Thị trường bất động sản cần có chỉ số đánh giá đáng tin cậy để người dân tham khảo
Việc xây dựng chỉ số giá BĐS là điều hết sức cần thiết, để dựa vào đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có cơ sở tham khảo, sử dụng vào việc quản lý thị trường BĐS, đầu tư dự án (DA). Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có một số công ty tư vấn nghiên cứu đầu tư, quản lý BĐS của nước ngoài như Savills Vietnam, CBRE và một vài DN kinh doanh BĐS trong nước có những công bố về chỉ số giá BĐS của các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng, Cần Thơ. Song giữa các bản nghiên cứu này vẫn có độ vênh và khó thể kiểm chứng vì không có số liệu chuẩn xác từ phía Nhà nước để đối chiếu.
Trước đây, Công ty cổ phần đầu tư BĐS Việt Nam (Vinaland) cũng có nghiên cứu về chỉ số giá, trong đó thể hiện biến động về giá tại các DA, dựa trên chuyển động thị trường. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, từ khi BĐS "đóng băng" thực sự thì Vinaland mới công bố chỉ số giá thị trường này đến tuần 25 của năm 2012 trên trang web của mình rồi "treo" từ đó đến nay. Trên một số trang web BĐS cũng có bảng giá tham khảo song dường như chúng chẳng dựa trên tiêu chí, giao dịch cụ thể nào.
Trên thực tế, vấn đề cần thiết phải xây dựng chỉ số giá BĐS như một trong những động tác nhằm minh bạch hóa thị trường này đã được các chuyên gia, nhà quản lý đặt ra từ lâu. Cuối năm 2010, Bộ Xây dựng cũng đã có Thông tư 20/2010/TT- BXD hướng dẫn thí điểm xây dựng một vài chỉ số đánh giá thị trường BĐS. Trong đó hướng dẫn thí điểm xác định và công bố một vài chỉ số đánh giá thị trường BĐS của Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ; đồng thời khuyến khích các tỉnh, thành phố khác áp dụng thông tư này để phục vụ công tác quản lý thị trường tại địa phương... Theo đó, các loại BĐS như căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền, văn phòng cho thuê sẽ được xác định chỉ số đánh giá theo thời điểm gốc là quý 1-2011 và dựa theo đó có những so sánh về giá, lượng giao dịch BĐS theo từng khu vực và chung cho từng địa phương. Số liệu liên quan đến giao dịch BĐS được thu thập từ các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tại địa phương thông qua hợp đồng công chứng về giao dịch BĐS, đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng BĐS, nghĩa vụ nộp thuế giao dịch BĐS và được thực hiện hàng tháng, hàng quý.
Tuy nhiên, nhiều năm qua thị trường này vẫn chưa thấy kết quả nghiên cứu nào được công bố công khai theo đúng tinh thần Thông tư 20 để người dân, DN có thể lấy đó làm căn cứ tham khảo nhằm có cái nhìn toàn diện về biến động của thị trường.
Theo nhiều NĐT, trên thực tế hiện nay thị trường BĐS có nhiều nguồn thông tin nhưng không có nguồn đủ tin cậy giúp NĐT có cái nhìn toàn diện để đánh giá rủi ro và tính toán được tiềm năng lợi nhuận trước khi quyết định thực hiện.