GS. Đặng Hùng Võ cho biết: Nếu ông có tiền thì ông cũng không lãng phí bỏ số tiền đó ra mua căn hộ đắt giá bằng mấy ngôi biệt thự như vậy!

Căn hộ 100 tỷ: để bán được phải có đơn đặt hàng trước?

Được khởi công xây dựng từ tháng 12/2009, tiến độ sẽ hoàn thành trong năm 2014, hiện dự án D’Palais de Louis đã xây dựng xong phần hầm, tường bao và đang được thi công đến tầng 3. Với giá bán dự kiến trên 100 triệu đồng/m2 trở lên, mỗi căn hộ ở đây lên tới vài chục tỉ đồng. Riêng căn hộ Penhouse của D'.Palais de Louis rộng hơn 1.000 m2 có giá tối thiểu 100 tỷ thực sự khiến nhiều người trong giới địa ốc ngỡ ngàng trong bối cảnh thị trường BĐS khá trầm lắng như hiện nay. Mong muốn mà chủ đầu tư – Công ty Tân Hoàng Minh hướng tới đó là mang đến cho khách hàng những “kiệt tác vượt thời gian” và đó là sự lựa chọn tối ưu nhất để khẳng định đẳng cấp của mình.

Tuy nhiên, dự án này ngay từ ngày đầu ra mắt đã gặp phải khá nhiều luồng dư luận, khen – chê trái chiều. Đại diện của Tân Hoàng Minh tin tưởng rằng, BĐS cao cấp vẫn là phân khúc tiềm năng trên thị trường nếu nó thật sự cao cấp và hội tụ đủ 5 yếu tố sau: vị trí đắc địa, thiết kế, chất lượng vật liệu, nguyên liệu và thi công cho đến trang thiết bị sử dụng dịch vụ quản lý…

Theo dự đoán của một số người trong giới địa ốc Hà Nội, có thể dự án D'.Palais de Louis đã có đơn đặt hàng từ trước nên chủ đầu tư mới dám mạnh tay chi tiền "khủng" đầu tư căn hộ 100 tỷ siêu sang như vậy?!

Mặc dù vậy, trao đổi với báo Giáo dục Việt Nam, ông Trương Hải Long, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Bất động sản (BĐS) Hà Nội cho rằng: Quan niệm truyền thống cốt lõi của người Việt Nam vẫn luôn là tài sản gắn liền với đất. Do đó, nếu được lựa chọn, chắc chắn người Việt sẽ ưu tiên những ngôi nhà biệt thự hơn là những căn hộ đắt tiền ở trên cao.

Mê mẩn chiêm ngưỡng phòng ngủ căn hộ 100 tỷ giữa lòng Hà Nội

Hơn nữa, dự án D'.Palais de Louis ra đời trong thời điểm khó khăn hiện nay, bán được hay không đó là một khó khăn, thách thức của chủ đầu tư Tân Hoàng Minh. “Vì vào thời điểm hiện tại, khá nhiều dự án giảm giá, bán ra với giá rẻ hơn rất nhiều nhưng lại không có người mua, cũng có thể đối tượng khách hàng mà căn hộ 100 tỷ này nhắm đến là người nước ngoài, chứ không phải ở Việt Nam. Ở Việt Nam, có lẽ sẽ hạn chế hơn so với nước ngoài” – ông Long phán đoán.

Cũng đồng tình với quan điểm trên, anh Nguyễn Đình T., Giám đốc một công ty BĐS lớn tại Hà Nội cho rằng: Có thể ông chủ đầu tư vào dự án này đã có những đơn đặt hàng trước hoặc sở hữu những mối quan hệ đặc biệt. “Cũng không ngoại trừ khả năng một nhóm khách hàng nào đó đã sẵn sàng chi trả tiền, đặt cọc trước khoảng 10%, 20% gì đó, ký hợp đồng rao kèo: “Cứ xây xong đi, tôi sẽ mua” thì việc xây một cung điện nguy nga, tráng lệ giống Cung điện Versailles Pháp chẳng có gì đáng ngạc nhiên, thậm chí xây với giá 1 tỷ/m2 cũng hoàn toàn có thể làm được”.

