Khu tái định cư Bình Khánh đã hoàn thành cách đây 8 năm, trải qua 3 lần đấu giá nhưng đến nay vẫn trong tình trạng “cửa chắn, lối chặn” do không có cư dân sinh sống. Lãnh đạo TP.HCM sắp tới sẽ tổ chức phiên đấu giá lần thứ 4, với kỳ vọng sẽ đưa dự án khang trang này thoát cảnh “vườn không nhà trống”.

Toàn cảnh Khu tái định cư Bình Khánh

Năm 2013, dự án Khu tái định cư Bình Khánh chính thức được khởi công trên diện tích 38,4ha của phường Bình Khánh (Quận 2 cũ, nay là TP.Thủ Đức). Dự án thuộc chương trình đầu tư xây 12.500 căn hộ, nhằm phục vụ cho nhu cầu của người dân trong khu vực giải tỏa.

Chỉ hai năm sau đó, dự án đã hoàn thành hơn 80% (tương đương với 10.000 căn hộ). Theo cơ cấu phân bổ, 3.000 căn hộ sẽ tiếp tục thực hiện tái định cư. TP. Thủ Đức đã bố trí sử dụng được khoảng 2.000 căn tái định cư cho các hộ dân, đối với 1.000 căn hộ còn lại, TP.HCM đã có quyết định phân bổ cho UBND TP. Thủ Đức tiếp tục tái định cư cho khu đô thị Thủ Thiêm và các dự án đầu tư công khác trên địa bàn.

Đối với khoảng 3.790 căn hộ tái định cư không còn nhu cầu sử dụng để phục vụ tái định cư, theo đề nghị của TP.HCM, Thủ tướng và Bộ Xây dựng đã có kết luận sẽ chuyển sang bán đấu giá.

Lần đấu giá đầu tiên được triển khai vào năm 2017, với mức giá khởi điểm là 8.800 tỉ đồng. Kết quả, phiên đấu giá không nhận được đơn đăng ký của cá nhân, tổ chức nào.

Đến tháng 2/2018, TP.HCM tiếp tục tổ chức bán đấu giá 3.790 căn hộ tái định cư với giá khởi điểm 9.100 tỉ đồng nhưng vẫn gặp phải kết quả tương tự.

Sau hai lần đấu giá không thành công, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá (Sở Tư pháp TP.HCM) kiến nghị tiếp tục thực hiện lần thứ ba. Phiên đấu giá tổ chức vào tháng 6/2021 với số tiền khởi điểm đấu khởi điểm là 9.900 tỉ đồng.

Phía Trung tâm lên kế hoạch thay đổi phương án đấu giá nêu lần thứ ba nếu không thu hút nhà đầu tư. Cụ thể, sẽ chia nhỏ số lượng căn hộ bán theo cụm, khối nhà. Nếu gặp khó, có thể chia ra theo sàn, cụm và thậm chí bán lẻ từng căn. Tuy nhiên, kết quả cũng tương tự như hai lần trước đó, không có doanh nghiệp nào tham gia.

Theo ghi nhận của báo chí, các doanh nghiệp không tham gia đấu giá vì cho rằng mức giá khởi điểm TP.HCM đưa ra không tương xứng với giá trị. Vì đây là những căn hộ tái định cư, đã "để hoang" nhiều năm.

Đáng chú ý, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, lãnh đạo TP.HCM đã tận dụng khu nhà ở bỏ hoang này làm bệnh viện dã chiến. Khi dịch bệnh được kiểm soát, tình hình tiến triển tích cực hơn, bệnh viện dã chiến ngưng hoạt động, dự án quay lại trạng thái “vườn không nhà trống”.

Ba lần đấu giá thất bại, đến nay dự án TĐC Bình Khánh đã bỏ hoang gần 8 năm. Phóng viên của Cafeland đã có mặt ghi nhận hình ảnh thực tế tại khu tái định cư này.

Những góc nhìn toàn cảnh cho thấy dự án vẫn đang trong hiện trạng tốt. Phần sơn bên ngoài và các cửa kính vẫn duy trì chất lượng.

Một số khu vực có dấu hiệu xuống cấp, chưa được sửa chữa.

Nhiều mảng tường lâu ngày đã bong tróc sơn, những ki-ốt ở tầng trệt các tòa nhà khóa kín cửa.

Lối vào khu dân cư dựng rào chắn, có bảo vệ trông coi.

Hệ thống phòng cháy chữa cháy xuống cấp, chưa được bảo trì.

Tại một số khu vực vẫn còn dấu tích từ thời điểm được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến.

Hệ thống hạ tầng khang trang, thường xuyên được quét dọn nhưng hạng mục cây cỏ trang trí không được chăm chút, gây mất mỹ quan chung.

Xung quanh các tòa nhà cỏ mọc um tùm.

Công trình công viên cũng chặn lối vào, thiếu người chăm sóc.

Công viên phục vụ khu dân khu tái định cư

Trước đó, Khu tái định cư Bình Khánh được kỳ vọng trở thành căn hộ kiểu mẫu. Tuy nhiên, dù cơ sở hạ tầng hoàn thiện nhưng phần lớn các căn hộ đã được bàn giao vẫn không có người ở. Nguyên nhân vì nhiều người thuộc diện đền bù không đủ tiền mua nền tái định cư ở đây hoặc do chờ đợi quá lâu không có nhà ở phải đi mua chỗ khác.

Theo Sở Xây dựng, mỗi năm TP phải chi 71 tỉ đồng phục vụ công tác vận hành, bảo quản, duy tu nhà tái định cư. Không có khoản thu nên các đơn vị quản lý phải cắt giảm các khoản chi bảo dưỡng khiến căn hộ xuống cấp.

Bài và Ảnh: Bá Di
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.