Còn tình trạng đầu tư “chui”, vốn mỏng
Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, tính đến hết ngày 31/12/2018, Hà Nội có gần 4.500 dự án FDI còn hiệu lực thực hiện với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 36,6 tỉ USD.
Năm 2018, thu hút vốn FDI của TP. Hà Nội đạt 7,5 tỉ USD. Đây là lần đầu tiên Hà Nội đứng đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Vốn FDI thực hiện đã giải ngân lũy kế trên địa bàn thành phố đạt khoảng 18,9 tỉ USD, chiếm 52,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Theo lĩnh vực, vốn FDI tại Hà Nội chảy nhiều nhất vào bất động sản và công nghiệp chế biến chế tạo. Nhật Bản đứng đầu về quy mô vốn đầu tư với khoảng 10,2 tỉ USD, tiếp đến là Singapore với khoảng 6 tỉ USD. Quy mô vốn đầu tư đăng ký trung bình một dự án là 7,6 triệu USD.
Hiện nay, nguồn vốn FDI chiếm khoảng 9,9% (trung bình toàn quốc là 20%), góp phần duy trì mức tăng trưởng GRDP cao của thành phố, thực hiện chuyển giao công nghệ ở một số ngành, lĩnh vực ô tô, hoá chất, quản lý khách sạn, y tế, giáo dục.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Hà Nội vẫn gặp nhiều vướng mắc trong thu hút và sử dụng vốn FDI khi thiếu chiến lược/quy hoạch từ phía các bộ, ngành Trung ương; quy mô vốn đầu tư các dự án FDI nhỏ, nguồn vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài thấp, chưa phát huy được tiềm năng của nguồn vốn FDI.
Còn hiện tượng giao dịch liên kết, chuyển giá; đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”. Dự án công nghệ cao và hoạt động chuyển giao công nghệ chưa nhiều, chưa thể hiện các hiệu ứng, kết quả rõ nét. Tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) còn ít.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, thực tế nhiều nhà đầu tư sử dụng chiến lược "vốn mỏng", sau đó vay ở trong nước hoặc huy động ở nước ngoài tác động đến nợ nước ngoài của Việt Nam. Dư nợ vay nợ nước ngoài vốn FDI của Hà Nội là 1,82 tỷ USD, chiếm 7,4% dư nợ của cả nước.
Cùng với đó, trong Luật Đầu tư không quy định nhóm, vốn đầu tư nên trong thực tế nhiều dự án được cấp phép không rõ bao nhiêu nguồn vốn của doanh nghiệp, bao nhiêu vốn vay, gây khó cho NHNN trong xem xét các khoản vay nợ nước ngoài của khu vực FDI.
Vì vậy, NHNN đang dự thảo thông tư để quản lý nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI, dự tính đưa ra quy định vốn vay trên vốn thực tế ở mức độ nhất định, bà Hồng chia sẻ.
Cần cái nhìn mới trong thu hút FDI
Tổng kết buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói, tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tốc độ huy động vốn FDI của TP. Hà Nội tăng về số tuyệt đối nhưng tỷ trọng lại theo xu hướng giảm xuống. “Việc giảm này cần phân tích, đánh giá kỹ, đôi khi là tốt, chứng tỏ khu vực kinh tế trong nước mạnh lên, tránh lệ thuộc quá nhiều vào khu vực FDI”.
Theo Phó Thủ tướng, một số quốc gia GDP tăng trưởng cao, tỷ trọng khu vực FDI rất lớn nhưng lợi ích của quốc gia rất thấp, nhất là vấn đề đóng góp cho ngân sách Nhà nước. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho nhà đầu tư có lợi ích khi vào Việt Nam thì cũng cần phải bảo đảm lợi ích cho đất nước và cho người lao động.
Cụ thể, cần xem xét tới các yếu tố lợi ích về kinh tế, xã hội, môi trường, chất lượng cuộc sống và thu nhập của người lao động khi thu hút FDI, chứ không phải chỉ nhìn vào số lượng thu hút, giải ngân của doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh, yêu cầu, điều kiện mới, cần có đổi mới tư duy về chính sách và tổ chức thực hiện các chính sách liên quan đến thu hút và sử dụng vốn FDI.“Phải chuyển từ giai đoạn tăng cường thu hút, sử dụng FDI sang giai đoạn hợp tác về đầu tư, phát triển, coi nhà đầu tư như đối tác hợp tác toàn diện trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, có thái độ cầu thị, trân trọng, văn hóa”.
Cùng với đó, tư duy về xúc tiến đầu tư phải đổi mới, cải cách mạnh mẽ, chuyển trọng điểm thu hút từ chiều rộng sang chiều sâu, từ số lượng sang chất lượng, hướng tới xây dựng mô hình khu công nghiệp gắn kết với đô thị, nhà đầu tư làm việc và sống tại chỗ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
-
Nhà đầu tư nước ngoài cần chuẩn bị gì khi đầu tư bất động sản tại Việt Nam?
Tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng, chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh bất động sản theo hướng cởi mở với các nhà đầu tư nước ngoài là nguyên nhân khiến dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam ngày càng gia tăng.