14/01/2017 11:35 PM
Mặc dù thời gian gần đây, “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng ngày càng được củng cố và đi vào ổn định, song những rủi ro tiềm ẩn của một vài ngân hàng yếu kém vẫn còn đó, vẫn luôn thường trực đe dọa tới sự phát triển ngành ngân hàng.
Vì thế, trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, chuyên gia tài chính – ngân hàng PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi nhận định, các cơ quan quản lý cần có giải pháp quyết liệt hơn, trong đó, đã tới lúc tính tới phương án phá sản ngân hàng.
Đánh giá của bà về những điểm chưa an toàn, còn nhiều rủi ro, của ngành ngân hàng?
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tình hình “sức khỏe” hệ thống ngân hàng đã có tiến triển tốt, nhưng theo tôi vẫn còn ẩn chứa nhiều rủi ro, chưa an toàn.
Đầu tiên là rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, điều này đã và đang làm cho nợ xấu ngân hàng có nguy cơ gia tăng. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này bắt nguồn từ nhiều khía cạnh, thứ nhất là sở hữu chéo và đầu tư chéo trong hoạt động ngân hàng dẫn đến hiện tượng “ảo” về vốn tự có, việc tính các hệ số an toàn vốn (CAR) thiếu chính xác, cách hạch toán lãi dự thu tại không ít ngân hàng làm cho quy mô cũng như khối lượng nợ xấu mà các ngân hàng báo cáo chưa sát với thực tế. Trong khi đó một số ngân hàng cho vay, đầu tư lớn vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT hay đầu tư vào các công ty sân sau, hậu quả là nợ xấu lớn mà không dễ dàng xử lý nhanh được.
Khía cạnh thứ hai là các ngân hàng thương mại đã dùng tỷ lệ vốn ngắn hạn lớn để cho vay trung và dài hạn. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2017, NHNN cho biết, năm 2016, tỷ lệ dư nợ cho vay trung và dài hạn chiếm trên 50% tổng dư nợ, trong khi đó, huy động vốn trung và dài hạn chỉ từ 12-15%. Điều này khiến các ngân hàng luôn tiền ẩn rủi ro kỳ hạn, rủi ro này nếu không sớm được khắc phục thì hệ thống ngân hàng sẽ khó ổn định được.
Một vấn đề nữa cũng dẫn đến các rủi ro cho ngành ngân hàng là yếu tố công nghệ. Mặc dù các ngân hàng đã thực sự quan tâm đến đầu tư công nghệ, hiện đại hóa ngân hàng. Nhưng do công nghệ phát triển quá nhanh mà việc tiếp cận, sử dụng tại mỗi ngân hàng còn bất cập, hơn nữa, không phải ngân hàng nào cũng đủ năng lực tài chính và có nguồn nhân lực để thực hiện. Vì vậy rủi ro công nghệ dễ nảy sinh dưới nhiều dạng rất tinh vi. Những rủi ro này xảy ra không chỉ khách hàng, ngân hàng mất tiền, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngân hàng, đến an toàn hệ thống.
Thời gian qua, NHNN đã đưa ra nhiều giải pháp để xử lý các ngân hàng yếu kém. Bà nhận định như thế nào về công tác này của NHNN?
Theo tôi, việc tái cơ cấu các ngân hàng diễn ra chậm, nên việc xử lý các yếu kém của một số ngân hàng cũng chậm và có điểm còn hạn chế. Nếu không sớm xử lý rốt ráo các ngân hàng này thì có thể sẽ gây nên tình trạng “níu kéo”, khó cho quá trình xây dựng một hệ thống ngân hàng Việt Nam lành mạnh, ổn định như mục tiêu đã đề ra.
Điểm nổi bật nhất là việc NHNN đã mua 3 ngân hàng yếu kém với giá “0 đồng”, chuyển sang dạng ngân hàng TNHH một thành viên, giao cho các ngân hàng thương mại có yếu tố Nhà nước quản lý và hỗ trợ. Biện pháp này đã khắc phục được sự đổ vỡ của ngân hàng cũng như của hệ thống ngân hàng. Nhưng các ngân hàng được chọn hỗ trợ cũng còn những khó khăn về nguồn nhân lực có chất lượng, về năng lực tài chính, về các hệ số an toàn trong kinh doanh, về kinh nghiệm quản trị một ngân hàng hiện đại… thì việc phải “giúp” một đến hai ngân hàng yếu kém, sẽ dẫn đến nguồn lực bị chi phối và ở một chừng mực nhất định việc hỗ trợ các ngân hàng yếu kém vẫn “dựa” chủ yếu vào NHNN. Điều này đã làm chậm quá trình tái cơ cấu và hiệu quả tái cơ cấu của các ngân hàng cũng bị hạn chế.
Cùng với giải pháp trên, thời gian gần đây, NHNN đã chỉ ra một số ngân hàng có vấn đề cũng như các điểm yếu của từng ngân hàng và cả hệ thống ngân hàng để có phương án khắc phục. NHNN đã xây dựng các đề án để trình Chính phủ cũng như dự Luật về xử lý ngân hàng yếu kém và xử lý nợ xấu trình Quốc hội thông qua, để có thể thực thi vào năm 2017.
Đến nay, nếu các ngân hàng vẫn yếu kém, thì việc thực hiện giải pháp phá sản các ngân hàng yếu kém cần phải tính đến (ảnh minh họa).