Nếu có tiền, tôi cũng không mua?

Minh chứng cho tính thanh khoản tốt của thị trường BĐS cao cấp và khẳng định dự án của mình là một lựa chọn đúng, vừa qua Tân Hoàng Minh Group đã trao chìa khóa cho chủ nhân đầu tiên, một Việt kiều Mỹ - bà Vi Vi Hong Vu.


Căn hộ 100 tỷ:

GS. Đặng Hùng Võ cho rằng: Nếu có tiền, ông cũng không tốn kém bỏ một núi tiền ra mua căn hộ siêu sang như này!

Nhiều người cho rằng: Cũng giống như những hãng thời trang danh giá, những thương hiệu ô tô lừng lẫy, mỗi chủ đầu tư đều có những định hướng kinh doanh và lựa chọn con đường đi riêng của mình. Có nhiều người sẵn sàng bỏ cả đống tiền để dát vàng ô tô với mong muốn phục vụ cho giới siêu giàu hay những người tỷ phú.

“Có những người không ngần ngại rút hầu bao để mua máy bay riêng cho mình thì tôi tin cũng sẽ có người chẳng tiếc tiền mua căn hộ 100 tỷ ấy” – GS. Đặng Hùng Võ nói.

Tuy nhiên, khi được hỏi “Nếu có tiền, ông có bỏ tiền ra mua căn hộ này không?”, vị nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường này đã cười và trả lời rằng: “Thứ nhất, tôi không có nhiều tiền. Thứ hai, nếu tôi có tiền, tôi cũng không lãng phí bỏ số tiền đó ra mua căn hộ đắt giá như vậy”!

Một số chuyên gia về BĐS cũng nhận xét: Với căn hộ triệu đô như thế, tính chất đầu tư, mua đi bán lại chắc chắn là không có, có chăng chỉ là để thỏa mãn nhu cầu ăn ở, phục vụ nhu cầu sống thực của những người có tiền.

“Vào thời điểm này, tôi nghĩ, người Việt mua dự án đó sẽ rất hạn chế, trừ trường hợp đại gia nhưng đại gia bây giờ cũng có nhiều sự quan tâm khác. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, những người có tiền cũng sẽ sử dụng số tiền của họ vào mục đích hiệu quả hơn. Nếu muốn “chơi” thì sẽ “chơi” những hạng mục khác, sẽ thể hiện đẳng cấp ở tầm cỡ khác khả thi, thoải mái hơn chăng?” – Lãnh đạo một công ty BĐS và dịch vụ địa chính ở Hà Nội đưa ra ý kiến của mình.

Với tư cách là một sàn giao dịch BĐS, quan điểm của vị lãnh đạo trên cho rằng: Tôi sẽ không nhận sản phẩm đó về để bán. Bởi lẽ, tôi không muốn mất quá nhiều thời gian bán những sản phẩm không phù hợp với thời điểm hiện tại và với đại đa số người dân Việt Nam.

“Tôi nghĩ dự án ra đời, trừ khi có đơn đặt hàng trước hoặc phục vụ lợi ích ngoài kinh doanh. Ví dụ như chủ đầu tư đó muốn chứng minh đẳng cấp của doanh nghiệp. Đó là quyền hợp pháp của doanh nghiệp, anh ta muốn chứng tỏ rằng: Anh có đủ sức đưa ra thị trường sản phẩm cao cấp, hạng sang như thế này và chứng minh công ty có khả năng làm được như thế, tạo ra uy tín rất lớn trên thị trường ra sao?”.

Trái ngược với quan điểm trên, GS. Đặng Hùng Võ lại cho rằng: trước khi đi vào xây dựng, chắc chắn chủ đầu tư đã phải tính toán kỹ, họ nhận thấy vẫn có khả năng kiếm lời dựa trên những sản phẩm siêu sang đó. “Dự án 100 tỷ ra đời là để phục vụ những người có tiền, cũng giống như người giàu thì đi xe sang và xài đồ xịn vậy! Đó là lựa chọn hợp pháp của họ, không có gì đáng ngạc nhiên hay phải bình luận nhiều” – Ông Võ kết luận.

Theo Báo Giáo dục
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.