luôn trong tình trạng bức thiết. Theo thống kê, năm 2020, trên địa bàn quận có khoảng hơn một vạn xe ô tô đăng ký mới, cơ quan chức năng của quận có nhiều đề xuất lên TP Hà Nội xin chủ trương về cấp phép các bãi trông giữ xe tạm tại các lòng đường, hè phố.
Đại diện Phòng Quản lý đô thị (QLĐT) quận Đống Đa cho VietNamNet biết, trên toàn quận hiện nay, quỹ đất cho bãi đỗ xe rất ít, gần như bằng không. Còn đồ án quy hoạch phân khu đô thị vẫn đang trong quá trình chờ các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điểm trông giữ xe dưới lòng đường Xã Đàn chật kín phương tiện
Hiện nay, toàn quận có 40 điểm giao thông tĩnh được UBND quận, Sở GTVT cấp giấy phép, thỏa thuận đủ điều kiện để trông giữ phương tiện giao thông phục vụ công cộng.
Trong đó, UBND quận cấp 22 giấy phép trên via hè, Sở GTVT cấp tám giấy phép dưới lòng đường và mười thỏa thuận đủ điều kiện trông giữ phương tiện giao thông trong các khuôn viên.
"Nhu cầu về bãi đỗ xe của người dân, quận Đống Đa mới chỉ đáp ứng khoảng 10%. Còn lại 90% số phương tiện đang đỗ tại các điểm đỗ xe của chung cư, sân cơ quan, lòng đường, vỉa hè, sân trường, bệnh viện và các khu đất trống của các dự án", đại diện Phòng QLĐT quận cho biết.
Khảo sát thực tế các điểm trông giữ xe mà UBND quận Đống Đa cung cấp, các vị trí trên chủ yếu được quận tận dụng các vị trí lòng đường có lưu lượng giao thông ít, ven các hoặc các cổng chợ, bệnh viện, khu ngoại giao đoàn.
Một số vị trí do UBND quận cấp phép có thể kể đến như: Điểm đỗ xe ven hồ Ba Mẫu (phường Phương Liên) với diện tích khoảng một nghìn m2; Đối diện khu Ngoại giao đoàn (phường Trung Tự) diện tích hơn 100m2; khu vực gần cổng Đài PT-TH Hà Nội (phường Láng Hạ), diện tích gần 200m2...
Điểm trông giữ phương tiện đối diện khu Ngoại giao đoàn Trung Tự
Sở GTVT cấp phép cho tám vị trí trông giữ dưới lòng đường, bao gồm: Gầm cầu vượt Ngã Tư Vọng, diện tích gần ba nghìn m2; lòng đường phố Văn Miếu, diện tích gần 300m2; lòng đường phố Đặng Văn Ngữ, diện tích 306 m2...
Theo đại diện Phòng QLĐT, các điểm kể trên chỉ giải quyết một phần rất nhỏ nhu cầu đỗ xe của quận Đống Đa. Ngoài ra, một số khu chung cư, tập thể trên địa bàn quận cũng giải quyết phần nào áp lực việc dừng đỗ phương tiện.
"Các khu tập thể Thành ủy M3, M4, M5; chung cư B4-B14 tập thể Kim Liên... có thiết kế hầm đỗ xe nhưng chỉ giải quyết nhu cầu đỗ xe tại chỗ", đại diện Phòng QLĐT thông tin.
Thậm chí, theo lãnh đạo Phòng QLĐT quận Đống Đa, nhiều người làm việc tại Đài PT-TH Hà Nội (địa chỉ tại đường Huỳnh Thúc Kháng) phải sang công viên hồ Giảng Võ thuộc quận Ba Đình để gửi xe.
Nan giải bài toán bãi đỗ xe
Trước thực trạng thiếu bãi đỗ xe nghiêm trọng, nhằm ngăn chặn nguy cơ các bãi xe không phép mọc lên ảnh hưởng đến trật tự đô thị, Quận ủy, UBND quận Đống Đa nhiều năm nay đã đề xuất với TP Hà Nội giải quyết bài toán bãi đỗ xe.
Loạt xe máy lấp kín vỉa hè đoạn cổng trường THPT Lê Quý Đôn
Cụ thể, theo tài liệu VietNamNet có được, Thường trực Quận ủy từng đồng ý chủ trương của UBND quận về việc “xin ý kiến về chủ trương bố trí, sắp xếp cấp giấy phép sử đụng tạm thời một phần hè, đường phố để trông giữ phương tiện giao thông.
Theo đó, danh sách các vị trí tiềm năng gồm 31 vị trí, nằm rải rác tại các phường trên địa bàn quận. Một số điểm đáng chú ý gồm: đường Chùa Bộc, Chùa Láng, Hoàng Cầu, Huỳnh Thúc Kháng, Hào Nam, Nguyễn Chí Thanh...
Đại diện Phòng QLĐT quận cho biết, số vị trí trên nếu được đưa vào hoạt động sẽ giải quyết thêm khoảng 5% nhu cầu bãi đỗ xe.
Bên cạnh đó, từ năm 2018, UBND quận có văn bản gửi Sở GTVT và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội liên quan đến việc cung cấp số liệu đồ án quy hoạch bến, bãi đỗ xe trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Bãi gửi xe ven hồ Ba Mẫu luôn trong tình trạng quá tải
Theo đó, quận Đống Đa đang được Sở Quy hoạch - Kiến trúc hoàn thiện báo cáo gửi TP phê duyệt đồ án phân khu đô thị H1-3. Theo đồ án này, quận dự kiến có 18 bãi đỗ xe ngầm, nổi với diện tích xây dựng khoảng 80 nghìn m2 (tương ứng khoảng 300 nghìn m2 sàn), sức chứa dự kiến gần hai vạn xe ô tô.
Tuy nhiên, thực tế mới có 2/18 điểm tại được đầu tư gồm: số 36 phố Hoàng Cầu và bãi đỗ xe Láng Thượng phố Chùa Láng. Còn lại các vị trí khác (gồm đất khu dân cư, cửa hàng kinh doanh...) vẫn chưa thể thực hiện.
Đem thực trạng tại quận Đống Đa để so sánh với nửa triệu m2 đất quy hoạch bãi xe đắp chiếu tại quận Hoàng Mai, nhiều ý kiến không ngần ngại cho rằng việc thực hiện bãi xe trên toàn TP đang nảy sinh nhiều bất cập.
-
Tuyến phố "hốt bạc" bậc nhất Hà Nội ế sưng vì khách lần lượt "dứt áo ra đi"
Nguyên do vì vị trí đắc địa của phố Huế kéo theo giá thuê cũng cao chót vót, nhiều người phải "dứt áo ra đi" khi không trụ nổi sự ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19.