Ít dự án căn hộ cho thuê
Tại TP Hà Nội, ngoài dự án thí điểm cho thuê nhà ở xã hội dành cho
người có thu nhập thấp tại CT19A khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long
Biên) và vài dự án nhà ở xã hội khác cũng có quỹ nhà cho thuê, thuê mua,
hiện chỉ có Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) triển khai dự
án thí điểm xây dựng khu căn hộ cho thuê để ở, với tổng mức đầu tư gần
300 tỷ đồng (khoảng 300 căn hộ diện tích 40-119m2).
Tại TPHCM, cũng chỉ có dự án Beehome, do CTCP Quốc tế C&T làm chủ đầu tư, thuộc phân khúc khu căn hộ cho thuê để ở.
Kết quả tổng điều tra nhà ở toàn quốc cho thấy loại hình nhà thuộc sở
hữu riêng chiếm 92,8%; nhà ở cho thuê chỉ chiếm 6,5%; các hình thức
khác chiếm tỷ lệ không đáng kể. Riêng tại khu vực đô thị, tỷ lệ nhà cho
thuê để ở chỉ chiếm 14,5%.
Thậm chí đến nay nhiều địa phương còn chưa có quy hoạch, kế hoạch bố
trí quỹ đất để chuẩn bị cho việc phát triển nhà ở dành cho công nhân và
người thu nhập thấp, trong khi theo quy định, UBND cấp tỉnh phải dành
quỹ đất để phát triển nhà ở dành cho sinh viên, công nhân khu công
nghiệp và người thu nhập thấp.
Trong khi đó, hiện nay ở các đô thị, chỉ một số ít công chức, viên chức được ở nhà công vụ hoặc cấp đất làm nhà ở, còn phần đông phải tự lo. Tuy nhiên, tiền nhà ở trong tiền lương chưa được tính đúng, tính đủ và quá thấp so với giá nhà ở trên thị trường (tỷ lệ tiền nhà chiếm 7,5% tiền lương).
Sự èo uột của phân khúc căn hộ cho thuê đã được định bệnh từ nhiều
năm nay. Theo lý giải của các chủ đầu tư, mặc dù có nhiều tiềm năng,
thanh khoản tốt bởi khoản thu từ nhà cho thuê ổn định, sau nhiều năm cho
thuê vẫn có thể bán lại, nhưng cái khó là thời gian thu hồi vốn quá
lâu.
Hiện nay, trong điều kiện lãi suất ngân hàng cao, doanh nghiệp không có năng lực tài chính khó có thể đầu tư xây dựng khu căn hộ cho thuê.
Không đột phá, sẽ khó làm
Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, nên có quy định bắt buộc tăng tỷ lệ nhà
ở chung cư cao tầng tại khu vực đô thị. Theo đó, tăng tỷ lệ nhà ở cho
thuê trong quỹ nhà ở đô thị, góp phần đáp ứng nhu cầu nhà ở phù hợp với
điều kiện của đối tượng thu nhập thấp.
Cụ thể, đến năm 2020 nâng tỷ lệ nhà ở cho thuê tại khu vực đô thị trên cả nước lên mức 20-25% (hiện là 14%); tại Hà Nội tỷ lệ nhà ở cho thuê đạt 20-25% (hiện là 14%); tại TPHCM tỷ lệ nhà ở cho thuê đạt 25-30% (hiện là 19%); tại các đô thị loại I, tỷ lệ nhà ở cho thuê đạt 15-20% (hiện là 4-6%); tại các đô thị khác, tỷ lệ nhà ở cho thuê đạt khoảng 10%.
Đến thời điểm này, Chính phủ mới chỉ có chính sách về xây dựng nhà ở
xã hội cho thuê hoặc cho thuê mua và sắp có chế tài bắt buộc đối với một
số loại hình nhà ở đặc biệt như nhà ở công nhân, còn chính sách khuyến
khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà cho thuê chưa có.
Theo các chuyên gia BĐS, nếu chỉ giải quyết bằng các mệnh lệnh hành chính sẽ không hiệu quả - bởi trong tình cảnh nhà ở thương mại còn khó khăn chồng chất như hiện nay, việc xây nhà cho thuê “nhặt tiền lẻ” là phương án không doanh nghiệp nào chọn lựa.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành, phân tích: “Nếu doanh nghiệp đầu tư vốn mua đất, xây dựng rồi cho thuê, chờ thu hồi vốn sẽ rất khó. 80-90% doanh nghiệp BĐS sử dụng vốn vay ngân hàng, nếu vay vốn đầu tư dự án nhà cho thuê sẽ lâu thu hồi vốn. Vì vậy Nhà nước cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà cho thuê”.
Trên thực tế, ở nhiều nước phát triển, hình thức thuê nhà khá phổ
biến, thậm chí nhiều nơi còn phổ biến hơn mua nhà để sở hữu. Trong khi
đó ở nước ta, tâm lý phải sở hữu bằng được một căn hộ vẫn còn ăn sâu
trong suy nghĩ của đại bộ phận người dân.
Vì vậy, cần có những đột phá về các chính sách hỗ trợ thuế, quỹ đất,
vốn… dành cho doanh nghiệp đầu tư khu căn hộ cho thuê, để không chỉ giúp
loại hình nhà ở này phát triển mà còn giúp lành mạnh và bình ổn thị
trường BĐS về lâu dài.