19/10/2020 7:45 AM
Trong giai đoạn tới, Đồng Nai sẽ thực hiện nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật từ nhỏ đến lớn và ước tính cần đến nguồn vốn để đầu tư lên đến hơn 70 ngàn tỷ đồng. Trong đó, một số dự án cần số vốn “khủng” - khoảng 3-7 ngàn tỷ đồng/dự án. UBND tỉnh cho biết sẽ sắp xếp theo thứ tự ưu tiên để thực hiện các dự án.

Đồ họa thể hiện nguồn vốn ước tính để đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật của các địa phương trong tỉnh giai đoạn 2021-2025 (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

Các địa phương cần nguồn vốn lớn để triển khai các dự án hạ tầng kỹ thuật trong 5 năm tới là: TP.Biên Hòa, H.Long Thành, H.Nhơn Trạch, H.Trảng Bom và TP. Long Khánh. Tỉnh xác định, đầu tư hạ tầng nhằm tạo đột phá cho phát triển, tăng trưởng kinh tế trên địa bàn và nâng thu nhập cho người dân.

Quy hoạch nhiều dự án lớn

Tổng vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 của tỉnh là hơn 52,6 ngàn tỷ đồng và chủ yếu để đầu tư làm đường, cầu, hệ thống cấp nước, thoát nước, hồ chứa nước, trạm y tế, trường học... Đến cuối tháng 10-2020, nhiều dự án mới đang trong quá trình hoàn thành hồ sơ và phải chuyển tiếp qua giai đoạn tới để làm. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đang cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030 nhiều dự án lớn trên lĩnh vực hạ tầng để bố trí vốn thi công và mời gọi đầu tư từ các nguồn vốn khác.

Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà, nhiều doanh nghiệp rất chú ý đến các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh và đề xuất được thực hiện. Ví dụ như cầu Cát Lái hiện đã có 7 doanh nghiệp lớn nộp hồ sơ xin tham gia dự án.

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho hay: “Thành phố đã hoàn thành danh mục các dự án đầu tư công trung hạn 5 năm từ 2021-2025 và đề xuất UBND tỉnh bố trí vốn theo từng năm. Dự tính nguồn vốn đầu tư cho cả giai đoạn gần 14 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn TP.Biên Hòa còn có gần 10 dự án quan trọng của tỉnh, cần nguồn vốn trên 10 ngàn tỷ đồng để thực hiện”.

Một số dự án của tỉnh cần vốn đầu tư công lớn trong những năm tới là: đường ven sông Đồng Nai; đường ven sông Cái; đường trục trung tâm TP.Biên Hòa; hương lộ 2; đường liên cảng Phước An; cầu Cát Lái; đường 25C, 25B; hệ thống thoát nước, xử lý nước thải cho TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, các huyện Trảng Bom, Nhơn Trạch, Long Thành... Bên cạnh đó, UBND tỉnh quy hoạch hàng loạt các khu công nghiệp, khu đô thị cũng cần nguồn vốn lớn đầu tư đường giao thông kết nối, điện, nước.

Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Nguyễn Thế Phong cho biết: “Trong 5 năm tới, H.Nhơn Trạch cần nguồn vốn hơn 10 ngàn tỷ đồng để đầu tư các tuyến đường, cầu để kết nối giao thông vùng. Các dự án giao thông của Trung ương, tỉnh, huyện nếu được đầu tư đúng theo lộ trình, đưa vào khai thác sẽ giúp cho huyện hoàn thành tiêu chí lên thị xã, thành phố”.

Hiện H.Nhơn Trạch đang tiến hành cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch xây dựng cầu Cát Lái và đường liên cảng Phước An. Dự tính riêng cầu Cát Lái có tổng vốn đầu tư khoảng 7,2 ngàn tỷ đồng, đường liên cảng Phước An là 6,2 ngàn tỷ đồng. H.Nhơn Trạch cần thêm hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng đường 25B, 25C... Tuy nhiên, nếu đầu tư hạ tầng H.Nhơn Trạch tốt, kết nối giao thông thuận lợi được với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dự đoán ngân sách có thể tăng thu hàng ngàn tỷ đồng/năm ở H.Nhơn Trạch từ hệ thống cảng và từ khối doanh nghiệp đến đầu tư ở địa phương.

H.Long Thành và H.Trảng Bom cũng đã có kế hoạch phấn đấu trở thành thị xã trong giai đoạn 2021-2025. Vì thế, các địa phương trên cần phân bổ, huy động nguồn vốn hàng ngàn tỷ đồng để triển khai nhiều tuyến đường giao thông nhằm tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư và phát triển - kinh tế, xã hội. H.Long Thành đang gấp rút hoàn thành hồ sơ thực hiện nhiều tuyến đường xung quanh sân bay để giao thông thuận lợi. Kế hoạch của tỉnh sẽ xây dựng H.Long Thành trở thành thành phố sân bay.