Theo bà, giải pháp cốt lõi để xử lý các ngân hàng yếu kém là gì?
Theo tôi, một số ngân hàng yếu kém từ nhiều năm qua, đã thực thi một số giải pháp khắc phục như: Kiểm soát đặc biệt, ngân hàng tự khắc phục, giao cho một số ngân hàng có yếu tố nhà nước hỗ trợ, NHNN hỗ trợ các ngân hàng yếu kém để bảo đảm tính thanh khoản qua một số cơ chế… Đến nay, nếu các ngân hàng vẫn yếu kém, thì việc thực hiện giải pháp phá sản các ngân hàng yếu kém cần phải tính đến. Phá sản ngân hàng vẫn được cho là vấn đề nhạy cảm ở Việt Nam, nhưng sau 2-3 năm mà chưa đạt được kết quả tối thiểu, nếu vẫn phải hỗ trợ về thanh khoản, hoặc cứ tiếp tục để ngân hàng huy động của khách hàng sau để trả cho khách hàng gửi trước, thì chi phí để xử lý các ngân hàng này cùng các chi phí cơ hội đối với các ngân hàng nhận hỗ trợ sẽ rất lớn. Tất nhiên, để một ngân hàng nào đó phá sản vẫn cần chú ý không làm đổ vỡ hệ thống và phải bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền.
Thực ra, nói về quyền lợi người gửi tiền, cần làm rõ hơn khi người dân gửi tiền vào ngân hàng nào có lãi suất cao, thì rủi ro sẽ tiềm ẩn lớn. Nhưng vì suy nghĩ “sẽ không có sự phá sản ngân hàng, nếu có vấn đề gì sẽ có Nhà nước đứng sau”, vì thế trong quá trình tái cấu trúc này, vẫn phải tính đến quyền lợi của người gửi tiền tại các ngân hàng yếu kém. Nhưng thời gian tới, quan điểm này cần phải nhìn nhận lại và thay đổi để làm sao hoạt động của các ngân hàng cũng tương tự hoạt động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường, hiểu rõ mối quan hệ giữa lợi nhuận và rủi ro. Đồng thời cần minh bạch chính sách, với sự chỉ đạo cùng hành động nhất quán để doanh nghiệp và người dân đoán định được định hướng của nhà điều hành, đưa ra các quyết định đầu tư đúng đắn hơn.
Liên quan đến hỗ trợ các ngân hàng yếu kém, thậm chí cho phá sản ngân hàng, xử lý nợ xấu tại các TCTD, NHNN cần tiến hành sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng và các luật khác có liên quan. Xây dựng về tái cơ cấu, xử lý nợ xấu để nhanh chóng giải quyết được những vướng mắc về xử lý tài sản bảo đảm trong mối quan hệ về vay và cho vay của ngân hàng với khách hàng. Việc chỉnh sửa luật cần theo hướng phải nâng dần các chuẩn về an toàn trong hoạt động ngân hàng, tiếp cận đến thông lệ quốc tế.
Cùng với đó là việc phải ngăn chặn được các lỗ hổng về pháp lý, về cơ chế chính sách như vấn đề đầu tư vào cổ phiếu cổ phần, tránh sở hữu chéo, đầu tư chéo bất hợp pháp. Thực ra sở hữu chéo không phải chỉ có mặt tiêu cực, nhưng nếu không được kiểm soát chặt chẽ, dòng tiền lòng vòng trong ngân hàng, thậm chí không có dòng tiền thật thì rất nguy hiểm. Tôi được biết Thống đốc NHNN cũng chỉ đạo rất cương quyết vấn đề này, và coi sở hữu chéo, đầu tư chéo vào các doanh nghiệp sân sau tại các ngân hàng là một trong những điểm yếu lớn của ngành. Vì thế khi các nhà đầu tư nắm giữ đến một tỷ lệ cổ phần của các ngân hàng nhất định, phải xác định rõ nguồn tiền, tránh việc vay ngân hàng mẹ đầu tư vào công ty “con”,”cháu” và ngược lại… gây bất ổn thị trường như thời gian qua.
Một vấn đề nữa là phải đưa ra điều kiện và tiêu chuẩn cao hơn, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với quản trị một tổ chức. Đặc biệt, công tác thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng phải được thực hiện chặt chẽ để các ngân hàng nhận rõ và chấp hành các quy định chung của ngành và coi việc chấp hành là nhu cầu tự thân.
Xin cảm ơn bà!
Trong kế hoạch kiểm toán năm 2017 của Kiểm toán Nhà nước có nêu ra việc sẽ tiến hành kiểm toán 3 ngân hàng “0 đồng”, ý kiến của bà về vấn đề này?
- Điều này rất cần thiết, bởi sau thời gian gần 2 năm giao cho một số ngân hàng hỗ trợ, bên cạnh sự hỗ trợ của NHNN, ngân hàng “0 đồng” đã được cải thiện đến đâu. Vấn đề xã hội quan tâm là quản trị ngân hàng này ra sao? Nợ xấu thực chất là bao nhiêu, đã xử lý đến đâu? Sử dụng nguồn lực của Nhà nước bơm qua các ngân hàng hỗ trợ để tái cấu trúc như thế nào? Bao giờ thì trở thành ngân hàng lành mạnh… để bán được? Do vậy, việc kiểm toán các ngân hàng này để minh bạch các thông tin trên là điều cần thiết và nên làm trong bối cảnh hiện nay.
Hương Dịu (Hải quan)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.