Các huyện vùng ven sân bay cũng “bắt” lấy cơ hội, đầu tư hạ tầng để phát triển kinh tế cho địa phương. Chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ Huỳnh Tấn Thìn chia sẻ: “Huyện cần hơn 1,3 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư công để làm một số tuyến đường, hồ chứa nước trong 5 năm tới. Các tuyến đường giao thông rất cần thiết vì kết nối với 2 khu công nghiệp, 1 cụm công nghiệp. Hồ chứa nước là để cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp”.

Tạo đà cho phát triển kinh tế

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang hoàn thành kế hoạch đăng ký vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Qua tìm hiểu tại các địa phương thì nguồn vốn cần cho 5 năm tới tăng 18 ngàn tỷ đồng so với giai đoạn 2016-2020.

Huyện Nhơn Trạch cần 7,2 ngàn tỷ đồng làm cầu Cát Lái. Ảnh: H.GIANG

Trong đó, có nhiều dự án lớn của tỉnh chưa triển khai được theo đúng kế hoạch như: đường liên cảng Phước An, đường ven sông Cái, đường ven sông Đồng Nai, đường nối cầu Bửu Hòa - quốc lộ 1K, đường trục trung tâm TP.Biên Hòa, hương lộ 2... Do đó, các dự án sẽ tăng tốc trong giai đoạn tới để hoàn thành đưa vào sử dụng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường nhiều lần nhấn mạnh tại các cuộc họp giao ban về kinh tế - xã hội hằng tháng là nhiều dự án giao thông trọng điểm của tỉnh đã quy hoạch 1-2 nhiệm kỳ nhưng chưa thực hiện được. Dự án kéo dài ảnh hưởng đến đời sống của người dân, cản trở phát triển kinh tế. Do đó, UBND tỉnh, các sở, ngành phối hợp với các địa phương triển khai nhanh các dự án giao thông quan trọng để tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế, tăng thu cho ngân sách nhà nước, nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn.

Ông Okada Hideyuki, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM cho biết: “Những năm tới, Đồng Nai tiếp tục là điểm đến được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chọn lựa. Nếu thời gian qua, doanh nghiệp Nhật Bản chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp thì tới đây sẽ thêm thương mại dịch vụ. Thế nhưng, để đón dòng vốn lớn từ Nhật Bản, tỉnh cần đầu tư nhanh về hạ tầng giao thông”.

Từ năm 2016-2018, UBND tỉnh dự kiến triển khai hơn 40 dự án hạ tầng giao thông quan trọng bằng hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Tỉnh sẽ lấy đất đổi hạ tầng với các doanh nghiệp đầu tư các tuyến đường, công trình. Tuy nhiên, Đồng Nai mới triển khai được một số dự án buộc phải ngưng lại theo yêu cầu của Chính phủ. Các tỉnh thành, trong đó có Đồng Nai, phải mất hơn 1 năm chờ đợi Chính phủ tháo gỡ các dự án định đầu tư theo hình thức BT. Tại Đồng Nai, những dự án hạ tầng kỹ thuật dự tính đầu tư theo hình thức BT phải làm lại hồ sơ tìm nguồn vốn khác để đầu tư. UBND tỉnh chọn cách đầu tư là dùng vốn ngân sách để làm, sau đó thu hồi các khu đất có lợi thế để đấu giá bù lại. Việc này ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế của các địa phương.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng khẳng định: “Thời gian qua, tỉnh đã đấu giá được một số khu đất “vàng”, thu về trên 6 ngàn tỷ đồng và số tiền trên được dùng đầu tư các dự án quan trọng của tỉnh. Hiện các dự án đang thi công không lo thiếu vốn, các chủ đầu tư, đơn vị thi công có thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện để giải ngân nguồn vốn”.

Lâu nay, khu vực nào có các tuyến đường lớn mở ra, giao thông thuận lợi, rút ngắn được thời gian đi lại, vận chuyển hàng hóa thì khi vực đó sẽ thu hút được nhiều dự án đầu tư vào các lĩnh vực gồm: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch, bất động sản. Đơn cử, tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hoàn thành đưa vào khai thác, khoảng 2-3 năm nay, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước đầu tư vào H.Thống Nhất, TP.Long Khánh tăng cao. Hiện 3 khu công nghiệp gần tuyến cao tốc trên là Suối Tre, Long Khánh, Dầu Giây đã gần lấp đầy. Các địa phương đã đề xuất quy hoạch mới và mở rộng các khu công nghiệp để đón làn sóng đầu tư tiếp tục đổ vào tỉnh.

Đồng Nai đang là địa phương có nhiều tiềm năng khiến các tập đoàn trong nước, ngoài nước đều muốn đầu tư vào trên các lĩnh vực, công nghiệp, thương mại dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật, bất động sản, du lịch. Bên cạnh việc thực hiện tốt các quy hoạch, tỉnh cần chú trọng việc đơn giản thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp rót vốn vào thực hiện các dự án.

Hương Giang (PLO)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.